Kết quả này có được nhờ phương pháp giáo dục độc đáo của địa phương.
Theo kết quả Kỳ thi Thành tích Quốc gia Nhật Bản công bố hồi tháng 10, tỷ lệ trả lời đúng trung bình trong bài kiểm tra của học sinh lớp 6 thị trấn Ogawara nằm trong nhóm cao nhất cả nước. Trong khi đó, thị trấn Ogawara, tỉnh Miyagi, vốn là địa phương nông thôn, đầu tư cho giáo dục còn hạn chế so với nhiều khu vực khác.
Một trong những yếu tố đằng sau thành công là phương pháp giáo dục giúp rèn luyện tư duy độc lập cho trẻ và tương tác giữa nhà trường với gia đình học sinh.
Trong một tiết học Toán của học sinh lớp 3 tại Trường Tiểu học Ogawara, giáo viên đưa ra hai công thức: 75x5x2 và 5x2x75. Sau đó, giáo viên yêu cầu lớp chia thành các nhóm, mỗi nhóm có 4 học sinh. Mỗi nhóm sẽ lên bảng ghi lại những điểm giống và khác nhau của hai công thức.
“Thứ tự phép tính khác nhau”, một học sinh viết. Theo sau, các học sinh đưa ra nhận xét như: “Ba số và đáp án giống nhau”, “Em có thể tính nhẩm trong đầu nếu lấy 5x2 bằng 10 trước tiên”... Trong cả giờ học, học sinh tích cực chia sẻ ý kiến và nâng cao hiểu biết của mình.
Tiết học trên là một trong những ví dụ phổ biến về phương pháp giáo dục tôn trọng tư duy độc lập của học sinh, được sử dụng rộng rãi trong các trường phổ thông trên địa bàn thị trấn Ogawara.
Vào năm 2021, Hội đồng Giáo dục địa phương bắt đầu cải cách phương pháp giảng dạy từ bậc tiểu học. Thay vì giảng dạy một chiều như trước đây, phương pháp học mới tập trung giúp học sinh làm chủ kiến thức bằng cách tự suy nghĩ và tích cực thảo luận về các chủ đề học.
Hội đồng Giáo dục địa phương cũng giới thiệu phương pháp giảng PDCA (lên kế hoạch – thực hiện – kiểm tra – hành động). Mô hình này thường được sử dụng trong quản lý doanh nghiệp nhưng có thể giúp cải thiện kỹ năng giảng dạy của giáo viên.
Là người trực tiếp đào tạo phương pháp giáo dục mới cho giáo viên thị trấn, PGS Hiraku Ichikawa, Trường Cao học Đại học Sư phạm Miyagi, cho biết: Giáo viên tập trung vào việc cải thiện chất lượng lớp học thay vì chú trọng điểm số. Kết quả ngày càng nhiều học sinh tại Ogawara có thể ghi nhớ những kiến thức đã học.
Bên cạnh đó, các nhà trường cũng khuyến khích học sinh tự học ở nhà. Đây được coi là một yếu tố góp phần nâng cao thành tích của thị trấn.
Phụ huynh của một học sinh lớp 6 tại Trường Tiểu học Ogawara chia sẻ: “Nhà trường giao cho học sinh hướng dẫn học tập và lượng lớn bài tập về nhà như luyện chữ, tài liệu học độc lập, dụng cụ học tập đặc biệt, bài tập cuối tuần... Điều này rất hữu ích”.
Ngoài ra, các tài liệu có phần nhận xét để phụ huynh điền. Giáo viên và phụ huynh có thể trao đổi về tiến độ học tập của học sinh cũng như thái độ của các em ở nhà và ở trường.
Bên cạnh đó, các trường cũng ban hành quy định giới hạn thời gian sử dụng Internet và chơi game của trẻ đến 7 giờ 30 tối và tối đa 90 phút mỗi ngày. Gia đình cũng phối hợp chặt chẽ với nhà trường để quản lý thời gian. Những nỗ lực kiên định trên đã tạo bước nhảy vọt về thành tích của thị trấn trong kỳ thi quốc gia.
Theo một khảo sát được thực hiện cùng lúc với kỳ thi toàn quốc, tỷ lệ học sinh lớp 6 tại thị trấn Ogawara đi học thêm là 27%, thấp hơn so với mức trung bình toàn quốc (45,6%) và mức trung bình của tỉnh (36,7%). Trong khi đó, số học sinh tự học ở nhà ít nhất một giờ mỗi ngày chiếm 82,7%, vượt xa mức trung bình toàn quốc là 57,1% và mức trung bình của tỉnh là 54,5%.