Nên đọc lướt toàn bộ đề
Theo kinh nghiệm của cô Nguyễn Thu Lệ - giáo viên môn Toán, Trường THPT Đông Sơn (Thanh Hóa) cho biết, để có bài thi tốt nghiệp môn Toán đạt điểm cao, thí sinh khi nhận đề thi nên đọc lướt toàn bộ để phân loại các câu hỏi khó dễ trong đề.
Khi đọc lướt toàn bộ đề thí sinh phần nào đó đã định vị được vị trí các câu khó dễ, khả năng của mình. Vì vậy, để không đánh mất điểm oan thí sinh sẽ triển khai làm các câu dễ trước, đánh dấu những câu khó làm sau.
Cố gắng làm ngay những câu hỏi đã chắc chắn, không nên làm bài thi tuần tự vì sẽ mất thời gian vào những câu khó.
Đồng thời, một điều rất quan trọng trong quá trình làm bài thi chính là phân bố thời gian làm bài thi. Thí sinh nên phân bổ thời gian làm bài hợp lý, làm đến đâu tô đáp án đến đó.
Nêu cao phương châm làm đến đâu đúng và đạt điểm đến đó, thiên về chất hơn là số lượng.
Đồng thời, áp dụng các phương pháp giải toán linh hoạt như sử dụng máy tính bỏ túi, phương pháp loại trừ, thay ngược các phương án vào đề bài để chọn đáp án.
Để kiểm soát và ước lượng thời gian chính xác, thí sinh nên mang theo đồng hồ đeo tay. |
Chọn câu dễ làm trước
Cô Nguyễn Trang - giáo viên Toán học, Trường THPT Liễn Sơn (Vĩnh Phúc) cho biết, để làm bài thi hiệu quả, thí sinh cần phân bố thời gian làm bài hiệu quả.
Với thời gian 90 phút làm bài, thí sinh nên làm những câu dễ trước, thời gian còn lại tập trung vào những câu khó. Tránh tình trạng “đầu voi đuôi chuột”, không đủ thời gian làm bài dẫn đến khoanh bừa.
Theo đó, để kiểm soát và ước lượng thời gian chính xác, thí sinh nên mang theo đồng hồ đeo tay.
Với các câu vận dụng cao, thí sinh có thể chọn đáp án theo phán đoán, phân tích loại trừ, tuyệt đối không để trống câu nào, tức tất cả các câu đều phải tô đáp án.
Những câu lấy điểm 9, 10 thường là những câu khó, đòi hỏi khả năng vận dụng kiến thức cao, đặc biệt làm được tất cả những câu trên mới có thể hoàn thiện những câu khó.
Học đi đôi với hành
Theo cô Trịnh Thị Thu Hương - giáo viên Toán học, Trường THPT Thạch Thất (Hà Nội) khuyên thí sinh, học phải đi đôi với hành.
Ở mỗi dạng bài, hãy làm liên tục 3 - 4 bài tương tự để thành thạo các bước và phương pháp giải, từ đó tạo cho mình thói quen tốt cũng như kinh nghiệm trong các bài toán tương tự.
Thí sinh thực hành từ những bài tập dễ đến khó, nên học hỏi từ bạn bè và giáo viên để tích lũy thêm kinh nghiệm trong mỗi lần làm bài.
Nắm chắc kiến thức sách giáo khoa
Chia sẻ về phương pháp học Toán hiệu quả, thầy Trần Tuấn Thi - giáo viên Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hưng Yên) cho biết, yếu tố quan trọng nhất là học sinh nắm chắc kiến thức căn bản trong sách giáo khoa.
Dù không phải học thuộc lòng, nhưng các định nghĩa cũng như công thức của môn Toán bắt buộc các em phải nắm thật chắc. Từ đó mới có thể vận dụng vào bài tập để chứng minh, giải thích, phân tích và đưa ra đáp án chính xác.
Cũng theo nhiều giáo viên, với môn Toán thí sinh không chỉ cần tính toán nhanh, mà đòi hỏi trong các bước tính toán phải chính xác vì thông thường các đáp án mà đề thi đưa ra sẽ gần với nhau nếu thí sinh không cẩn thận sẽ dễ chọn sai đáp án.
Thời gian mỗi câu hỏi tương đương nhau và mức điểm cũng vậy do đó thí sinh không nên chạy theo giải các câu khó dẫn đến mất thời gian của những câu sau.
Đối với những thí sinh muốn lấy điểm cao, thì những câu dễ, vừa sức cần phải làm cẩn thận, làm đến đâu chắc đến đó để dành thời gian cho những câu hỏi khó, mất thời gian.
Bên cạnh đó, không nên để trống đáp án, bởi nếu để trống là bỏ qua cơ hội giành điểm.
Trong phòng thi, mỗi phút, mỗi giây trôi qua đều quý giá, thí sinh không vì thế mà chủ quan hay tập trung quá nhiều thời gian vào một vùng kiến thức mà hãy phân bố đều để làm bài.
Những ngày này, thí sinh đang rất áp lực, tuy nhiên hãy để bản thân được thoải mái, không nên để quá mệt mỏi ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi của mình