'Bí quyết' tăng sức hấp dẫn cho môn Giáo dục chính trị

GD&TĐ - Cần lời giải nâng cao chất lượng dạy học môn Giáo dục chính trị cho học sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp...

ThS Đặng Thị Ánh giảng bài qua chuyến tham quan trải nghiệm thực tế cho học sinh. Ảnh: NVCC
ThS Đặng Thị Ánh giảng bài qua chuyến tham quan trải nghiệm thực tế cho học sinh. Ảnh: NVCC

Bài toán nâng cao chất lượng dạy học môn Giáo dục chính trị cho học sinh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đòi hỏi phải có lời giải, đó là sự phối hợp tích cực từ nhiều phía: Nhà quản lý, giáo viên, học sinh... với nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ.

Nhận diện để tìm khởi sắc

Trước những thay đổi không ngừng của thực tiễn, chương trình, nội dung môn Giáo dục chính trị đã luôn được điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Do vậy, việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học môn Giáo dục chính trị tại các cơ sở giáo dục càng trở thành nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết.

Hiện nay, việc giảng dạy môn Giáo dục chính trị tại nhà trường được thực hiện theo Thông tư số 24 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Điểm nổi bật nhất trong lần đổi mới này là chương trình môn Giáo dục chính trị được quy định dành cho đối tượng tuyển sinh tốt nghiệp THPT là 75 tiết, đối tượng tuyển sinh hệ THCS có 30 tiết.

Việc đổi mới nội dung chương trình môn Giáo dục chính trị được nhà trường, đội ngũ giáo viên và học sinh đón nhận một cách tích cực. Trong quá trình thực hiện giảng dạy chương trình môn Giáo dục chính trị theo Thông tư số 24, Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã nỗ lực tìm tòi những giải pháp đồng bộ đi kèm để nâng cao chất lượng dạy học bộ môn.

Thực tế cho thấy, qua 4 năm giảng dạy môn Giáo dục chính trị theo chương trình mới, bên cạnh những mặt tích cực thì việc nâng cao chất lượng dạy học môn Giáo dục chính trị vẫn còn đối mặt với một số thách thức.

Đầu tiên là sự quá cô đọng của nội dung chương trình: Ví dụ như ở bài 1 “Khái quát chủ nghĩa Mác - Lênin” hiện nay là sự tích hợp kiến thức lớn. Vì vậy, người thầy nếu muốn học sinh hiểu được những kiến thức đó thì phải có sự diễn giải khá dài. Trong khi đó, thời gian giảng dạy chương trình chỉ có 4 giờ, trong đó 2 giờ lý thuyết, 2 giờ thảo luận.

Ngoài ra, dạy học một môn học có sự kết hợp nhiều phân môn với những đặc thù tri thức khác nhau là thách thức lớn đối với đa số giáo viên bộ môn: Ví dụ như phần “Chủ nghĩa Mác - Lênin” là sự kết hợp nội dung của ba môn Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học. Trong khi từ trước tới nay, đội ngũ giáo viên chỉ được đào tạo theo một chuyên ngành cụ thể như: Triết học, Kinh tế chính trị, Lịch sử Đảng,..

Những lúng túng về chuyên môn của người truyền đạt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học bộ môn này. Ngoài ra, lứa tuổi học sinh còn nhỏ, học sinh trong nhiều trường là con em đồng bào dân tộc có hộ khẩu ở vùng sâu, vùng xa trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế nên việc tiếp thu những nội dung môn học Giáo dục chính trị còn gặp nhiều khó khăn.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Cần đồng bộ các giải pháp

Từ kinh nghiệm và kết quả thực tế tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn, các chuyên gia giáo dục nhận thấy cần tìm ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học môn Giáo dục chính trị trong trường học. Đầu tiên đó là cần lựa chọn hình thức dạy học phù hợp.

Đối với môn Giáo dục chính trị và các môn học chung nhà trường không nên tổ chức học ghép lớp mà tổ chức môn học theo từng lớp nghề theo chương trình đào tạo của các nghề. Đơn cử, nghề Chăn nuôi thú y và nghề Công nghệ ô tô sẽ học môn Giáo dục chính trị ở năm học thứ nhất; nghề Điện, nghề cơ khí… sẽ học ở năm thứ học hai.

Để giáo viên truyền đạt kiến thức phù hợp với đặc trưng từng nghề, việc tổ chức mỗi lớp nghề có từ 20 đến 40 học sinh sẽ thuận lợi cho giáo viên khi tổ chức giờ học. Giáo viên sẽ sử dụng các phương pháp dạy học tích cực như: Chia nhóm thảo luận, giao nhiệm vụ học tập theo nhóm, học sinh được tham gia xây dựng bài giải.

Với cách tổ chức này học sinh sẽ tập trung và có thái độ học tập tích cực hơn, bài giảng sẽ lôi cuốn hơn khi thầy và trò có sự tương tác tích cực cùng nhau và giáo viên cũng dễ nắm bắt tâm tư nguyện vọng của học sinh. Thời lượng số tiết học cũng cần được điều chỉnh và rút kinh nghiệm giờ giảng tốt hơn. Những nghề được học môn Giáo dục chính trị vào năm học thứ hai của khóa học, học sinh đã có nhận thức tốt hơn và tiếp nhận kiến thức cũng dễ dàng hơn.

Tiếp đến là cần đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Theo sự phân công của Tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng đề cương bài giảng theo khung chương trình quy định và tài liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Với mỗi bài học, tổ chuyên môn thống nhất lựa chọn những nội dung cơ bản, trọng tâm để giảng dạy trên lớp, những nội dung mang tính tham khảo, hướng dẫn nên để học sinh tự nghiên cứu. Nhờ vậy sẽ hạn chế được sự quá tải của nội dung chương trình, đồng thời giúp học sinh rèn luyện khả năng tự học, tự nghiên cứu và làm việc theo nhóm.

Tổ chuyên môn đã lựa chọn một số nội dung của các giờ thảo luận trên lớp thay bằng cho học sinh đi tham quan trải nghiệm thực tế phù hợp với từng nghề nghiệp, từng bài học. Trường đã tổ chức nhiều lớp đi thăm quan Lăng Bác, khu di tích lịch sử cách mạng hoặc đến các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Sau khi đi thăm quan trải nghiệm thực tế giáo viên đều giao bài tập thu hoạch theo nhóm gắn nội dung lý luận được học với chủ đề tham quan trải nghiệm thực tế.

Việc cho học sinh đi tham quan trải nghiệm thực tế là một điều hấp dẫn của môn học, học sinh cũng dễ hiểu và thấy được ích lợi khi vận dụng kiến thức lý luận vào thực tế đời sống.

Nhờ sự cọ xát này, học sinh dễ ghi nhớ kiến thức đã học và không còn thấy chán môn Giáo dục chính trị nữa. Khi học tốt môn học, học sinh sẽ hiểu và quý trọng thành tựu xây dựng và bảo vệ đất nước, hiểu giá trị ý nghĩa của lao động thực tế, hiểu hơn về ngành nghề mình đã lựa chọn, yêu nghề gắn bó với nghề mà mình đã lựa chọn.

Trên cơ sở chương trình và tài liệu, tổ bộ môn xây dựng bài giảng trình chiếu để tăng sức hấp dẫn của bài giảng, giảm thuyết trình, sử dụng các hình ảnh, tư liệu, học liệu làm minh chứng cho lý luận giúp học sinh hứng thú hơn trong giờ học, dễ tiếp thu và ghi nhớ bài học.

Bên cạnh sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía, mỗi giáo viên Giáo dục chính trị với lương tâm và trách nhiệm của mình, phải không ngừng học tập, bồi dưỡng, tìm tòi, sáng tạo, nhạy bén nắm bắt những đổi thay từ cuộc sống để làm mới chính mình, mang tới cho người học những giờ học Giáo dục chính trị thiết thực, bổ ích và hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.