Bí quyết giúp học sinh trường tốp dưới 'vượt vũ môn'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Với chiến lược ôn tập đúng hướng, nhiều trường THPT tốp dưới tại Hà Nội đã đạt được kết quả ấn tượng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Học sinh Trường THPT Tây Hồ ôn thi tốt nghiệp THPT.
Học sinh Trường THPT Tây Hồ ôn thi tốt nghiệp THPT.

Ôn tập phù hợp đối tượng học sinh

Thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ cho biết: Là trường có điểm tuyển sinh thấp trong khu vực tuyển sinh số, vì vậy, trong kế hoạch ôn tập, nhà trường chú trọng tổ chức các lớp phụ đạo cho học sinh yếu, kém, các em có nguy cơ bị điểm liệt... Nội dung ôn tập cho đối tượng này chủ yếu là ở mức độ nhận biết, thông hiểu.

Với nhóm học sinh khá (chiếm khoảng hơn 70% học sinh toàn khối), nội dung ôn tập được nâng cao hơn ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Với nhóm có học lực giỏi, nhà trường tập trung luyện cho các em các đề kiểm tra ở mức độ vận dụng, vận dụng cao để các em có thể đạt điểm giỏi trong kỳ thi.

Trong quá trình ôn tập, nhà trường luôn bám sát Chương trình giáo dục phổ thông, trọng tâm là lớp 12, nội dung ôn tập theo dạng đề mở, tích hợp. Nhà trường cũng luôn chú ý phân hóa năng lực học sinh để đảm bảo phù hợp từng đối tượng; phụ đạo (không thu phí) đối với học sinh yếu kém, có nguy cơ trượt tốt nghiệp.

Đối với giờ học trên lớp, giáo viên chủ nhiệm quan tâm thực hiện việc củng cố, khắc sâu kiến thức trọng tâm, cơ bản, hệ thống hóa kiến thức để học sinh đủ khả năng thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, các thầy cô chuẩn bị nội dung, tài liệu chuyên đề riêng cho đối tượng học sinh yếu và chương trình nâng cao cho học sinh có nguyện vọng thi để xét tuyển cao đẳng, đại học.

Bên cạnh đó, căn cứ tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội do học sinh các lớp đăng ký, nhà trường tổ chức các tiết học chuyên đề cho các em (học trái ca với học chính khóa). Với các lớp phụ đạo cho học sinh yếu kém sẽ do giáo viên kinh nghiệm phụ trách giảng dạy và có sự đồng ý của cha mẹ học sinh.

Trường chia làm 4 giai đoạn ôn tập cho học sinh lớp 12. Trong đó, giai đoạn 1 là học kỳ 1 lớp 12. Giáo viên tập trung củng cố, khắc sâu kiến thức cơ bản hệ thống hóa kiến thức để học sinh đủ khả năng thi tốt nghiệp THPT. Giai đoạn này, có nội dung, tài liệu, chuyên đề riêng cho đối tượng học sinh yếu và chương trình nâng cao cho học sinh có nguyện vọng thi để xét tuyển đại học, cao đẳng.

Giai đoạn 2 từ ngày 16/1 đến ngày 15/4. Học sinh được bổ sung tiết học chuyên đề theo nguyện vọng đã đăng ký. Đây là giai đoạn rất quan trọng, học sinh được củng cố và ôn tập kỹ các môn chuyên đề.

Giai đoạn 3 từ ngày 17 đến ngày 25/4, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn căn cứ điểm kiểm tra, điểm khảo sát và thực tế giảng dạy, chia học sinh làm 3 nhóm. Nhóm 1 (học sinh yếu, có nguy cơ điểm liệt) được chú trọng ôn tập với giáo trình chỉ dạy mức độ nhận biết, thông hiểu. Nhóm 2 (học sinh trung bình khá), trường xây dựng đề cương ở 3 mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng - vận dụng cao). Với nhóm 3 là nhóm học sinh giỏi, trường tập trung ôn tập kiến thức ở mức độ vận dụng, vận dụng cao.

Giai đoạn 4 từ ngày 26/5 đến ngày 22/6, là giai đoạn cao điểm ôn thi tốt nghiệp THPT. Thời gian này, nhà trường vẫn giảng dạy 3 nhóm, trong đó động viên nhóm 1 đi học đầy đủ để củng cố kiến thức trước khi đi thi. Nhà trường cũng quan tâm công tác khảo sát chất lượng học sinh định kỳ 4 đợt/năm, ma trận đề thi được xây dựng có sự phân hóa chất lượng, sát đến từng đối tượng học sinh.

"Nhờ chiến lược ôn tập đúng hướng, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của Trường THPT Tây Hồ thời gian gần đây được đánh giá rất cao với 100% học sinh đỗ tốt nghiệp năm học 2020 - 2021 và 99,8% học sinh đỗ tốt nghiệp năm học 2021- 2022"- thầy Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Cô trò Trường THPT Đinh Tiên Hoàng trong giờ học.

Cô trò Trường THPT Đinh Tiên Hoàng trong giờ học.

Phương pháp giáo dục riêng

Khẳng định vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc kết nối với các lực lượng nhằm hỗ trợ học sinh, nhất là với những học sinh có khó khăn trong học tập, cô Nguyễn Thu Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, sự chung sức trách nhiệm của các lực lượng, trong đó có phụ huynh học sinh là rất quan trọng.

Là trường THPT tốp dưới, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng luôn xác định: Không thể dạy theo kiểu “đổ” kiến thức vào đầu học sinh mà phải có phương pháp giáo dục riêng. Dù cơ sở vật chất chưa ổn định, đầu vào học sinh còn thấp, nhưng nhà trường luôn tận tâm, tận lực hơn nữa, kiên định với phương châm giáo dục tất cả vì học sinh, không để lại học sinh nào phía sau.

Cô Hằng cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tiến hành lập nhóm, phân loại học sinh, hướng dẫn các em đặt mục tiêu rõ ràng về những gì cần học, cần đạt để các em tập trung và cố gắng hơn. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm đã phối hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn, cha mẹ học sinh, văn phòng tư vấn để đồng hành cùng học sinh ôn tập hiệu quả.

Trong các môn học, giáo viên chủ nhiệm kết hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn để sát sao hơn trong việc học tập, ghi chép bài, kiểm tra bài của học sinh sau mỗi tiết học. Với những học sinh chưa hoàn thiện bài, chưa đạt yêu cầu trong tiết học, giáo viên bộ môn hoặc bàn giao lại cho giáo viên chủ nhiệm kết hợp giải quyết, hoặc trực tiếp yêu cầu học sinh ở lại hoàn thiện ngay cuối buổi học.

Giáo viên chủ nhiệm cùng giáo viên bộ môn tìm ra được điểm mạnh, điểm yếu của HS ở từng môn học; phân loại học sinh và có biện pháp phù hợp giáo dục, kèm cặp, giúp các em có tâm lý tự tin khi tham gia các kỳ thi.

Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm kết hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh hàng ngày qua các nhóm (Zalo, Messenger...) để trao đổi thông tin, nắm bắt được tâm tư, tình cảm của học sinh, từ đó có biện pháp giáo dục kịp thời, phù hợp.

Với các học sinh chưa chú tâm vào học tập hoặc với nhóm học sinh yếu, giáo viên chủ nhiệm cùng phụ huynh đồng hành với con; tư vấn, giúp đỡ phụ huynh khi chưa biết cách tiếp cận giúp đỡ con trong học tập và rèn luyện.

Giáo viên chủ nhiệm cùng văn phòng tư vấn nhà trường hỗ trợ tâm lý khi các em gặp khó khăn, áp lực trong quá trình học tập cũng như cuộc sống. Từ việc lắng nghe, sẻ chia, giáo viên chủ nhiệm hiểu học sinh hơn để tư vấn hướng nghiệp, giúp các em xác định được giá trị bản thân, có định hướng đúng và lựa chọn được nghề nghiệp phù hợp với năng lực của mình.

"Kiên định với phương châm giáo dục không để lại học sinh nào phía sau, với sự cố gắng không ngừng và linh hoạt trong phương pháp giảng dạy cùng tinh thần tận tâm, tận lực, hàng năm Trường THPT Đinh Tiên Hoàng có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt xấp xỉ 99%", cô Nguyễn Thu Hằng cho biết.

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, cách thức ôn tập với học sinh lớp 12 của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng và THPT Tây Hồ được tổ chức khá bài bản, mang lại kết quả đáng khích lệ, là mô hình để một số trường THPT có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp chưa cao trên địa bàn thành phố có thể tham khảo, học hỏi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ