Trau dồi kỹ năng
Theo chuyên gia, đối với học sinh, sinh viên, người nghiên cứu hay những người đang đi làm nói chung, có kỹ năng tranh biện tốt đồng nghĩa với phát triển tốt tư duy logic và tư duy phản biện. Bởi lẽ, để có thể phản bác ý kiến đối phương một cách thuyết phục, người tranh biện cần nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh khách quan và tự sắp xếp lập luận của mình sao cho logic.
Bên cạnh đó, kỹ năng tranh biện cũng giúp cho người học rèn luyện sự tự tin khi phát biểu trước đám đông, sự sáng tạo trong lập luận, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm và cả kỹ năng lãnh đạo. Những kỹ năng này đặc biệt quan trọng trong việc phát triển bản thân một cách toàn diện.
Theo MC Quyết Thắng (Kênh truyền hình Tài nguyên và Môi trường): “Để xây dựng được một bài nói, bài hùng biện tốt bước đầu tiên là cần chuẩn bị cho trẻ một dàn bài.
Có nhiều bạn cho rằng đối với một bài hùng biện thì cần quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của người nghe. Điều này đúng nhưng vẫn là chưa đủ. Nếu như trẻ được chuẩn bị thật kỹ càng cho những gì sắp nói, thì đó là thể hiện tinh thần trách nhiệm và cũng là một giải pháp giúp các trẻ có thể ứng phó với tất cả các tình huống phát sinh.
Vì vậy, khi con cần tranh biện về một chủ đề gì, cha mẹ hãy cùng con thu thập thông tin, thực sự hiểu sâu về điều đó mới giúp trẻ tự tin trình bày và linh hoạt hơn khi được hỏi lại”.
MC Quyết Thắng cũng chia sẻ thêm, việc chuẩn bị sẽ được thực hiện tùy theo đặc điểm của từng trẻ, chỉ cần cảm thấy thật phù hợp ưu thế của từng bạn.
Cha mẹ cũng có thể hướng dẫn trẻ chuẩn bị bằng cách ghi ra một cuốn sổ nhỏ, ghi chú vào trong điện thoại. Hoặc thỉnh thoảng có thể thêm vào dàn bài một vài hình vẽ, tô đậm những ý tưởng mới, những câu có tính quan trọng như một điểm nhấn. Tất cả các hành động đó đều giúp cho các bạn chuẩn bị thật chu đáo, trau chuốt cho một bài diễn thuyết, bài hùng biện trước đám đông.
Một kinh nghiệm rất quan trọng để rèn kỹ năng tranh biện được MC Quyết Thắng bật mí chính ở việc nghe đọc tin tức hằng ngày. Nghe có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng đủ kiên trì thực hiện. Tư duy phản biện là sự va đập giữa những thông tin với nhau để mỗi cá nhân đánh giá được đúng, sai. Nếu không hiểu biết, người ta chỉ có thể tiếp thu thông tin một chiều và làm theo.
Muốn phản biện một vấn đề nào đó buộc trẻ phải nắm được thông tin về vấn đề đó. Mỗi ngày dành ra khoảng 30 phút đọc báo giúp chúng ta tăng cường hiểu biết, cập nhật kiến thức của bản thân.
Với những trường hợp gặp khó khăn trong việc thể hiện ra bằng ngôn ngữ, chưa tự tin hoặc còn nhiều e ngại có thể bắt nguồn từ việc các bạn mắc lỗi khi còn nhỏ và bị mắng, bị chê cười. Điều này khiến các bạn thường sợ sai lầm hay xấu hổ. Để vượt qua sẽ cần dần dần từng bước.
Từ việc dám nói với bản thân trước gương, tiếp đến nói với một người bạn, đến nhóm bạn rồi lớn hơn ở sân trường mình, sân trường người khác… Từng thành tựu nhỏ sẽ xây dựng niềm tin cho các bạn trẻ trong việc dám thể hiện bản thân, dám bày tỏ quan điểm trước một vấn đề cụ thể.
Nam MC cũng cho biết, nhiều cha mẹ cảm thấy khó chịu, khó kiềm chế cảm xúc mỗi khi tranh biện cùng con. Tuy nhiên, chỉ cần đứa trẻ không đưa ra những điều vô lý mà đang thể hiện mong muốn bản thân qua việc tranh cãi thì cha mẹ hãy cố gắng bình tĩnh. Lúc này, cha mẹ cần lắng nghe ý kiến, thay vì phán xét và cho rằng trẻ không biết gì.
Thiết lập nguyên tắc
Cô giáo Nguyễn Phương Trà - Giáo viên dạy kỹ năng sống trường song ngữ quốc tế VIS cho biết, khi trẻ tranh biện với cha mẹ cũng là cách giúp trẻ cải thiện khả năng ngôn ngữ và đánh thức suy nghĩ, hành động “đấu tranh”. Trong quá trình tranh luận, trẻ sẽ điều chỉnh lối diễn đạt, bày tỏ yêu cầu theo trật tự logic, nâng cao khả năng tư duy thông tin. Như vậy, trẻ mới có thể thuyết phục được cha mẹ đáp ứng yêu cầu mà trẻ đưa ra.
Nếu đánh giá theo góc nhìn tích cực, việc trẻ cãi, tranh luận mang lại nhiều ích lợi. Bởi sau này trưởng thành, trẻ sẽ phải đối mặt với rất nhiều cuộc thảo luận, từ ở trường lớp đến ngoài xã hội. Và trẻ cần phải có kỹ năng, bản lĩnh, chính kiến của mình. Đấu tranh đến cùng để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những điều mình cho là đúng thì dĩ nhiên không phải là điều xấu.
Cô giáo Nguyễn Phương Trà chia sẻ: “Trong trường học, nhiều trẻ tranh biện tốt thường rất sáng tạo, chịu khó học hỏi và nghiên cứu. Những học sinh này tích cực, chủ động trong cuộc sống và truyền năng lượng tích cực cho người khác. Đây cũng là lý do mà nhiều giáo viên để trẻ thoải mái trình bày quan điểm, lập luận của mình. Để trẻ phát huy hơn nữa kỹ năng này, cha mẹ cần phối hợp với nhà trường, cùng tạo môi trường cho con được lắng nghe và được chia sẻ”.
Ở nhiều gia đình vẫn còn tồn tại quan niệm cha mẹ nói gì thì con cái phải nhất nhất nghe theo, không có quyền cãi lại. Nếu phản bác và tranh luận sẽ bị đánh giá là hỗn, không nghe lời. Điều này khiến cuộc tranh luận đi vào ngõ cụt, mâu thuẫn cứ thế âm ỉ, dẫn đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ngày càng căng thẳng, xa cách.
Theo cô Trà, để để cuộc tranh luận giữa cha mẹ với con cái thành công nhất phải đến từ cả 2 phía và có những nguyên tắc nhất định:
Lịch sự và tôn trọng: Khi con bày tỏ mong muốn, cha mẹ không nên bỏ đi hoặc cắt ngang lời. Hãy bình tĩnh lắng nghe con và đưa ra ý kiến bản thân. Điều đó thể hiện sự lịch sự, thái độ tôn trọng trẻ.
Rõ ràng và thẳng thắn: Nhiều cha mẹ không nghe lời con nói mà bắt con làm theo ý mình. Họ cũng không giải thích, không bình luận để con hiểu và khẳng định đó là cách “tốt nhất”.
Khi con cái bày tỏ quan điểm và hỏi nguyên nhân, trẻ chỉ nhận được sự nhấn mạnh của chữ “phải”, không kèm theo lời giải thích. Sự áp đặt và không rõ ràng của cha mẹ có thể khiến cuộc tranh luận kết thúc trong sự khó chịu của trẻ. Cha mẹ có thể đang vô tình biến trẻ thành người không có chính kiến, không có khả năng phản biện và chỉ nghe theo lời người khác.
Còn về phía con cái, sự thẳng thắn, rõ ràng cần phải thể hiện ở chỗ trẻ bày tỏ được suy nghĩ và trình bày một cách mạch lạc. Giống như một bài văn nghị luận vậy, trẻ phải đưa ra đầy đủ luận điểm, dẫn chứng.
Hợp tác và cởi mở: Chỉ có sự hợp tác và cởi mở giữa hai bên mới giúp cuộc tranh luận thành công. Điều này không chỉ khiến cha mẹ hiểu con hơn mà còn giải quyết được mọi khúc mắc trong lòng của đôi bên, không kéo dài mâu thuẫn.
Những nguyên tắc trên không chỉ áp dụng cho cuộc tranh luận của cha mẹ và con cái mà còn là yếu tố nền tảng quyết định sự thành công của các cuộc tranh luận khác.
Cũng theo cô Trà, muốn con trau dồi khả năng tranh biện, cha mẹ nên đặt câu hỏi cho con về các vấn đề con quan tâm. Hãy ưu tiên đặt câu hỏi về những vấn đề con quan tâm và khuyến khích chúng trả lời. Đây là cách tuyệt vời giúp tạo sự hào hứng cho trẻ và hướng dần đến việc bày tỏ quan điểm về vấn đề, sự việc được hỏi. Các bậc cha mẹ có thể dựa trên câu trả lời của trẻ, trực tiếp đưa ra những câu hỏi tại sao để trẻ có cơ hội lý giải.
Đồng thời, cần nâng cao khả năng kết nối sự việc khi đứng trước bất kể vấn đề nào, đây là yếu tố tiên quyết giúp cha mẹ dạy con tư duy phản biện dễ dàng, hiệu quả hơn. Hãy yêu cầu chúng tìm ra cách liên kết giữa các vấn đề khác nhau. Hướng cho bé biết cách dự đoán kết thúc của một câu chuyện, sự vật hay hiện tượng. Từ đó, giúp thúc đẩy khả năng ứng phó với tình huống và đưa ra những phân tích sát thực nhất với vấn đề xảy ra.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể đồng hành với con qua các trò chơi. Hãy đặt những câu hỏi từ dễ đến khó về các chủ đề con yêu thích và cùng con tìm ra đáp án chính xác. Như vậy, sẽ giúp trẻ học được cách phân tích thông tin logic và khoa học nhất.
Cùng con đọc sách báo cũng là cách hay để dạy con tư duy phản biện. Bằng chính những câu chuyện hoặc thông tin trong đó, cha mẹ có thể đưa ra những câu hỏi về cảm nhận, chẳng hạn như con nghĩ sao về nhân vật này? Ứng xử như vậy có hợp lý không?… Như vậy sẽ giúp trẻ thêm tự tin để bày tỏ ý kiến cá nhân.
“Trong tranh biện, cha mẹ lưu ý hãy khoan phủ nhận suy nghĩ và hành động sai của con, hãy thử cách gợi ý câu hỏi khác thuyết phục hơn để cùng con đào sâu thêm tư duy, tăng khả năng phân tích vấn đề của trẻ.
Để phản biện ý kiến, cha mẹ cũng phải sử dụng những bằng chứng nghiêm túc, có thể cùng con tìm hiểu các vấn đề thông qua sách vở, Internet, Youtube,… Cha mẹ cũng phải chấp nhận thua và cổ vũ con nếu thấy ý tưởng của con tốt hơn”, cô Phương Trà nhấn mạnh.