Bí quyết dạy nguyên hàm - tích phân

GD&TĐ - Theo thầy Phạm Bắc Phú - Giáo viên Trường THPT A Hải Hậu (Nam Định) - quá trình dạy học phương pháp và kĩ thuật tìm nguyên hàm - tích phân gắn liền với việc dạy giải bài tập toán cụ thể. Đây là quá trình lâu dài, nó không thể diễn ra trong chỉ một hay một vài tiết học.

Bí quyết dạy nguyên hàm - tích phân

Dưới đây là những chia sẻ của thầy Phạm Bắc Phú giúp phát triển năng lực toán học trong quá trình dạy học phương pháp và kĩ thuật tìm nguyên hàm - tích phân.

Các kiến thức cơ bản

Những kiến thức cơ bản được thầy Phạm Bắc Phú đưa ra gồm:

Ba phương pháp cơ bản tìm nguyên hàm – tích phân, cụ thể: Phương pháp sử dụng định nghĩa và tính chất...; phương pháp đổi biến số; phương pháp nguyên hàm – tích phân từng phần.

Một số kĩ thuật điển hình tìm nguyên hàm – tích phân: Sử dụng phép biến đổi vi phân; nhân, chia với đại lượng thích hợp để biến đổi vi phân hay đổi biến;

Phân tích biểu thức trên tử theo mẫu và đạo hàm của nhân tử dưới mẫu; đổi biến không làm thay đổi cận tích phân; kĩ thuật ghép cặp để tìm nguyên hàm, tích phân; sử dụng máy tính cầm tay hỗ trợ việc tính tích phân...

Những lưu ý quan trọng

Điều đầu tiên thầy Phạm Bắc Phú đề cập đến là việc hệ thống hóa kiến thức cơ bản nhất. Đối với học sinh không đòi hỏi lí thuyết quá chuyên sâu vì nguyên hàm – tích phân là một nội dung phức tạp của Toán sơ cấp và cao cấp; ở phạm vi THPT chỉ dừng lại ở mức độ: Nguyên hàm xem như là phép toán ngược của đạo hàm và tích phân được tính qua công thức Newton-Leibniz.

Thứ hai: Hệ thống các biến đổi chung cho từng phương pháp.

Thứ ba: Khái quát các quy trình, cách thức giải bài tập theo từng phương pháp cụ thể. Trong đó có: Quy trình tìm nguyên hàm bằng phương pháp đổi biến số; quy trình tính tích phân bằng phương pháp đổi biến số; các tiêu chí chọn u và dv, "khẩu quyết" thường dùng; cách thức phát hiện ra biến mới để biến đổi biến hay biến đổi vi phân.

Thứ tư: Hệ thống hóa bài tập theo phương pháp, theo kĩ thuật, theo dạng hàm. Đối với giáo viên, đây là phần tư liệu chuyên môn hữu ích cho quá trình dạy học phân hóa.

Thứ năm: Tìm hiểu nguyên lí tạo ra bài tập, nguyên lí tạo ra tình huống mong muốn trong bài tập, sáng tạo những bài toán mới.

Tuân thủ bốn bước giải Toán

Đối với mỗi bài toán cụ thể, lưu ý của thầy Phạm Bắc Phú là cần tuân thủ bốn bước giải Toán nói chung. Đây là điểm đặc biệt quan trọng quyết định sự hình thành và phát triển các năng lực toán học ở người làm toán.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp vấn đáp, đàm thoại, tự vấn đáp; qua hoạt động ngôn ngữ này sẽ kích thích tư duy hướng đích của người làm toán.

Với hoạt động này, thầy Phạm Bắc Phú cho biết mình chú trọng những khâu sau:

Thứ nhất: Tiếp cận và phân tích bài toán nguyên hàm – tích phân. Cụ thể: Bài toán có quen thuộc, tương tự như bài đã làm hay công thức cơ bản nào không? Hàm số trong bài có giống một biểu thức hay một phần của phương trình nào đã gặp không?

Phân chia hàm dưới dấu tích phân thành các bộ phận, chúng có quan hệ đặc biệt như thế nào? (lưu ý các quan hệ: Quan hệ bao hàm, biểu diễn cái nọ theo cái kia, quan hệ là đạo hàm của nhau, quan hệ về bậc, …);

Có thể thực hiện được các biến đổi đặc trưng nào của loại hàm số này: Chia (đối với hàm phân thức), biến đổi hạ bậc – nhân đôi – tích thành tổng … (đối với hàm lượng giác), trục căn (đối với hàm vô tỉ)...;

Quyết định chọn phương pháp nào trong ba phương pháp cơ bản? Biến mới là gì? Có những cách chọn nào cho u và dv, hãy thử? Hãy thử làm theo dạng tích phân đặc biệt?

Thứ hai: Tiến hành theo cách đã lựa chọn. Nếu không thực hiện được tiếp, cần trả lời các câu hỏi: Khó khăn lớn nhất xuất hiện ở đây là gì? Biến đổi nào phá bỏ được nó? Hãy quay lại bước phân tích.

Thứ ba: Trình bày lời giải một cách ngắn gọn nhất, đảm bảo chính xác.

Thứ tư: Những kinh nghiệm thu được từ quá trình trên, cụ thể: Dạng nguyên hàm – tích phân tổng quát cho bài này là gì? Những kĩ thuật nào giúp giải dạng đó? Biến đổi then chốt của cách làm trên là biến đổi nào? – hãy ghi nhớ.

Còn cách giải nào khác? Còn cách trình bày nào khác? Bước biến đổi không thành công ở trên dẫn tới bài toán mới nào? Hãy tạo ra những bài toán cùng dạng. Hãy thay đổi hình thức bài toán qua phép đổi biến...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ