Nắm chắc kiến thức cơ bản
Phân tích đề tham khảo Kỳ thi THPT quốc gia 2020, cô Hòa nhận định: các câu hỏi đều không ra vào nội dung kiến thức được tinh giản thuộc chương trình học kỳ II của lớp 12, năm học 2019-2020.
Các câu hỏi thuộc nội dung kiến thức của học kỳ 2 lớp 12 trong đề thi đã giảm toàn bộ những câu hỏi ở cấp độ vận dụng và vận dụng cao, chỉ còn lại câu hỏi cấp độ nhận biết và thông hiểu. Đúng như hướng dẫn tinh giản của Bộ: không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung kiến thức đã tinh giản.
Mức độ đề nhẹ nhàng hơn so với đề tham khảo và chính thức năm 2019 với khoảng 70% câu hỏi vào nội dung kiến thức cơ bản; khoảng 20% câu hỏi mức độ vận dụng và 10% câu vận dụng cao. Nội dung các câu hỏi trong đề tham khảo thuộc chương trình lớp 11 và lớp 12, trong đó tập trung chủ yếu vào lớp 12 (90%). Chủ đề các bài đọc nằm trong sách giáo khoa Tiếng Anh lớp 11 và 12.
Do đó, việc phân tích đề, khoanh vùng những nội dung căn bản, tích hợp các chủ đề để định hướng cho việc dạy học và ôn tập cho học sinh là rất quan trọng.
Với những câu hỏi mang tính căn bản, nằm hoàn toàn trong chương trình, sách giáo khoa, cô Hòa cho biết đã cùng học sinh phân tích từng câu, xem câu nào thuộc chủ đề nào, câu nào thuộc khối kiến thức nào; trên cơ sở đó, hệ thống hóa kiến thức, làm sao sắp xếp các chủ đề liên thông với nhau để ôn tập tốt kiến thức căn bản; từ đó làm tiền đề cho số câu hỏi thuộc nội dung cấp độ vận dụng và vận dụng cao còn lại.
“Việc dạy học đảm bảo kiến thức cơ bản là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên mà giáo viên cần làm thật tốt. Học sinh nên tận dụng tối đa thời gian để nắm chắc kiến thức cơ bản, từ đó đạt điểm cao nhất có thể đối với 70% câu hỏi của toàn bài. Cái khó đối với đa số học sinh là lượng từ mới khá nhiều trong các bài đọc, các dạng khác nhau trong đề. Để giải quyết được, quan trọng nhất là chăm chỉ học, ôn tập” – cô Hòa nhấn mạnh.
Dạy học, ôn tập phù hợp với từng đối tượng cụ thể
Chia sẻ kinh nghiệm, cô Trần Thị Hòa nhấn mạnh việc tùy theo năng lực của từng học sinh đặt mục tiêu kiến thức các em cần nắm vững nhằm đạt điểm trong khả năng phấn đấu của bản thân.
Cụ thể, nhóm câu hỏi thuộc phần dưới 5 điểm rơi vào các kiến thức rất cơ bản, chủ yếu tập trung vào các kiến thức ngữ pháp lớp 12. Các câu hỏi này thuộc mức độ nhận biết và thông hiểu với các dạng bài chủ yếu như: Cách phát âm đuôi -s, cách phát âm nguyên âm /id/, trọng âm với từ hai âm tiết và ba âm tiết; Dạng bài hoàn thành câu: động từ nguyên thể có “to” hoặc động từ thêm “-ing”, câu điều kiện, thì động từ, liên từ, câu hỏi đuôi; Tìm lỗi sai… Trong dạng bài câu đồng nghĩa có nhắc đến ngữ pháp của câu trực tiếp, gián tiếp, câu so sánh; modal verbs;…
Bên cạnh đó, có một phần ngữ pháp của bài điền từ đoạn văn liên quan đến mệnh đề quan hệ. Đó đều là những kiến thức mà học sinh đã được học rất kỹ trong suốt chương trình học THPT, cũng như đặc biệt ở chương trình lớp 12.
Đặc biệt, những câu khác như chức năng giao tiếp, sửa lỗi sai,... đều giúp thí sinh dễ dàng kiếm điểm.
Đối với nhóm câu hỏi thuộc phần trên 5 điểm, nội dung chủ yếu nằm tập trung vào một số câu ngữ pháp khó dạng bài hoàn thành câu và từ vựng, nằm rải rác ở các dạng bài như: Tỉnh lược mệnh đề quan hệ, mệnh đề trạng ngữ chỉ thời gian; phrasal verbs, idioms và word choice ở dạng bài hoàn thành câu; câu hỏi từ vựng nằm ở bài điền từ và đọc hiểu; đảo ngữ ở dạng bài nối câu.
Ngoài ra, các câu hỏi khó thường nằm ở dạng câu hỏi suy luận và tìm ý chính của bài đọc. Cụ thể ở hai bài đọc hiểu, thường thì có một bài dễ hơn, chất liệu ngôn ngữ cũng dễ hơn, phân tích câu hỏi và câu trả lời cũng ngắn gọn hơn. Đây là “ải” được coi là khó nhất đối với đa số học sinh. Và để lấy điểm trên 8 thì việc rèn kĩ năng làm bài tập đọc tốt sẽ mang lại cho học sinh những điểm số thực sự xứng đáng.
Tăng cường khả năng tự học
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, theo cô Hòa, việc khuyến khích học sinh tự học, tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện là rất cần thiết và thực sự cần được nâng cao, đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
“Tôi cũng như các đồng nghiệp khác tổ nhóm chuyên môn và trong toàn trường đều đã áp dụng các hình thức linh hoạt khác nhau sao cho phù hợp để giao bài tập cho học sinh, tương tác trực tuyến với học sinh để theo dõi, kiểm tra đôn đốc việc tự học và hoàn thành nhiệm vụ giáo viên giao của học sinh. Yêu cầu học sinh hoàn thành đề ôn tập có kèm thời gian hạn định cụ thể.
Đặc thù môn Tiếng Anh có nội dung từ mới, cụm từ mới, cấu trúc mới, nên giáo viên yêu cầu học sinh ghi chép bài, ghi chép phần nội dung được cho là mới với học sinh; yêu cầu các em tra cứu từ điển và ghi chép ra vở đầy đủ, cẩn thận, chụp ảnh nộp lại cho giáo viên. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành ôn tập và dạy học bài mới qua internet thông qua các ứng dụng khác nhau” – cô Hòa chia sẻ