Tổng hợp lại kiến thức
Theo thầy Mai Xuân Viên, chương trình môn Hóa học gồm hai phần là Hóa học vô cơ và Hóa học hữu cơ. Kiến thức trọng tâm trong đề thi tốt nghiệp THPT đều thuộc chương trình Hóa học lớp 12, số câu hỏi liên quan đến chương trình Hóa học lớp 11 rất ít và chủ yếu ghép vào dạng câu hỏi tổng hợp kiến thức.
Thầy Viên phân tích: “Theo đề thi mọi năm và đề thi mẫu của Bộ GD&ĐT đã ban hành, phần thi môn Hóa là trắc nghiệm nên nội dung kiến thức sẽ được rải đều từ chương 1 tới chương 9 của Hóa học lớp 12. Chính vì vậy, các em nên tập trung vào những kiến thức cần nhớ của từng chương”.
Cụ thể, đối với chương 1 tìm hiểu cấu tạo, các khái niệm, tính chất hóa học của Este. Chương 2 cacbohidrat, theo thầy Viên, học sinh nên lập bảng so sánh về công thức phân tử, cấu tạo, tính chất của các chất. Đây là điểm quan trọng của bài thi, thí sinh sẽ dễ kiếm điểm ở phần này.
Ở chương 3, cấu tạo, tính chất hóa học của amin, amino axit, peptit protein là nội dung lí thuyết cần nắm vững. Đặc biệt, học sinh cần học thuộc công thức cấu tạo thu gọn của 5 a- amino axit là: Glyxin, alanin, valin, lysin, axit glutamic. Vì 5 công thức này là cơ sở để nghiên cứu về peptit.
“Về chương đại cương polymer, học sinh cần chú ý một số điểm chính như: Phân loại polymer, các phương pháp tổng hợp, điều chế polymer”, thầy Viên thông tin.
Ở chương thứ 5, các em nên chú ý tính chất của kim loại, ý nghĩa dãy điện hóa của kim loại. Riêng những câu về chất vô cơ, học sinh nắm chắc tính chất hóa học, phải phân loại được các loại hợp chất: oxit, axit, bazơ, muối. Xem xét tính chất hóa học dựa trên cơ sở là thứ tự các cặp oxy hóa – khử trong dãy điện hóa, biết sử dụng thành thạo quy tắc a khi làm bài. “Đây là một trong những chương khó và các câu hỏi khó thường tập trung ở chương này”, thầy Viên chia sẻ. Còn chương 6,7,8 nên học kỹ về công thức, tên gọi, tính chất của các chất.
Nói về phần ôn luyện Hóa vô cơ, thầy Viên cho rằng:“Đề thi THPT trước đây tỉ lệ câu hỏi lí thuyết nhiều hơn bài tập tính toán. Những năm gần đây, phần Hóa học vô cơ thường ít ra trong đề thi hoặc có ra thì chỉ vài câu. Tuy nhiên, không vì thế mà học sinh chủ quan với phần câu hỏi này. Vì đây là phần dễ có điểm trong bài thi của thí sinh”.
“Đa số câu hỏi nằm ở dạng lý thuyết và kiến thức cũ. Ở phần này, giáo viên thường luyện tập cho học sinh ở các dạng bài tập và điểm lại những lý thuyết cốt lõi”, thầy Viên nhận định.
Thầy Viên cũng đưa ra 10 nội dung chính cho phần hóa học vô cơ để học sinh nắm rõ:
1. Một số hiđroxit kết tủa: Mg(OH)2↓trắng; Al(OH)3 và Zn(OH)2 ↓trắng tan trong kiềm dư; Fe(OH)2↓trắng xanh; Fe(OH)3↓nâu đỏ; Cu(OH)2↓ xanh lam.
2. Một số muối kết tủa: BaCO3, CaCO3, BaSO4, AgCl↓trắng; AgBr, AgI, Ag3PO4, CdS↓vàng; FeS, CuS, PbS, Ag2S↓ đen.
3. Để nhận biết Al, Mg, Al2O3 có thể dùng NaOH: Al tan và tạo khí, Mg không hiện tượng, Al2O3 tan nhưng không tạo khí.
4. Để nhận biết KOH, HCl, H2SO4 có thể dùng BaCO3: KOH không hiện tượng, HCl tạo khí, H2SO4 tạo khí và kết tủa trắng.
5. Nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính: CO2, CH4.
6. Nguyên nhân gây ra mưa axit: SO2, NO2
7. Nguyên nhân gây ra thủng tầng ozon: Freon (CFC).
8. Cách xử lí sơ bộ khí thải chứa CO2, SO2, NO2; nước thải chứa: Hg2+, Cu2+, Fe2+.. là dùng bazơ, phổ biến nhất là nước vôi trong Ca(OH)2.
9. Các nguồn năng lượng sạch: Thủy điện, gió, mặt trời.
10. Trong thuốc lá có chứa chất độc là nicotin – là một amin.
Bên cạnh đó, thầy Viên đưa ra một số bài tập cho học sinh dễ hình dung:
Câu 1: Thuốc thử dùng để phân biệt AlCl3 và NaCl là dung dịch:
A. HCl. B. H2SO4. C. NaNO3. D. NaOH.
Câu 2: Thuốc thử dùng để phân biệt 2 dung dịch Na2SO4 và NaNO3 là:
A. Cu. B. Fe. C. dung dịch BaCl2.
D. dung dịch HCl.
Câu 3: Có các dung dịch không màu đựng trong lọ riêng biệt, không có nhãn: ZnSO4, Mg(NO3), Al(NO3)3. Để phân biệt các dung dịch trên có thể dùng:
A. quỳ tím. B. dd NaOH.
C. dd Ba(OH)2P. D. dd BaCl2.
Câu 4: Để phân biệt 2 dung dịch Na2CO3 và Na2SO3 có thể dùng
A. Dung dịch HCl B. nước Br2P
C. Dung dịch Ca(OH)2.
D. Dung dịch H2SO4.
Hóa học và vấn đề phát triển kinh tế, xã hội
Thầy Viên cũng cho rằng: Hóa học và vấn đề phát triển kinh tế, xã hội, môi trường là chương cuối cùng trong chương trình Hóa học 12. Chương này sẽ cung cấp cho các em cái nhìn tổng quát về mối quan hệ mật thiết giữa Hóa học và các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường từ đó nâng cao ý thức trong việc gìn giữ môi trường cũng như sử dụng hóa chất một cách hợp lý, khoa học.
Nội dung chương này đem đến nhiều tư liệu về vai trò của Hóa học trong phát triển kinh tế qua tìm hiểu về Hóa học với năng lượng và nguyên liệu cho các ngành công nghiệp, xây dựng... và nhiều liên hệ thực tế khác.“Chính vì thế, học sinh nên đọc kỹ sách giáo khoa và liên hệ thực tế ở đời sống vì chương này dễ kiếm điểm”, thầy Viên nhắn nhủ.
Để có điểm cao ở môn Hóa, thầy Viên chia sẻ bí quyết: Các em cần làm ba việc chính: Tự hệ thống hóa lại các điểm kiến thức, ở mỗi điểm kiến thức nên giải quyết câu hỏi liên quan trong đề thi thử, đề minh họa để liên hệ, giúp cho việc nhớ nhanh, nhớ lâu và nhớ sâu kiến thức.
Các em nên sưu tầm các bài tập mức độ vận dụng, vận dụng cao trong các đề thi thử, đề minh họa năm 2021, tự giải và tham khảo phương pháp giải hay, giải nhanh từ thầy cô, bạn bè, các trang mạng... để tiếp cận việc giải bài tập với thời lượng ngắn nhất có thể. Tiếp đó, giải đề thi thử hoàn chỉnh, tự phân bố thời lượng cho mỗi câu hỏi và chấm điểm cho đến đề số n, nếu điểm số (tăng dần) tỉ lệ nghịch với thời gian làm bài (giảm dần), các em đã trải qua một quá trình ôn luyện hiệu quả.