Bí quyết không đánh rơi điểm môn Địa lý thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Trong quá trình làm bài thi môn Địa lí tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, thí sinh lưu ý những mảng kiến thức chưa chắc chắn có thể dựa vào “trợ thủ đắc lực” là Atlat địa lí để tham khảo.

Cô Nguyễn Thị Việt Hà cùng học trò của mình.
Cô Nguyễn Thị Việt Hà cùng học trò của mình.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sắp đến gần, làm thế nào để hệ thống kiến thức môn Địa lí tốt, không đánh mất điểm đáng tiếc, dưới đây là một số gợi ý của cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà - giáo viên môn Địa lí, Trường THPT Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Thời điểm này, thí sinh nên hệ thống lại kiến thức môn Địa lí bắng sơ đồ tóm tắt, sơ đồ tư duy, đồng thời ghi nhớ kiến thức thông qua Atlat địa lí, bảng số liệu...

Đối với môn Địa lí, phần kiến thức mà nhiều thí sinh dễ đánh mất điểm nhất là các câu hỏi vận dụng. Đối với phần này độ khó đã dần tăng lên, yêu cầu học sinh phải có vốn kiến thức sâu rộng và bao quát trong khi làm bài. Bởi vậy, mình luôn hướng dẫn học sinh tiến hành phân tích, so sánh một cách logic để hiểu bản chất của sự vật - hiện tượng Địa lí.

Đối với mức độ vận dụng thí sinh nên hệ thống tất cả các câu hỏi khó vào một bảng sơ đồ theo từng chủ đề, qua đó tìm cách phân biệt các dấu hiệu, phân nhánh các câu hỏi, các tình huống có thể gặp phải trong khi làm bài để có lựa chọn chính xác.

Những phần kiến thức chưa chắc chắn đúng thì thí sinh có thể khảo thêm “trợ thủ đắc lực” là Atlat. Quá trình ôn luyện cần bám sát Atlat, coi đây là công cụ tích cực và hữu hiệu nhất trong quá trình làm bài thi.

Địa lí là môn học có kiến thức rất logic vậy nên thí sinh tập trung nhiều vào mối quan hệ nhân quả để ghi nhớ kiến thức, sắp xếp các vấn đề dựa trên bản đồ, sơ đồ logic, bảng số liệu thống kê, biểu đồ…có trên Atlat.

Nếu biết khai thác triệt để các thông tin trong Atlat thì sẽ truyền tải cơ bản các kiến thức của sách giáo khoa lên đó. Các câu hỏi ở mức độ nhận biết, gần như được biểu hiện rõ trên Atlat, cụ thể là ở các bản đồ đã biểu thị sự phân bố, vị trí của sự vật - hiện tượng.

Do đó, thí sinh chỉ cần dựa vào bản đồ sẽ trả lời được các dạng câu hỏi: cái gì? ở đâu? Đồng thời, các bảng số liệu trong Atlat sẽ cơ bản giúp học sinh trả lời được dạng câu hỏi về số lượng (bao nhiêu?), về  biến động và xu hướng phát triển trong tương lai (lớn, nhỏ, tăng, giảm..)

Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà - giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
Cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà - giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Khi học sinh phân tích được mối quan hệ giữa các bản đồ, biểu đồ, số liệu thống kê… sẽ giúp các em làm tốt dạng câu hỏi thông hiểu. Ví dụ: khi học sinh phân tích và hiểu được mối quan hệ giữa bản đồ đất trồng, bản đồ khí hậu... với sự phân bố cây lương thực, cây công nghiệp (bản đồ nông nghiệp) thì qua đó giải thích được nguyên nhân của sự khác biệt về cơ cấu cây trồng trên phạm vi cả nước.

Nếu gặp các dạng câu hỏi phức tạp, có lời dẫn dài, khó hiểu, học sinh cần bình tĩnh, đọc kĩ đề, xác định địa chỉ kiến thức của câu hỏi nằm ở phần nào trong bài học, được xếp vào mức độ nhận biết, thông hiểu hay vận dụng để tìm câu trả lời hợp lí nhất.

Đối với các câu hỏi thực hành, cần nắm chắc, hiểu đúng các từ khóa phù hợp với các dạng biểu đồ khác nhau để có lựa chọn đúng. Đồng thời, trong quá trình ôn tập, cần bám sát ma trận đề minh họa của Bộ GD&ĐT, thí sinh sẽ thu nhận được khối lượng kiến thức đúng trọng tâm, hạn chế được học dàn trải.

Đối với các câu hỏi tính toán, xử lí số liệu, học sinh cần ghi nhớ chính xác các công thức trong bộ môn Địa lí như: tính năng suất lúa, thu nhập GDP/người, mật độ dân số, cán cân xuất nhập khẩu... Trong quá trình ôn luyện thí sinh nên làm bài tập thường xuyên để hình thành kĩ năng nhận diện và xử lí các câu hỏi một cách thành thạo.

 Cuối cùng, cô xin chúc cho các sĩ tử năm nay có một mùa thi thật thành công và nhiều may mắn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.