Tăng tiết, bổ trợ kiến thức
Trường THPT Thái Phiên, năm học 2022-2023, có 18 lớp 12, tổng số 713 học sinh. Trong đó, 416 học sinh lựa chọn tổ hợp khoa học tự nhiên và 297 học sinh lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội.
Trao đổi với PV Báo GD&TĐ, thầy giáo Nguyễn Bá Hảo – Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên cho hay, để chuẩn bị tốt nhất cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp, ngay từ tháng 2/2023, nhà trường bắt đầu tổ chức tăng tiết các môn thi tốt nghiệp 1 tiết/tuần.
“Riêng với những học sinh có nguyện vọng tham gia kỳ thi riêng đánh giá năng lực, thi chứng chỉ quốc tế xét tuyển vào đại học, giáo viên cũng có tư vấn, định hướng phù hợp để học sinh và gia đình tham khảo”, thầy Hảo cho biết.
Đối với các môn thuộc tổ hợp khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội nhà đều xếp lịch học tăng cường nhằm bổ trợ kiến thức cho các em học sinh trước khi bước vào kỳ thi.
Cụ thể, theo thầy Phạm Văn Ngọc, Tổ trưởng bộ môn Giáo dục công dân (GDCD), Trường THPT Thái Phiên, trong các năm học qua cũng như năm học này, nhà trường đã tổ chức dạy tăng cười cho học sinh khối lớp 12. Đối với môn GDCD ngoài 1 tiết học chính khóa trường sẽ tổ chức thêm 1 tiết tăng cường học vào chiều thứ 5 hằng tuần, bắt đầu từ tháng 2/2023. Sau khi hoàn thành bài kiểm tra cuối kỳ 2, trường sẽ tiếp tục tăng thêm 1 tiết nữa, tổng là 3 tiết/tuần để đẩy mạnh việc ôn tập.
Tài liệu ôn tập đã được nhà trường chỉ đạo, các giáo viên tổ bộ môn soạn theo từng môn sau đó đăng lên trang web trường để học sinh tải về ôn tập.
“Bí kíp” để đạt điểm cao
Theo thầy Phạm Văn Ngọc, đối với môn GDCD trong quá trình ôn tập, học sinh cần phải xác định được đặc điểm tri thức của phần kiến thức trong chương trình lớp 12 (trừ các bài và nội dung giảm tải), đặc điểm tri thức của những kiến thức trong chương trình lớp 10 và lớp 11, mà thông thường tập trung chủ yếu từ bài 1 đến bài 5 phần công dân với kinh tế trong chương trình lớp 11.
“Ngoài việc nắm vững các khái niệm, nội dung trong sách giáo khoa, học sinh cần biết vận dụng các kiến thức, bài học vào giải quyết vấn đề thực tiễn đời sống, cũng như chú ý đến những nội dung tích hợp của các lĩnh vực như: an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, phòng chống tham nhũng”, thầy Ngọc chia sẻ.
Bên cạnh đó, thầy Ngọc cũng cho rằng, học sinh phải làm các bài tập trong SGK sau mỗi giờ học, tìm và giải càng nhiều càng tốt các đề kiểm tra thi học kỳ, đề thi thử của Sở GD&ĐT và các trường bạn. Đặc biệt là các đề thi chính thức của Bộ GD&ĐT trong các năm qua nhằm giúp các em khắc sâu kiến thức và hình thành những kỹ năng làm bài.
Nhà trường đẩy mạnh việc ôn tập cho học sinh trước kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: Mạnh Hùng. |
Ngoài ra, thầy Ngọc cho biết, khi nhận đề thi học sinh phải kiểm tra tổng quan toàn bộ bài thi. Sau khi hình dung được cấu trúc bài thi, thí sinh nên ước chừng thời gian thời gian cần thiết cho mỗi câu hỏi để có tốc độ làm bài thích hợp.
“Trả lời theo thứ tự câu hỏi là cách tiếp cận tốt nhất khi làm bài thi dạng trắc nghiệm. Bằng cách này thí sinh sẽ từ từ đi qua một lượt hết tất cả các câu hỏi, tránh tình trạng bỏ sót câu hỏi. Câu nào biết rõ hãy làm dứt điểm rồi chuyển sang câu hỏi khác, câu nào chưa chắc chắn các em có thể đánh dấu để làm sau. Đặc biệt không nên mất quá nhiều thời gian vào một câu hỏi, điều này làm ảnh hưởng đến thời gian làm những câu khác”, thầy Ngọc lưu ý.
Cạnh đó, thầy Ngọc cũng cho hay, đối với các câu hỏi dễ (nhận biết và thông hiểu) các em có thể dựa vào kiến thức đã học để làm bài. Với những câu hỏi khó hơn, có tính phân hóa cao (câu hỏi tình huống và vận dụng) thì các em học có thể dùng kỹ năng loại trừ từ đáp án sai nhất hoặc chú ý đến những từ khóa để chọn ra đáp án đúng. “Các em cũng nên tô đậm câu trả lời, tuyệt đối không nên bỏ trống bất cứ câu hỏi nào để đạt được điểm tối đa”, thầy Ngọc nhấn mạnh.