Bí quyết làm trống lưu truyền trăm năm của dòng họ Phan

GD&TĐ - Từ gỗ mít và da trâu, qua bàn tay nhào nặn của người con dòng họ Phan (ở huyện Thanh Chương, Nghệ An) đã làm nên những chiếc trống da có “hồn cốt”, góp phần tạo nên thanh âm của cuộc sống.

Bí quyết lưu truyền trăm năm

Những ngày giáp Tết, xưởng đóng trống gia truyền Cư Hồng của ông Phan Văn Cư tại thôn Văn Thưởng, xã Đại Đồng (huyện Thanh Chương, Nghệ An) lại tất bật hoàn thiện những chiếc trống cuối cùng để bàn giao cho khách. Bên trong xưởng, không khí làm việc náo nhiệt, âm vang của những tiếng trống khiến không ít người đi đường phải tò mò.

Xưởng của ông Cư làm việc quanh năm, tuy nhiên gần Tết Nguyên đán là thời điểm “nước rút” để hoàn thành các đơn hàng. Theo người đàn ông này, nghề làm trống của gia đình được tổ tiên dòng họ Phan truyền lại, có lịch sử hàng trăm năm.

“Đến đời con trai tôi, nghề làm trống đã lưu truyền được 9 thế hệ. Xưa kia, tổ tiên mang nghề làm trống từ xã Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đến xã Đại Đồng. Vì quy định truyền nghề cho con trai trưởng, nên hiện nay cả dòng họ Phan chỉ có gia đình tôi và người em trai được mở xưởng làm trống”, ông Cư tâm sự.

Kế thừa nghề truyền thống của tổ tiên, ông Cư dành cả cuộc đời mình đục đẽo, tích lũy những kỹ thuật làm trống để giờ đây trở thành bí quyết riêng. Dù năm nay đã hơn 60 tuổi nhưng vì lòng yêu nghề, hằng ngày ông Cư vẫn tham gia làm trống, truyền đạt lại cho con cháu những kinh nghiệm quý báu.

Miệt mài đánh bóng cho chiếc trống con, ông Cư chia sẻ, trong các công đoạn thì việc chọn gỗ và làm tang trống ảnh hưởng không nhỏ đến thanh âm và độ bền của trống. Ở những nơi khác, tang trống có thể sử dụng bằng nhiều loại gỗ khác nhau thì ở xưởng của ông dùng duy nhất loại gỗ mít.

Người đàn ông này lý giải, về hình thức bên ngoài gỗ mít có màu vàng rất đẹp, độ bền cao, không bị cong vênh, nứt vỡ theo thời gian. So với các loại gỗ khác, trống làm từ gỗ mít có âm thanh hay hơn. Cây gỗ có tuổi thọ càng già thì tiếng trống kêu càng đanh và có hồn.

Để chọn được gỗ mít ưng ý, cứ vài tháng ông lại cùng người con trai cả xách ba lô đi lên các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong… để tìm mua. Tuy nhiên, cũng có nhiều lần cha con ông Cư phải ra về tay không vì loại gỗ đáp ứng được tiêu chuẩn rất hiếm. Hàng chục năm làm nghề, đôi chân của ông Cư đã rong ruổi hầu khắp các nẻo đường, bản làng ở miền Tây xứ Nghệ.

Gỗ mua về, tùy vào loại trống mà gỗ được xẻ thành những tấm rộng từ 5 - 10cm. Sau khi phơi khô, người thợ lại tiếp tục xẻ những tấm gỗ này thành tang trống có độ cong và độ dày tùy theo kích thước từng quả trống. Nhờ bàn tay tài hoa của người thợ, những thanh tang trống được ghép lại vừa khít với nhau trở thành quả trống tròn và cân xứng.

Theo ông Cư, công đoạn làm da và bịt mặt trống là quan trọng hơn cả. Da trâu dùng để bịt các loại trống lớn có đường kính từ 80cm trở lên, còn da bò bịt những loại trống nhỏ hơn. Sau khi mua về, da trâu được nạo bớt phần mỡ thừa cho đến khi đạt độ dày nhất định. Ở công đoạn này, những người thợ cần có kinh nghiệm rất nhiều năm mới thực hiện được, bởi vì mỗi vùng da trâu có độ dày mỏng khác nhau, nếu làm mạnh tay có thể dẫn đến hỏng tấm da.

“Da trâu, bò dùng để bịt trống phải chọn từ những con trâu cái, tuổi thọ già. Bởi da trâu bò cái sẽ dai và mềm hơn da trâu đực nên sẽ có độ bền và âm thanh tốt nhất. Xét về âm thanh thì trống da bò có tiếng kêu hơn, âm thanh hay và vang vọng xa hơn”, ông Cư chia sẻ bí quyết chọn da làm trống.

Tùy theo thời tiết, nếu trời nắng, da trâu, bò được mang ra phơi nắng khoảng 3 - 4 ngày, còn trời mưa phải căng da lên giá tre, đốt lửa sấy cả tuần. Sau khi đo kích thước mặt trống, người thợ sẽ chọn vùng da đẹp, không bị trầy xước để cắt ra.

Quá trình phủ da trâu lên mặt trống, dùng dây thừng và kích để làm căng bề mặt da. Kích căng từng nào thì người thợ lại gõ thử âm thanh trống cho đến khi có âm thanh hay như mong muốn. Mặt da sau đó sẽ được cố định lên thân trống bằng đinh tre già.

Cuối cùng, để có chiếc trống hoàn thiện, tùy vào khách hàng yêu cầu mà người thợ sẽ vẽ thêm họa tiết hay sơn màu để trang trí. Cũng có nhiều người yêu cầu để nguyên màu vàng của gỗ mít.

Dù không phải là con trai trưởng nhưng ông Phan Văn Ngụ vẫn may mắn được anh trai truyền nghề làm trống.
Dù không phải là con trai trưởng nhưng ông Phan Văn Ngụ vẫn may mắn được anh trai truyền nghề làm trống.

Gìn giữ di sản truyền thống

Dùng tay gõ lên mặt trống để thử thanh âm, anh Phan Tuấn Văn (con trai ông Cư, hậu duệ đời thứ 9 nối nghiệp làm trống ở xã Đại Đồng) cho biết, nghề làm trống rất khó, yêu cầu người thợ cần cù và có sự tỉ mỉ. Chỉ có những ai yêu và đam mê với chiếc trống thực sự mới theo đuổi được. Chiếc trống làm ra phải có độ bền, độ vang, âm thanh hay, trong trẻo.

“Xưởng của gia đình tôi đóng nhiều loại trống khác nhau như: Trống chầu, trống lân, trống nhạc lễ, trống đại… Mỗi loại trống lại mang một cung bậc âm thanh khác nhau, chỉ những người thợ lành nghề, mê say với nghề mới nghe và cảm nhận được”, anh Văn chia sẻ.

Trước đây, một chiếc trống được làm hoàn toàn bằng thủ công, phải mất vài tuần mới hoàn thiện xong một chiếc. Tuy nhiên, hơn chục năm trở lại đây nhờ có máy móc hỗ trợ thì người thợ mỗi tuần có thể làm được 1 chiếc trống.

“Hằng năm, chúng tôi nhận làm 300 - 400 chiếc trống các loại. Ngoài xưởng chính tại nhà riêng, gia đình còn có 2 xưởng khác tại huyện Đô Lương và Anh Sơn. Mỗi xưởng có hơn 10 lao động làm việc quanh năm. Khách hàng đặt mua trống chủ yếu là các đền, chùa, nhà thờ họ… Mỗi chiếc trống, tùy vào kích thước, hoa văn trang trí mà có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng”, anh Văn nói thêm.

Dù cuộc sống trải qua bao thăng trầm, biến đổi nhưng gia đình ông Cư vẫn trung thành giữ gìn những kỹ thuật làm trống độc đáo của cha ông để lại. Tiếng lành đồn xa, xưởng trống Cư Hồng không chỉ nổi tiếng trong tỉnh mà nhiều người ngoại tỉnh như ở Thanh Hóa, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng lặn lội tìm đến đặt mua.

Theo ông Cư, để phát triển và gìn giữ nghề làm trống truyền thống, điều khó khăn nhất là khâu đào tạo nghề. Khác với những công việc thuần túy, thợ làm trống muốn lành nghề phải được đào tạo từ 3 - 4 năm. Chính vì thời gian học nghề quá dài khiến nhiều người đã bỏ cuộc giữa chừng.

Là con trai thứ trong gia đình nhưng may mắn được anh trai truyền nghề, ông Phan Văn Ngụ (em trai ông Cư) không mở xưởng mà chỉ nhận làm trống tại nhà riêng với sự hỗ trợ của vợ. Không thuê thợ nên vợ chồng ông Ngụ không dám nhận quá nhiều đơn hàng vì sợ làm không kịp.

“Việc nhiều nhưng lại khó để thuê người, không phải ai cũng làm trống được đâu. Thuê người ít nhất cũng phải mất vài tháng đào tạo, sợ lại không bám trụ nữa. Giờ máy móc hỗ trợ nhiều nhưng những công đoạn quan trọng chúng tôi vẫn chủ yếu làm theo thủ công. Có lẽ cũng vì vậy mà trống nơi đây có tiếng, được nhiều người khắp nơi đặt hàng”, ông Ngụ nói.

Đối với cha con ông Cư, ông Ngụ, nghề làm trống không chỉ là một công việc để kiếm sống, mà còn là cách để lưu giữ và truyền bá nét đẹp văn hóa truyền thống do tổ tiên để lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.