Bí quyết người cổ đại sống sót qua cái lạnh ở Greenland

GD&TĐ -Các nhà khoa học nghiên cứu lịch sử của Greenland thường tự hỏi, làm thế nào con người cổ đại có thể sống sót trong một khí hậu lạnh giá như vậy.

Người Saqqaq đến Greenland cách đây khoảng 4.500 năm.
Người Saqqaq đến Greenland cách đây khoảng 4.500 năm.

Nhóm các nhà nghiên cứu liên kết với một số tổ chức ở Đan Mạch và Greenland cùng các đồng nghiệp từ Australia phát hiện, nhóm người cổ đại đầu tiên sống ở Greenland đã áp dụng một chế độ ăn uống đa dạng hơn nhiều so với những gì chúng ta biết trước đây. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature Human Behavior.

Các nhà khoa học nghiên cứu lịch sử của Greenland thường tự hỏi, làm thế nào con người cổ đại có thể sống sót trong một khí hậu lạnh giá như vậy. Những nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, đã có bốn cuộc di cư lớn đến Greenland. Đó là người Saqqaq, người Dorset, người Bắc Âu và người Thule.

Tuy nhiên, chỉ có người Thule trở thành cư dân tại khu vực này. Nhóm đầu tiên - những người Saqqaq, đến Greenland cách đây khoảng 4.500 năm. Họ rời khỏi khu vực này sau 1.700 năm, do thời tiết lạnh giá. Các nghiên cứu trước đó cho thấy, người Saqqaq thường ăn cá, hải cẩu và thậm chí có thể là một số loại cá voi, mặc dù họ chỉ có những công cụ săn thô sơ.

Trong nỗ lực mới này, các nhà nghiên cứu đã xem xét kỹ hơn chế độ ăn của người Saqqaq cũng như những nhóm khác. Nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích ADN của các mảnh xương được thu thập từ khu vực chứa rác thải thực phẩm sau bữa ăn.

Khi nghiên cứu khoảng 2.500 mảnh xương, các nhà nghiên cứu đã xác định được 42 loài vật bị con người ăn thịt. Nhiều loài trong số đó đã gây bất ngờ cho các nhà khoa học. Ví dụ, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ADN của một loài tuần lộc đã tuyệt chủng.

Đây là một loài nhỏ hơn nhiều so với tuần lộc sống ở Greenland ngày nay. Các nhà khoa học cũng tìm thấy bằng chứng về vây, tinh trùng của cá voi. Một số loài khác cũng được ghi nhận là kỳ lân biển và cá voi đầu cong. Trong đó, cá voi đầu cong là nguồn thực phẩm phổ biến nhất của người cổ đại ở Greenland thời điểm đó.

Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này hoàn toàn hợp lý, vì cá voi đầu cong là loài tương đối dễ bị săn bắt. Tổng cộng, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về 20 loài động vật có vú, 9 loại cá và 13 loại chim. Trong đó, nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng về việc con người sử dụng lưới đánh cá.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, bằng chứng về ADN đã tiết lộ những loài sinh vật trở thành nguồn thực phẩm của người cổ đại. Đồng thời, làm sáng tỏ bí quyết săn bắt của những người cổ đại.

Đảo Greenland thuộc Bắc Đại Tây Dương, có diện tích là 2.175.600 km2 và được xem là hòn đảo lớn nhất thế giới. Ngày nay, khoảng 85% dân cư trên đảo là người Inuit, còn lại là người Đan Mạch và người gốc Kavbaz (Capcase).

Theo Phys

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ