Bí quyết rèn con tự ngủ từ 1 tháng tuổi của mẹ Việt ở Cộng hòa Séc

Với sự kiên nhẫn và tình yêu con vô bờ bến, chị Nguyễn Ngọc Anh đã thành công trong việc rèn con ngủ từ nhỏ. Bây giờ, bé Múp đến giờ tự đi ngủ, chị chẳng cần phải ru vỗ về hay tỉnh giấc giữa đêm bế con như nhiều mẹ khác.

Bí quyết rèn con tự ngủ từ 1 tháng tuổi của mẹ Việt ở Cộng hòa Séc

Bất cứ ai làm mẹ cũng mong muốn con có thể ăn ngoan, ngủ giỏi để mẹ không phải vất vả thức đêm bồng bế và có sức khỏe, thời gian để làm những công việc khác. Chính vì điều đó mà chị Nguyễn Ngọc Anh, hiện đang sinh sống ở Cộng hòa Séc, quyết định rèn con tự ngủ từ lúc mới 1 tháng tuổi.

Thật bất ngờ, với những nỗ lực của mình, bây giờ chị Ngọc Anh đã thu được quả ngọt. Bé Múp (20 tháng tuổi, con trai chị) đã có thể tự ngủ và chẳng cần phải một lời vỗ về, nhắc nhở của mẹ, cứ đến giờ là bé tự vào cũi rồi tự ngủ.

Học lỏm bí quyết rèn con tự ngủ từ 1 tháng tuổi của mẹ Việt ở CH Séc, con ngoan chóng lớn, mẹ nhàn tênh, xinh đẹp rạng ngời

Chị Ngọc Anh và con trai. Ảnh: NVCC.

Dưới đây là những chia sẻ về bí quyết rèn con tự ngủ từ 1 tháng tuổi của chị Ngọc Anh, chắn chắn mẹ nào cũng thấy thiết thực và cần học hỏi:

Chị bắt đầu rèn cho bé tự ngủ từ lúc mấy tháng? Lý do gì khiến chị quyết định rèn con tự ngủ?

Mình bắt đầu rèn cho con tự ngủ sau 1 tháng tuổi và con chính thức ổn định từ tháng thứ 3. Các mẹ đừng nghĩ rèn con ngủ sớm là điều gì đó quá ghê gớm. Đơn giản là mẹ quan sát con và tạo một lịch trình phù hợp với cả mẹ lẫn con, để con khỏe mẹ cũng nhàn.

Có những em bé “thiên thần” chẳng cần rèn, cứ đến giờ là con tự đi ngủ. Nhưng với nhiều người, vì con quấy khóc nhiều nên mẹ quá mệt mỏi, không còn lối thoát và quyết định rèn con tự ngủ.

Với mình, lý do lúc đó mình quyết định rèn con tự ngủ là vì con ăn ngủ không điều độ, hay cáu gắt. Sau 1 tháng là con hay gắt ngủ, ngủ một lát dậy là khóc, buồn ngủ mà không ngủ lại được.

Con không ngủ ngon giấc thành ra ăn ít, lúc ăn hay ngủ gật, ngủ khi chưa ăn no nên thành ra một vòng luẩn quẩn. Trong khi đó, mẹ thì bận việc không nghỉ được mà lại không yên tâm khi đển con ở nhà, không hiểu con ăn uống như thế nào.

Học lỏm bí quyết rèn con tự ngủ từ 1 tháng tuổi của mẹ Việt ở CH Séc, con ngoan chóng lớn, mẹ nhàn tênh, xinh đẹp rạng ngời

Chị Ngọc Anh bắt đầu rèn cho con ngủ từ khi bé Múp được 1 tháng. Ảnh: NVCC.

Nhờ có quy củ mà con ăn uống tốt hơn, ngủ ngon hơn và mẹ an tâm hơn khi không ở nhà. Mình biết rõ giờ nào con đang thức và giờ nào con ngủ nên người trông bé cũng vô cùng nhàn.

Nhiều mẹ Việt xót con, sợ xa con, không yên tâm để con nhỏ tự ngủ một mình, chị có thể chia sẻ bí quyết gì khiến chị rèn con thành công như hôm nay?

Các mẹ thường không đủ kiên nhẫn khi nghe tiếng con khóc, hay đúng hơn là bị tiếng khóc của con “uy hiếp”. Đôi khi các mẹ còn bị tác động bởi ông bà.

Con mới sinh nên ngoài khóc ra đâu có phương tiện nào để trao đổi với mẹ đâu. Tuy nhiên, các mẹ nên phân biệt tiếng khóc của con, con khóc có thể vì đói, vì buồn ngủ, vì lạnh quá, nóng quá, vì bỉm ướt, vì con vui hoặc buồn… Mỗi tiếng khóc có dấu hiệu và nhu cầu khác nhau. Không phải cứ khóc là đòi ăn mà mẹ vội đút ti vào là xong.

Vậy nên, mẹ cần hiểu tín hiệu của con để thỏa mãn nhu cầu của con. Hiểu tín hiệu khi con buồn ngủ để con ngủ trong kiểm soát. Nếu các mẹ muốn lập trình thì có thể tìm đến cách sinh hoạt theo Easy (chu kỳ sinh hoạt lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian ngắn từ sáng sớm thức dậy đến hết ngày của một em bé sơ sinh từ lúc mới lọt lòng của Tracy Hogg).

Hoặc cách hiệu quả nhất là mẹ quan sát con mình và tìm cách hiểu con. Thường khi mẹ thỏa mãn các nhu cầu của con là con không khóc nữa. Con muốn chơi thì mẹ cho chơi nhưng đến giờ đi ngủ thì mẹ xin lỗi con, đến giờ ngủ rồi, con ngủ đi rồi lát nữa hai mẹ con mình chơi sau.

Vậy cụ thể cách chị rèn con ngủ từng giai đoạn như thế nào?

 Khi con ngủ dậy, mình cho bé ăn no vừa đủ, sau đó chơi với con, massage các kiểu để con thư giãn. Khi con có dấu hiệu buồn ngủ là lập tức cho con đi ngủ, nếu con thức quá lâu, đến giờ ngủ là tạo thói quen. Ví dụ, mình chỉ cần tắt đèn, bế con vào phòng là con đã rũ rượi ra rồi, chỉ cần đặt xuống là ngủ luôn trong vòng 2-3 phút.

Học lỏm bí quyết rèn con tự ngủ từ 1 tháng tuổi của mẹ Việt ở CH Séc, con ngoan chóng lớn, mẹ nhàn tênh, xinh đẹp rạng ngời

Mẹ lưu ý dạy con phân biệt đêm và ngày: Tạo môi trường tự nhiên như ban ngày ngủ thì kéo rèm kín. Tạo bóng tối như ban đêm. Ban ngày lúc con chơi thì để sáng hoàn toàn.

Tạo không gian, môi trường tự nhiên: Không gian không được quá yên lặng, vẫn để có tiếng động vừa phải. Phòng không quá nóng hay quá lạnh. Con mặc đồ vừa đủ, bỉm tã sạch, bụng không đói. Mẹ hoạt động bình thường, không cần rón rén. Nếu mẹ tạo không gian yên tĩnh quá, đến lúc chỉ cần cái bút rơi xuống sàn là con giật bắn lên khóc.

Bé dưới 4 tháng ngủ hay giật mình thì có thể quấn nhẹ bé vào, hay chèn gối. Mục đích của mình là bé tự ngủ và ngủ ngon, không gắt gỏng vì thiếu ngủ. Mình tạo dựng môi trường trước khi ngủ thế nào thì khi con giở giấc mở mắt ra vẫn nôi trường đó, con sẽ ngủ tiếp chứ không giật mình vì thiếu điều kiện đó.

Ví dụ nếu khi ngủ con ngậm ti mẹ, lúc con mở mắt ra không còn ti mẹ nữa thì con sẽ khóc to, nếu con quen đung đưa mà tỉnh giấc không đung đưa nữa là con cũng sẽ khóc.

Vậy lúc mới thực hiện phương pháp này, chị có gặp khó khăn gì không?

Vấn đề lớn nhất của mình là tiếng con khóc vì nằm một mình, bạn ấy gắt ngủ vô cùng. Mình đặt bạn ấy nằm xuống cũi khi chưa ngủ hẳn, để bạn ấy ý thức được việc mẹ cho nằm riêng. Mẹ đứng đó vỗ về con, chúc con ngủ ngon và mẹ đi chỗ khác.

Học lỏm bí quyết rèn con tự ngủ từ 1 tháng tuổi của mẹ Việt ở CH Séc, con ngoan chóng lớn, mẹ nhàn tênh, xinh đẹp rạng ngời

Mấy hôm đầu con không chịu, khóc khiếp lắm, mình có mẹo nhỏ cho các mẹ là lấy cái áo có mùi cơ thể mẹ, bọc vào gối đặt cạnh con cho con yên tâm. Hoặc đắp cái cáo của mẹ lên người con cho con hết khóc.

Từ kinh nghiệm của bản thân, chị có lời khuyên nào gửi gắm đến các mẹ cũng muốn rèn con tự ngủ sớm, để các mẹ không bỏ cuộc?

Mình nghĩ khi các mẹ rèn con tự ngủ là lúc mẹ quá mệt mỏi cả tinh thần lẫn thể chất rồi. Các mẹ không cần quá stress, hãy vui vẻ bên con, hãy để con được ngủ một cách ngon lành, hãy để quỹ thời gian chăm con không chỉ là bỉm sữa với tiếng khóc kinh hoàng.

Các mẹ thử nghĩ xem, một bà mẹ không tỉnh táo, mệt mỏi, cáu gắt thì liệu có làm mẹ tốt không? Hãy hiểu con, hiểu mình. Hãy là một bà mẹ thông thái, trau dồi kiến thức và khéo léo vận hành nó. Con không phải là con chuột thí nghiệm và mình lại chẳng phải là bác sĩ. Dù có luyện như thế nào, mấu chốt vẫn nằm ở nhu cầu của con.

Cảm ơn chị đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu và hữu ích này!

Theo Emdep.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

IVES hiện thực hoá giấc mơ du học Đức

IVES hiện thực hoá giấc mơ du học Đức

Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn và Viện Nghiên cứu Giáo dục Nghề nghiệp (IVES) phối hợp tổ chức chương trình 'Định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT – Khối 10'.