Lời tiên tri đáng sợ
Ka‘iulani tên đầy đủ là Victoria Kawēkiu Ka‘iulani Lunalilo Kalaninuiahilapalapa Cleghorn, sinh ngày 16/10/1875. Từ khi mới chào đời, Ka‘iulani đã được chỉ định là người thừa kế ngai vàng của Vương quốc Hawaii.
Vương quốc Hawaii là đất nước quần đảo nhỏ, có lịch sử ngắn. Nó được thành lập vào năm 1795, do Kamehameha Đại đế (1758 – 1819) thống nhất các đảo và trị vì.
Ka‘iulani là con gái của Công chúa Likelike (1851 – 1887). Likelike có hoàng huynh là Hoàng đế Kalākaua (1836 – 1891) và hoàng tỷ là Lili‘uokalani (1838 - 1917). Vì cả Kalākaua và Lili‘uokalani đều không có con cái, nên Ka‘iulani là người thừa kế ngai vàng thứ 3, sau bác gái và mẹ.
Năm Ka‘iulani 11 tuổi, Likelike ốm nặng. Cũng trong năm này, bà thấy có một đàn cá lớn màu đỏ bơi vào gần bờ Hawaii. Likelike cho rằng, đây là điềm gở, tiên đoán Ka‘iulani không thể kết hôn và cũng không bao giờ có được ngai vàng.
Năm 1887, Likelike qua đời. Năm 1889, Kalākaua và Lili‘uokalani quyết định cho cháu gái du học, gửi tới Northamptonshire (Anh).
Cô gái đa tài
Tại Anh, Ka‘iulani chăm chỉ học tiếng Latinh và các bộ môn văn hóa, khoa học, lịch sử… Cô sớm thông thạo tiếng Pháp, và tiếng Đức, giỏi chơi cả tennis lẫn bóng gậy, thậm chí am tường văn chương, nghệ thuật và trở thành một thi nhân trẻ đáng ngưỡng mộ. Văn gia đình đám đương thời, Robert Louis Stevenson (1850 – 1894, Scotland) phải gọi cô là “đóa hồng Hawaii”.
Lili‘uokalani dự định đến năm 1893 thì đón Ka‘iulani về, cùng nhau hỗ trợ Kalākaua trị quốc. Không ngờ vào ngày 20/1/1891, Kalākaua đột ngột qua đời khi đang ở San Francisco (Mỹ). Lili‘uokalani phải kế vị gấp, trở thành Nữ hoàng Hawaii. Ka‘iulani cũng từ vị trí kế vị số 2 lên số 1. Lúc này, cô chỉ mới 16.
“Cháu chưa hiểu nhiều về các vấn đề trị quốc”, Ka‘iulani viết trong thư gửi Lili‘uokalani. Cô đề nghị nữ hoàng cất nhắc vị trí quan trọng cho cha ruột và hứa nỗ lực học hành, tiếp tục các chương trình giáo dục đang dở dang ở Anh.
Ngay sau khi lên ngôi, Lili‘uokalani phải đối mặt với âm mưu đảo chính từ Ủy ban An toàn (Committee of Safety) – nhóm chính trị Hawaii gốc Mỹ, thân Mỹ. Tổ chức này được thành lập vào năm 1887, có mục đích thôn tính Hawaii, biến vương quốc này thành 1 bang của Mỹ.
Tháng 1/1893, sau 2 năm trị vì, Lili‘uokalani bị lật đổ. Ka‘iulani trong vai trò là người kế vị vương miện Hawaii đi thuyền từ Anh tới Mỹ, bước vào Nhà Trắng gặp mặt Grover Cleveland, Tổng thống thứ 24 và đương nhiệm của Hoa Kỳ.
Trước khi đến Mỹ, Ka‘iulani đã có 1 bài thông cáo báo chí ở Anh. Cô nói “4 năm trước, theo yêu cầu của Lorrin A. Thurston (nhà lãnh đạo của Ủy ban An toàn kiêm Bộ trưởng Nội các Hawaii mới), tôi đã đến Anh để nhận nền giáo dục phù hợp với vị trí người thừa kế ngai vàng.
Suốt những năm qua, tôi luôn kiên trì, cố gắng không ngừng nghỉ. Vậy mà bây giờ, Thurston lại đến Washington đòi tước bỏ hoàng quyền của tôi và cờ Hawaii”.
“Tôi đến Washington để giữ lấy ngai vàng, vương quốc và cờ tổ quốc”, Ka‘iulani khẳng định. Sự phân tích thấu tình đạt lý của công chúa trẻ đã khiến Tổng thống Cleveland cảm động sâu sắc. Ông hứa đưa vấn đề của cô ra trước Quốc hội, bàn thảo và bảo vệ quyền tự do cho Hawaii.
Phận bạc, mệnh yểu
Dù tuyên bố “tôn trọng chế độ quân chủ hợp pháp của Hawaii”, chính phủ Cleveland không hề đả động đến việc đưa Ka‘iulani lên ngôi nữ hoàng. Hawaii trở thành nước cộng hòa, với người đứng đầu là Lorrin A. Thurston.
Trước tình hình chính trị bất lợi, Ka‘iulani không thể trở về Hawaii. Cô buộc phải tiếp tục ở Anh, sau đó là theo cha chu du khắp châu Âu. Trước năm 1893, với địa vị hoàng thân, Ka‘iulani được Hawaii cấp chi tiêu lên tới 10.000 USD/năm. Sau khi mất hoàng vị, cả cô lẫn cha đều rơi vào tình cảnh tiền bạc dẫn thiếu hụt.
Ngày 12/8/1898, Hawaii chính thức bị sáp nhập vào Mỹ. Ka‘iulani cùng Lili‘uokalani mặc tang phục, phản đối kịch liệt. “Mất ngôi đã tệ, mất nước càng kinh khủng hơn”, cô bày tỏ sự phẫn uất.
Chưa vơi nỗi đau mất nước, Ka‘iulani lại mất cả chị gái lẫn người giám hộ. Cha cô không từ bỏ, thúc ép con gái tiếp tục đứng lên đòi hoàng vị. Bất kể Ka‘iulani cố gắng xuất hiện, gào thét thế nào cũng không có sự đáp lại, Kiệt quệ và tuyệt vọng, cô đổ bệnh, cuối cùng qua đời vì viêm phổi vào ngày 6/3/1899, ở tuổi 23.
Di sản không ngờ
Cuộc đời chính trị của Ka‘iulani không để lại điểm nhấn nào đáng kể. Tuy nhiên, cuộc đời công chúa Hawaii thì lại bảo vệ và giữ gìn được một bản sắc dân tộc hữu hình. Đó là môn lướt ván.
Hawaii là thủy tổ của bộ môn lướt ván. Từ xưa, người bản địa ở đây đã say mê chinh phục sóng biển bằng tấm ván gỗ dài. Suốt thời phong kiến, phụ nữ hoàng gia Hawaii phải là người “nằm trên nước, đạp trên sóng”. Họ chỉ được công nhận khi giỏi lướt ván.
Cuối thế kỷ XIX, các nhà truyền đạo phương Tây xâm nhập Hawaii. Họ xem lướt ván là hành vi không đúng đắn và hướng tín đồ từ bỏ nó. Ka‘iulani lớn lên trong thời gian lướt ván bị kỳ thị nhất. Dù vậy, cô bất chấp say mê và tập luyện, từ thuở thiếu niên đã lừng danh là “vận động viên lướt ván lão luyện nhất”.
Suốt 4 năm ở Anh, lướt ván là “cứu tinh” của Ka‘iulani những lúc căng thẳng, buồn bã, nhớ nhà. Cứ có thời gian rảnh rỗi, cô lại ôm ván ra bãi biển, chơi đùa với sóng. Những năm rong ruổi, đấu tranh đòi hoàng quyền, Ka‘iulani cũng không ngừng lướt ván. Nhờ cô, bộ môn thể thao Hawaii này duy trì và cuối cùng hồi sinh.
Giờ đây, người Hawaii nào cũng say mê lướt ván. Họ nhớ ơn và gọi Ka‘iulani là “mẹ đẻ của môn lướt ván hiện đại”.