Sau đây là những chia sẻ tâm huyết của thạc sĩ Ninh Xuân Thao (Khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội).
Xây dựng tiểu ban chuyên trách về học tập
Thạc sĩ Ninh Xuân Thao cho biết, ngay sau khi tiến hành đại hội Liên chi đoàn khoa Lịch sử, việc đầu tiên Ban chấp hành (BCH) Liên chi đoàn mới tiến hành là việc thiết lập một tiểu ban chuyên trách việc học tập, nghiên cứu khoa học (NCKH) và rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên.
Tiểu ban này do một đồng chí trong chi đoàn cán bộ giảng dạy của khoa nằm trong BCH liên chi đoàn phụ trách và nhận được sự quan tâm của toàn thể thầy cô trong khoa.
Bên cạnh đó, CLB sinh viên NCKH của khoa Lịch sử được thành lập năm 2000 đã ngày càng phát huy vai trò trong tổ chức cho sinh viên tập dượt NCKH.
Ban chủ nhiệm của CLB không ai khác chính là các lớp phó học tập. Đặc biệt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban chủ nhiệm CLB với tiểu ban phụ trách học tập của liên chi đoàn trong việc cùng tiến hành tổ chức hoạt động.
Sự kết hợp chặt chẽ giữa hai tiểu ban này đã chứng tỏ ảnh hưởng ngày càng lớn của Đoàn thanh niên đối với mọi mặt học tập và hoạt động của sinh viên.
Tìm cách để hiểu sinh viên
Sinh viên đại học trong xã hội hiện đại không chỉ là những người thu nhận kiến thức thụ động từ giáo viên và từ sách vở mà điều quan trọng là họ phải là những người biết cách học như thế nào.
Chính vì vậy, thạc sĩ Ninh Xuân Thao cho biết, ngay từ khi tân sinh viên mới nhập học, Liên chi đoàn và CLB sinh viên NCKH đã tổ chức buổi gặp gỡ sinh viên mới với hình thức buổi tọa đàm trao đổi về phương pháp học tập ở đại học. Đây là công việc được tiến hành thường niên.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của sinh viên khóa trên và các thầy cô giáo, các cán bộ cố vấn học tập cho sinh viên. Đây là cơ hội để sinh viên có thể đưa ra những thắc mắc và được giải đáp về toàn bộ những vấn đề liên quan đến việc học ở ĐH.
Các sinh viên khóa trên cũng rất nhiệt tình, thẳng thắn và cởi mở khi trao đổi với tân sinh viên phương pháp học, kinh nghiệm ôn thi, trao đổi về đội ngũ hầy cô giáo của khoa, thậm chí cả các vấn đề nhỏ hơn như cách tìm và đọc tài liệu, triển khai một bài tập, tiểu luận…
Đây thực sự là cơ hội tốt để các tân sinh viên có thể làm quen với môi trường, cách học đại học; thấy được sự khác biệt rất lớn giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, đặc biệt là quy chế đào tạo theo tín chỉ. Đây cũng là bước đầu tiên cho tân sinh viên định hình chiến lược học tập trong suốt thời gian theo học.
Đa dạng hóa hình thức tổ chức hoạt động học tập
Để triển khai nội dung này, theo chia sẻ của thạc sĩ Ninh Xuân Thao, Liên chi đoàn khoa đã tổ chức học tập cho sinh viên theo mô hình hoạt động nhóm.
Nếu như trước kia, sinh viên học tập trung theo lớp, việc tổ chức hoạt động nhóm là điều tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, theo quy chế tín chỉ, sinh viên được quyền tự chọn lớp và giảng viên, do đó lịch học và lớp của sinh viên là không thống nhất.
Đây là khó khăn lớn cho Liên chi đoàn khi tham gia vào công tác xây dựng mô hình nhóm học tập cho sinh viên.
Để tiến hành công việc này, thạc sĩ Ninh Xuân Thao cho biết, ban đầu mỗi lớp tín chỉ có một lớp phó phụ trách học tập đứng ra tổ chức hoạt động nhóm học tập cho sinh viên. Việc thành lập nhóm do sinh viên tự quyết định căn cứ trên lịch học.
Các nhóm học tập có nhóm trưởng và vạch kế hoạch học tập riêng cho nhóm mình. Mỗi tín chỉ là một nhóm học tập khác nhau, do đó một sinh viên có thể tham gia vào nhiều nhóm học tập khác nhau, qua đó tạo nên tính năng động và cộng đồng cao cho sinh viên.
Từ đó, đến các năm học tiếp theo, sinh viên có thể độc lập trong việc tự xây dựng nhóm học tập phug hợp với chiến lược học tập của mình.
Cùng với việc tổ chức nhóm học tập, Liên chi đoàn cũng đa dạng hóa các hoạt động, từ đó tăng tính cộng đồng cho sinh viên.
Theo đó, bên cạnh thực hiện các hoạt động nhóm trên lớp học, việc chú trọng các nhóm có sự đan xen giữa những sinh viên có môi trường sống khác nhau cũng được chú trọng.
Qua những nhóm học tập xen kẽ này, thông tin học tập sẽ được truyền tải một cách nhanh chóng, toàn diện và từ nhiều khía cạnh đến sinh viên.
Hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên là cơ hội tốt để sinh viên sinh sống ở nhiều khu vực quanh trường có thể làm quen, kết bạn và tự thành lập nhóm với nhau.
Chính vì vậy, mô hình Đội văn nghệ xung kích, Đội thanh niên xung kích khoa Lịch sử là cơ hội tốt cho sinh viên vừa hoạt động, thể hiện năng lực của mình, vừa là cơ hội tốt để tăng tính cộng đồng trong hoạt động cũng như học tập cho sinh viên.
Tạo cơ hội cho sinh viên thể hiện năng lực tự học
Để tạo cơ hội cho sinh viên phát huy năng lực tự học cho học sinh, Liên chi đoàn khoa Lịch sử đã chú trọng tạo năng lực tự tìm kiếm tài liệu cho sinh viên.
Theo đó, ngay từ đầu, khi tiến hành tọa đàm về phương pháp học tập cho sinh viên, điều được chú trọng đó là cung cấp các địa chỉ có thể tiếp cận tài liệu cho sinh viên, đầu tiên là tài liệu trên mạng internet. Cùng với đó là hướng dẫn sinh viên có quan điểm riêng, chọn lọc và kiểm định tài liệu trên mạng cũng được chú ý ngay từ buổi hội thảo.
Bên cạnh đó, các thư viện khác nhau mà sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận nhanh chóng cũng được giới thiệu, như: Phòng Tư liệu khoa Lịch sử, Thư viện trường, Thư viện Quân đội, Thư viện Quốc gia, Thư viện Khoa học Xã hội Trung ương,…
Việc tạo dựng diễn đàn trao đổi kiến thức, chuyên môn và khả năng tự nghiên cứu cho sinh viên cũng được chú trọng. Để thực hiện công việc này, CLB sinh viên NCKH có vai trò rất lớn.
Hàng năm, CLB xuất bản 3 số nội san sinh viên. Nội san bao gồm những bài viết do sinh viên tự viết, tự biên tập hoặc giới thiệu các công trình NCKH tiêu biểu, đạt giải cao, là nơi sinh viên thể hiện tâm tư, suy nghĩ, khúc mắc của mình để trao đổi với nhau.
Cuối cùng, Liên chi đoàn tổ chức tập huấn về NCKH cho sinh viên năm thứ nhất. Sau khoảng một nửa kì học, sinh viên năm thứ nhất được tổ chức một buổi tập huấn về NCKH với những nội dung cơ bản nhất dưới hình thức một buổi trao đổi - nói chuyện.
Một thầy cô giáo trong khoa có thâm niên trong NCKH trao đổi cho sinh viên những kiến thức chung nhất về NCKH như cách xác định đề tài, triển khai ý tưởng, thu thập tài liệu để thực hiện công trình, hoàn thiện và đưa ra công trình,… hay đơn giản nhất là các kê danh mục tài liệu tham khảo cho khoa học và hợp lí.
Buổi nói chuyện đã tạo dựng cho sinh viên năm thứ nhất những kiến thức nền tảng, đặt cơ sở cho sinh viên tiến hành tập dượt nghiên cứu. Những kĩ năng chung nhất về NCKH sẽ được sinh viên tiếp tục hoàn thiện khi học học phần Phương pháp luận NCKH ở năm thứ hai.