Đó là ba chị em gái Lê Thị Thoại (SN 1909), Lê Thị Mưu (SN 1911) và cụ Lê Thị Mùi (SN 1917), cùng trú tại xóm 3, xã Lý Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Gia đình các cụ vốn có 7 anh chị em, nhưng hiện nay 4 người đã mất, chỉ còn 3 cụ cùng sinh sống trong một xóm nhỏ.
Người chị lớn tuổi nhất là cụ Lê Thị Thoại năm nay tròn 110 tuổi. Ở độ tuổi xưa nay hiếm, vậy mà cụ Thoại vẫn còn đi lại được. Ngày nào cụ cũng tự mình thức dậy, dùng chiếc gậy chống đi lại quanh nhà một vài vòng, sau đó cầm chổi quét sân, tự múc nước giếng để giặt quần áo mà không cần con cháu nào giúp.
Cụ Thoại dù 110 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn.
Cụ Thoại có 3 người con, 15 người cháu, 31 người chắt và 2 chút. Hiện cụ sống với con trai cả. Nhiều lúc những người con người cháu can ngăn vì sợ cụ mệt, thế nhưng cụ gạt đi. “Giờ còn đi được, còn làm được, chứ mấy năm nữa nằm một chỗ lại khổ con cháu”, cụ nói.
Vốn con nhà nông, ngồi một chỗ mãi không chịu được nên cứ thế cụ tự làm chuyện vệ sinh cá nhân. Cụ sống sạch sẽ, ngăn nắp. Nay đã hơn trăm tuổi, nhưng cụ vẫn thường ra vườn quét dọn và nhặt củi khô. Đặc biệt, vào mùa đông về, cụ hay ngồi dưới bếp sưởi ấm dù mọi người đã mua máy sưởi và chăn ấm, cụ bảo “thích sưởi bếp than hơn”.
Nói về việc sống thọ, cụ Thoại cho rằng quan trọng nhất là phải tạo cuộc sống thật lạc quan, tâm hồn luôn vui vẻ, thương yêu những người xung quanh. “Khẩu phần ăn thì không có gì đặc biệt, hàng ngày con cháu ăn thứ gì tôi ăn thứ đó. Thời trẻ đói khổ, cơm không đủ ăn, có ngày chỉ ăn rau trừ bữa và đi ở thuê cho địa chủ”, cụ kể.
Cụ Mưu thích nhất là hát dân ca Ví Giặm.
Cách đó không xa là nơi sinh sống của cụ Lê Thị Mưu. Theo giấy tờ tùy thân còn lưu lại tại gia đình cho thấy, cụ bà Lê Thị Mưu sinh năm 1911, năm nay đã bước sang tuổi 108. Cụ là Mẹ Việt Nam anh hùng khi có chồng và con trai hy sinh trong kháng chiến.
Theo lời kể của gia đình, vào năm 1950, chồng cụ Mưu hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp tại Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Thời điểm chồng mất, cụ đang mang thai người con trai út. Chồng hy sinh chưa được bao lâu thì người con trai đầu cũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường B.
Năm nay cụ Mưu đã 108 tuổi.
Hiện cụ đang sinh sống cùng gia đình con trai út, ông Lê Anh Đào. “Bố hy sinh nơi chiến trường khi tôi còn chưa kịp chào đời. Do vậy, mọi gánh nặng trong gia đình đều đè lên vai mẹ. Hiện nay gia đình tuy không phải giàu có nhưng cũng có của ăn của để, thế nhưng quen việc lao động nên hàng ngày mẹ vẫn làm luôn tay”, ông Đào kể.
Mặc dù hồi xưa sống khổ cực nhưng sức khỏe của cụ Mưu rất tốt, ít bị đau ốm. Hỏi về “bí quyết”, cụ bảo cứ ăn no, ngủ kỹ, sống lạc quan thì sức khỏe mãi trường tồn.
Cụ Mùi còn nhớ được tên những người trong làng.
Người em ít tuổi nhất là cụ Lê Thị Mùi, thế nhưng cụ cũng đã bước sang tuổi 102. Hiện cụ có 10 người cháu và 13 người chắt. Cụ Mùi đang sống với con trai, kinh tế gia đình khó khăn nên hàng ngày vẫn phụ giúp thái rau. Cụ Mùi vẫn còn minh mẫn, nói chuyện rõ ràng và thậm chí nhớ được tên của người trong làng.
Khi được hỏi về sinh hoạt hằng ngày, cụ Mùi cười cho hay, do cuộc sống khó khăn nên các cụ đều ăn uống kham khổ, lúc thì củ khoai, bắp ngô. Đến thời điểm hiện nay, cụ không bao giờ ăn thức ăn nhanh hay uống các loại bia rượu, nước ngọt. Việc ăn uống đạm bạc nhưng sạch sẽ đã giúp cụ sống lâu hơn người khác.
Cả 3 cụ đều sống trong một ngôi làng. Vài năm trước, cụ vẫn thường chống gậy đi thăm 2 chị gái nhưng năm nay phải nhờ con cháu dẫn đi. Sức khỏe không như trước nên hiện các cụ chỉ gặp nhau vào ngày Tết và giỗ chạp.
Sức khỏe yếu, mỗi năm các cụ chỉ gặp nhau được 1 lần dịp Tết. Ảnh: PN.
Ông Lê Doãn Lộc, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Thành cho hay, người dân vẫn hay ví 3 cụ như 3 cây cổ thụ của làng. Nếp sống giản dị, lạc quan, hòa nhã của cụ là niềm tự hào không chỉ của dòng họ mà còn của người dân nơi đây.
Một tính cách chung của 3 cụ mà hầu như ai đến tiếp xúc cũng nhận ra là các cụ rất yêu đời, luôn sống lạc quan, rất ít khi quát mắng con, cháu, chắt trong nhà. Các cụ vẫn thuộc lòng các bài dân ca Nghệ Tĩnh và thường hát khi nghe ai gợi ý hoặc để nhắc nhở con cháu sống tròn bổn phận.
“3 cụ đều có cuộc sống rất vất vả nhưng vẫn vô tư, lạc quan, hiếm khi bực bội hay quát mắng ai và miệt mài lao động. Có thể những điều ấy đã giúp các cụ sống thọ đến như vậy. Không chỉ 3 cụ mà các anh chị em của 3 cụ cũng đều sống đến trên dưới 100 tuổi”, ông Lộc nói.