Bám sát đề thi thử của Bộ GD&ĐT
Thầy giáo Nguyễn Kiệt – nhóm trưởng môn Giáo dục công dân (GDCD) của Trường THPT Phan Thanh Tài (TP. Đà Nẵng) đã có những chia sẻ, hướng dẫn phương pháp ôn tập môn GDCD trong giai đoạn “tăng tốc”, giúp các em học sinh có thể ôn tập một cách tốt nhất, vững tâm lý và nâng cao kỹ năng làm bài để đạt điểm cao ở môn thi này.
Để hỗ trợ ôn tập cho các em học sinh, thầy Nguyễn Kiệt cho hay, từ đầu năm học, bản thân thầy đã xây dựng kế hoạch giáo dục chung cho cả nhóm, trong đó có đề ra các biện pháp để góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn GDCD nói chung và dạy ôn tập thi tốt nghiệp THPT 12 nói riêng.
Giáo viên trong nhóm bắt đầu tìm hiểu xem trong lớp mình dạy em nào dự định sẽ thi ban khoa học xã hội. Nhóm GDCD đã biên soạn đề cương ngay từ đầu năm học, bước xong đầu học kỳ 2 là phát cho các em photo để học.
Cạnh đó, giáo viên nghiên cứu đề minh họa, đề thi chính thức của các năm trước, và đề minh họa của năm diễn ra kỳ thi. Giáo viên phân tích ma trận của các đề và hướng dẫn học theo nội dung các bài của lớp 11 và 12 sẽ ra trong đề thi. Giáo viên gửi các đề đó cho học sinh tham khảo. Đồng thời yêu cầu các em là trong lớp phải chú ý nghe thầy cô giảng bài, chủ động nắm kiến thức cơ bản ngay tại lớp, rồi về nhà học thuộc bài để khắc sâu kiến thức. Sau khi nhà trường phân ra các lớp ban khoa học xã hội thì chúng tôi dựa vào đề cương ôn tập để dạy cho các em theo kế hoạch của nhà trường.
Theo thầy Nguyễn Kiệt, đối với môn GDCD thì những nội dung mở rộng liên quan đến vấn đề thực tiễn cuộc sống nằm trong các câu hỏi dạng thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Đối với những câu hỏi này các em cần nắm vững kiến thức cơ bản và biết vận dụng kiến thức đó để suy luận, phân tích và xác định tính đúng sai của vấn đề.
Để nắm chắc kiến thức và kỹ năng làm bài thi tốt nghiệp, học sinh cần bám theo cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT để học các bài sẽ ra trong phạm vi kiến thức lớp 11 và lớp 12. “Khi gặp các câu hỏi dạng vận dụng thấp và vận dụng cao có tên các nhân vật như chị M, anh Y, bác T… thì lấy bút chì khoanh tròn hay gạch chân dưới tên các nhân vật đó. Quan trọng nhất là xác định đúng ý cuối của mỗi câu hỏi người ta muốn hỏi liên quan đến vấn đề gì”, thầy Kiệt lưu ý.
Nắm chắc kiến thức cơ bản
Là người có 20 năm giảng dạy bộ môn GDCD và ôn thi tốt nghiệp THPT, thầy Kiệt cũng có một số lưu ý cho học sinh trước khi các em bắt đầu bước vào kỳ thi quan trọng của cuộc đời.
Theo đó, học sinh phải nắm vững quy chế, đến phòng thi đúng thời gian quy định. Chuẩn bị đầy đủ các vật dụng theo yêu cầu làm bài thi trắc nghiệm. Tinh thần thật thỏa mái trước khi vào phòng thi.
Ảnh minh họa. |
Nắm chắc kiến thức cơ bản, ý chính của bài sau đó mới tiến tới việc ghi nhớ, khắc sâu về kiến thức của từng bài. Chuẩn bị đầy đủ vật dụng theo yêu cầu làm bài thi trắc nghiệm. Làm từ câu dễ đến câu khó, tô ngay vào phiếu trả lời trắc nghiệm những câu đã suy nghĩ chắc chắn. Phân chia thời gian hợp lí cho tất cả các câu hỏi. Không nên mất thời gian quá nhiều để làm một câu hỏi nào đó.
“Do môn GDCD thi sau cùng trong 3 môn của bài thi khoa học xã hội (thời gian diễn ra dài) nên khi vào làm bài các em cần duy trì sự tập trung đến môn cuối này, tránh tình trạng phân phối sức và suy nghĩ quá nhiều ở một hay hai môn đầu, đến môn này thì tỏ ra mệt và mất tập trung”, thầy Kiệt chia sẻ.