“Gia đình được hiểu là một cộng đồng người sống chung và gắn bó với nhau bởi các mối quan hệ tình cảm, quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và hoặc quan hệ giáo dục.” Và trong môi trường ấy, mỗi cá nhân thường ảnh hưởng nhiều nhất từ chính cha mẹ - những người trực tiếp giáo dưỡng mình.
Cần khẳng định, giáo dục không có công thức chung. Bởi vậy, đòi hỏi cha mẹ sự nhạy cảm để hiểu con. Lựa chọn phương pháp giáo dục phù hợp, khen hay chê cũng cần có nghệ thuật và sự khéo léo mới có thể khuyến khích con trẻ phát triển.
Mỗi phương pháp giáo dục đều có mặt tích cực, thế mạnh và hạn chế riêng. Nếu gia đình luôn sẵn sàng đón nhận hay động viên con trước tất cả mọi thành bại lớn nhỏ trong cuộc sống, dễ khiến tạo cho con cảm giác quá an toàn khi gặp thất bại. Như vậy cá nhân đó sẽ luôn có suy nghĩ “trời sụp đã có người đỡ”, giảm ý chí phấn đấu để chinh phục khó khăn.
Tuy nhiên, nếu lấy việc nghiêm khắc, “khích tướng” làm chủ đạo và sử dụng “quá liều” sẽ dễ khiến cá nhân rơi vào trạng thái chán nản, buông bỏ vì kiệt sức.
Đối với giáo dục gia đình, khen, chê thái quá đều có hại cho trẻ. Giáo dục một con người là cả một nghệ thuật và quá trình lâu dài. Điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu của con để biết cách phát huy, động viên con chinh phục các mục tiêu mới trong cuộc sống.
Cha mẹ cần dạy con biết xác định mục tiêu và lập kế hoạch thực hiện các mục tiêu lớn nhỏ trong cuộc sống (Ảnh minh họa) |
Cha mẹ cần chú trọng tạo động lực để con ham thích một cuộc sống chủ động. Điều này có được trên cơ sở giúp con đề ra mục tiêu cho tất cả các hoạt động của mình: từ việc chơi, học, rèn luyện sức khỏe, quan hệ bạn bè,…
Khi sống là làm việc có mục tiêu cụ thể tự khắc sẽ tạo thêm động lực sống tích cực. Cha mẹ nên lưu tâm, đồng hành và hỗ trợ con biết lập kế hoạch cụ thể, chi tiết để thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
Trong quá trình con thực hiện các kế hoạch hướng tới các mục tiêu, cha mẹ đừng quên cùng con nhìn nhận thành quả ở mỗi chặng phấn đấu.
Theo Chuyên gia giáo dục toàn cầu Tô Thụy Diễm Quyên, trong mọi tình huống, cha mẹ nên đánh giá con về nỗ lực chứ không nên chú trọng đánh giá kết quả. Hãy cùng con phân tích và đưa ra giải pháp. Đó chính là quá trình cha mẹ đồng hành với sự trưởng thành của con em mình.
Cha mẹ cũng cần dạy con cách đối mặt với nhưng thử thách trong cuộc đời. Không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ trong suốt quá trình con thực hiện các kế hoạch lớn nhỏ của cuộc sống, bởi vậy, khi thất bại, “hãy đứng lên từ chính nơi mình vấp ngã”. Cùng lắng nghe, chia sẻ, phân tích nguyên nhân và tìm ra giải pháp tối ưu nhất.
Dạy con bình tĩnh đối mặt và chấp nhận thất bại một cách sáng suốt là điều Chuyên gia Tô Thụy Diễm Quyên muốn nhắn nhủ các bậc phụ huynh. Khi một người biết bình tĩnh và sáng suốt trước thất bại, chắc chắn sẽ trân trọng từng thành công nhỏ. Họ sẽ không dễ bị “ảo tưởng sức mạnh” và luôn khiêm tốn phấn đấu cho những mục tiêu mới lớn hơn, bước những bước vững chắc chinh phục các nấc thang thành công.