Nắm được các dấu hiệu thường gặp
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đang đến gần, cô Mai Thị Hồng Duyên, giáo viên Địa lý, Trường THPT Ngô Mây (TP Kon Tum) khuyên các sĩ tử cần dành thời gian ôn tập, xem lại những kiến thức đã học.
Theo cô Duyên, về phần kỹ năng nhận biết biểu đồ thì học sinh phải nắm được các dấu hiệu thường gặp. Cụ thể, đối với biểu đồ tròn các câu dẫn thường có cụm từ: Cơ cấu, quy mô và cơ cấu, tỉ trọng, tỉ lệ. Bên cạnh đó, bảng số liệu có mốc thời gian nhỏ hơn hoặc bằng 3 năm. Nếu bảng số liệu có đơn vị là giá trị thực tế (tuyệt đối) thì các em chọn biểu đồ tròn có bán kính khác nhau. Còn nếu bảng số liệu có đơn vị là giá trị tương đối (%) thì chọn biểu đồ tròn có bán kính bằng nhau.
Cô Duyên cho ví dụ,với bảng số liệu: Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc phân theo thành phần kinh tế của nước ta giai đoạn 2005 - 2018. Đơn vị: Nghìn người (Xem bảng 1).
Theo bảng số liệu, để thể hiện quy mô và cơ cấu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc phân theo thành phần kinh tế của nước ta giai đoạn 2005 - 2018, dạng biểu đồ nào sau đây là thích hợp nhất?
A. Miền B. Tròn, bán kính khác nhau
C.Tròn, bán kính bằng nhau D. Cột
Đối với câu hỏi này, cô Duyên cho biết phải chọn đáp án B là biểu đồ tròn, bán kính khác nhau vì câu dẫn có cụm từ quy mô và cơ cấu, đơn vị là giá trị tuyệt đối. Bên cạnh đó, bảng số liệu nhỏ hơn hoặc bằng 3 năm, ở đây bảng số liệu đề cập trong2 năm.
Đối với biểu đồ miền cô Duyên lưu ý thí sinh, câu dẫnthường có cụm từ sự chuyển dịch cơ cấu, sự thay đổi cơ cấu và bảng số liệu có thời gian từ 3 năm trở lên.
Ví dụ, cho bảng số liệu: Giá trị xuất khẩu hàng hoá theo khu vực kinh tế nước ta giai đoạn 2010 - 2018. Đơn vị: Triệu đô la Mỹ (Xem bảng 2).
Theo bảng số liệu, để thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu giá trị xuất khẩu hàng hóa theo khu vực kinh tế nước ta, giai đoạn 2010 - 2018 theo bảng số liệu, biểu đồ nào sau đây là thích hợp nhất?
A. Tròn. B. Đường. C. Miền. D. Cột.
Cô Duyên cho hay, với câu hỏi này đáp án C là biểu đồ miền chính xác nhất. Bởi câu dẫn có cụm từ sự chuyển dịch cơ cấu và bảng số liệu> 3 năm, cụ thể bảng số liệu có 4 năm.
Đối với biểu đồ cột thường sử dụng để thể hiện tương quan về quy mô, độ lớn, khối lượng... nên câu dẫn thường có cụm từ: Giá trị, khối lượng, số lượng, sản lượng... Đồng thời, bảng số liệu có cùng một đơn vị và đơn vị thường là giá trị tuyệt đối. Cô Duyên cũng lưu ý, nếu trong bảng số liệu xuất hiện tổng số thì biểu đồ cột chồng mới chính xác.
Cô Duyên cho ví dụ, với bảng số liệu: Tổng diện tích rừng, rừng tự nhiên, rừng thông ở nước ta, giai đoạn 1983 - 2014.Đơn vị: Triệu ha (Xem bảng 3).
Theo bảng số liệu, để thể hiện tổng diện tích rừng, diện tích rừng tự nhiên, diện tích rừng trồng của nước ta giai đoạn 1983-2014, biểu đồ nào sau đây là thích hợp nhất?
A. Cột B. Đường. C. Cột chồng D. Miền
Đối với câu hỏi này, đáp án C là biểu đồ cột chồng chính xác vì câu dẫn có cụm từ thể hiện diện tích (thể hiện quy mô). Ngoài ra, bảng số liệu có tổng số, tổng diện tích rừng.
Về dạng biểu đồ kết hợp cột và đường cô Duyên cho biết, bảng số liệu thường có hai đơn vị khác nhau. Ví dụ: Số dân thành thị và tỉ lệ dân thành thị, năng suất và sản lượng lúa, sản lượng thủy sản và giá trị sản xuất… Biểu đồ đường câu dẫn thường có cụm từ: Tốc độ tăng trưởng, tốc độ tăng, tốc độ phát triển, diễn biến của các yếu tố địa lý.
Cô Duyên cho ví dụ, dựa vào bảng số liệu: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước, Đông Nam Bộ. Đơn vị: Nghìn tỉ đồng (Xem bảng 4).
Theo bảng số liệu, để thể hiện tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước, Đông Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2005 - 2018, dạng biểu đồ nào sau đây là thích hợp nhất?
A. Cột B. Tròn C. Miền D. Đường
Hướng dẫn cho câu hỏi này, cô Duyên cho hay, đáp án D - biểu đồ đường là chính xác vì câu dẫn có cụm từ tốc độ tăng trưởng.
Riêng phần chọn nội dung cho biểu đồ, thí sinh cần chú ý xem đó là biểu đồ gì, đơn vị thể hiện trên biểu đồ là giá trị tuyệt đối hay tương đối...và nội dung thông qua chú giải để lựa chọn đáp án. Để làm được câu hỏi này thì các em phải có kĩ năng nhận dạng biểu đồ.
Đi từ tổng quan đến cụ thể
Cô Duyên chia sẻ, đối với kiến thức về “Sử dụng và bảo vệ tự nhiên” phần lớn là lí thuyết. Do đó, học sinh phải đi từ tổng quan đến cụ thể và thiết lập bảng kiến thức để dễ học, dễ nhớ.
Đối với phần kiến thức này, cô Duyên cho ví dụ: Sự suy giảm đa dạng sinh học ở nước ta không có biểu hiện nào dưới đây?
A. Suy giảm về thể trạng của các cá thể trong loài
B. Suy giảm về số lượng thành phần loài
C. Suy giảm về nguồn gen quý hiếm
D. Suy giảm về kiều hệ sinh thái
Cô Duyên hướng dẫn trả lời câu hỏi này, đáp án chính xác là A: Suy giảm về thể trạng của các cá thể trong loài không phải là biểu hiện của suy giảm đa dạng sinh học. Bởi đa dạng sinh học là sự phong phú về nguồn gen, giống, loài sinh vật và hệ sinh thái. Do đó, sự suy giảm đa dạng sinh học ở nước ta được biểu hiện ở sự suy giảm về số lượng thành phần loài, suy giảm về nguồn gen quý hiếm, suy giảm kiểu hệ sinh thái.
Còn với câu hỏi ví dụ: Lũ quyét thường xảy ra nhiều ở vùng nào nước ta
A. Đồng bằng sông Hồng
B. Đồng bằng sông Cửu Long
C. Trung du miền núi phía Bắc
D. Tây Nguyên
Cô Duyên cho biết, câu hỏi này chọn đáp án C là Trung du miền núi phía Bắc vì địa hình ở đây bị chia cắt mạnh... Những đáp án A, B, D loại vì đáp án A, B địa hình đồng bằng. Còn đáp án D, Tây Nguyên có địa hình cao nhưng ở đây có các cao nguyên tương đối bằng phẳng và có diện tích rừng, độ che phủ rừng lớn.
Để đạt điểm cao môn Địa lý, cô Duyên lưu ý các sĩ tử cần đọc kĩ yêu cầu của câu hỏi, câu dẫn. Bên cạnh đó, gạch chân vấn đề cần giải đáp để chọn đáp án chính xác. Đồng thời nên kiểm tra lại bài, thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm để tránh bỏ sót. Cô Duyên cũng gửi lời chúc sức khỏe, mong kỳ thi thành công và tốt đẹp đối với các sĩ tử.