Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa
Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập đối với môn lý luận chính trị, đạo đức, giáo dục công dân, kinh tế - pháp luật; các nội dung về giáo dục lịch sử dân tộc, lịch sử cách mạng và văn hóa trong trường học.
Tăng cường chỉ đạo, quản lý công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, các trường tư thục, các chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài.
Tổ chức các hoạt động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; quán triệt, tuyên truyền, hướng dẫn nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, HSSV tích cực tham gia Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Thực hiện công tác phát triển Đảng viên trong trường học, bồi dưỡng nhận thức về Đảng trong HSSV, chú trọng phát hiện và bồi dưỡng HSSV tiêu biểu, xuất sắc thông qua các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động học tập, rèn luyện, Đoàn - Hội để tạo nguồn kết nạp đảng; triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên trong trường học.
Theo dõi, nắm bắt tình hình chính trị, tư tưởng trong HSSV; tổ chức hiệu quả hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục với HSSV để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và kịp thời xử lý những vấn đề khó khăn, bức xúc trong HSSV.
Quan tâm đầu tư, hỗ trợ và thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong các trường học; khuyến khích HSSV tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, văn hóa quần chúng; nâng cao hiệu quả tổ chức các hội thi, liên hoan văn nghệ cho HSSV; hỗ trợ, đầu tư phát triển mạng lưới hoạt động thư viện tại các cơ sở đào tạo; tăng cường tổ chức các phòng đọc, tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp học...
Ảnh minh họa. |
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống
Thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”; trong đó, tập trung giáo dục cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng lý tưởng cách mạng, bản lĩnh chính trị; có ý chí học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp; có kỹ năng sống, nghề nghiệp và việc làm; có đạo đức, ý thức công dân; khơi dậy khát vọng vươn lên, tinh thần tình nguyện cống hiến.
Triển khai hoạt động tư vấn tâm lý và công tác xã hội tại các cơ sở giáo dục. Phối hợp với tổ chức Đoàn - Đội - Hội rà soát, quản lý chặt chẽ về nội dung, hình thức của các trò chơi, các hoạt động ngoại khóa của HSSV; không tổ chức cho HSSV tham gia các trò chơi có nội dung, hình thức bạo lực, phản cảm, không phù hợp với văn hóa dân tộc, chuẩn mực đạo đức xã hội.
Tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho HSSV; xây dựng kế hoạch chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống trong các cấp học trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho HSSV.
Thành lập các câu lạc bộ theo sở thích, tài năng, câu lạc bộ tiếng Anh trong các nhà trường; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm và khuyến khích HSSV tham gia nhằm phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng sống, tạo môi trường tốt cho HSSV nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh.
Xây dựng, ban hành kế hoạch phối hợp công tác, trong đó nêu cụ thể nội dung, nhiệm vụ phối hợp với từng cơ quan, đơn vị hữu quan để tăng cường phối hợp nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục HSSV theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GDĐT và của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các đơn vị phổ biến, quán triệt Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ Giáo dục chính trị và công tác HSSV năm học 2023 - 2024 và các văn bản có liên quan đến tất cả các Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục; các giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, HSSV trong toàn ngành để triển khai thực hiện.