Các chuyên gia khuyến cáo, ăn uống, tập luyện khoa học sẽ giúp giảm triệu chứng đau lưng ở phụ nữ mang thai. Ảnh minh họa
Làm gì để giảm đau?
Mang thai đứa con đầu lòng gần 3 tháng, chị Trần Thị Huệ (ở Phủ Lý, Hà Nam) đang khổ sở vì bị những cơn đau vùng thắt lưng hành hạ. Chị cho biết, mình chỉ bị ốm nghén ở mức nhẹ, thỉnh thoảng xuất hiện nôn khan vào buổi sáng nên không ảnh hưởng nhiều đến công việc ở công ty. Tuy nhiên, cứ sau bữa cơm tối, nhất là khi lên giường đi ngủ, chị cảm thấy cơ thể nặng nề hơn gấp nhiều lần vì khi đó, vùng thắt lưng của chị bị đau ê ẩm.
“Dạo gần đây, tôi rất hay bị đau phần thắt lưng đoạn cuối cột sống. Mỗi khi nằm lâu ngồi dậy hoặc cúi xuống đều bị đau nhưng là kiểu đau mỏi, không phải đau buốt. Ban đêm, muốn trở mình cũng khó vì cơ thể như nặng gấp đôi, gấp ba lần. Lúc ấy, tôi phải dùng 2 tay đẩy lưng lên không khác gì những người đã có tuổi. Ngoài ra, khi ngủ, tôi cũng rất hay bị chuột rút, tê mỏi các khớp xương tay chân khiến giấc ngủ thường bị gián đoạn, ngủ không sâu giấc. Mới bầu 3 tháng đã mệt thế này, tôi đang lo không biết sau này bụng to lên còn đau đến mức nào”, chị Huệ chia sẻ.
Là người bị những cơn đau lưng hành hạ từ khi mang thai đến khi sinh con, chị Bùi Thị Thương (nhân viên bất động sản tại Hà Nội) cũng thở dài: “Trước đây, khi còn mang bầu, tôi cũng hay bị đau vùng thắt lưng, nhất là phần xương cụt. Chỉ cần ngồi lâu một chỗ là lúc đứng dậy lưng đau ê ẩm. Lúc gần sinh, tôi còn bị đau bại một bên mông, rất khó khăn trong việc đứng lên ngồi xuống. Thế mà, đến giờ, khi đã sinh con được 6 tháng, những cơn đau ấy vẫn chưa chịu tha”.
Liên quan đến triệu chứng đau lưng khi mang thai, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Hầu hết các phụ nữ khi mang thai đều gặp triệu chứng đau lưng, trong đó, tùy cơ địa mà mức độ đau khác nhau. Nguyên nhân là do khi mang thai, cơ thể thai phụ sản sinh ra nhiều loại hormone giúp các dây chằng của khung chậu giãn nở để chuẩn bị cho bé ra đời. Tuy nhiên, nếu dây chằng xương chậu quá lỏng có thể làm cho các khớp xương thiếu sự liên kết, dẫn đến tình trạng đau mỏi.
Bên cạnh đó, khi mang thai, nhất là những tháng cuối của thai kỳ, tử cung của người mẹ lớn dần lên, trọng lượng cũng tăng lên. Lúc này, trọng tâm của cơ thể người mẹ có xu hướng ngả về phía trước. Để giữ thăng bằng, trong quá trình di chuyển, thai phụ thường ngả về phía sau khiến phần lưng bị cong, gây đau nhức. Ngoài ra, nhiều thai phụ có thói quen chống tay vào lưng khi đứng lên, ngồi xuống hoặc khi đi lại cũng khiến vùng lưng bị tổn thương, nhất là phần xương cụt.
Ăn uống, tập luyện đúng cách
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, bên cạnh những nguyên nhân trên, yếu tố dinh dưỡng và tập luyện cũng đóng vai trò rất quan trọng đối với cơ thể người phụ nữ khi mang thai. Khi đó, nếu thai phụ không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là canxi và magie; không có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi điều độ cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đau lưng khi mang thai. Tuy đây không phải là triệu chứng nguy hiểm nhưng nó sẽ gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt hàng ngày của các thai phụ.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, để bổ sung canxi, magie và các nguồn vitamin, thai phụ nên có chế độ ăn uống khoa học. Canxi có nhiều trong các loại rau có màu xanh thẫm; các loại hạt, đậu; tôm, cua, cá và trong các chế phẩm từ sữa. Do đó, thai phụ nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm trên, đặc biệt nên uống 2 cốc sữa tươi hàng ngày để bổ sung lượng canxi nhất định. Bên cạnh đó, bà bầu nên uống bổ sung các loại dưỡng chất từ các loại thuốc, thực phẩm chức năng dành cho bà bầu để cơ thể phát triển khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật. Ngoài ra, thường xuyên tập luyện các bài tập nhẹ nhàng dành cho phụ nữ mang thai cũng là phương pháp giúp hạn chế tình trạng đau lưng ở bà bầu.
Về thắc mắc, khi đau lưng có được dùng thuốc giảm đau hoặc cao dán, theo ThS.BS Hồ Văn Thu, Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Việt Pháp, Hà Nội), thai phụ vẫn có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường như Paracetamol, Efferagan hoặc các loại cao dán (salonpas).
Tuy nhiên, không nên lạm dụng các loại thuốc giảm đau này để tránh gây hại cho thai nhi. Đặc biệt, không dùng miếng dán giảm đau lên phần lưng có vết thương hở hoặc những thai phụ hay bị dị ứng, mẩn đỏ trên da cũng không nên dùng các loại cao dán này.
Trong quá trình mang thai, các chuyên gia khuyến cáo, thai phụ nên nằm nghiêng bên trái sẽ có lợi cho tuần hoàn máu giữa mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, không vì thế mà nằm mãi một tư thế, sẽ gây mỏi, đau nhức khi trọng tâm cơ thể dồn quá lâu về một bên. Do đó, bà bầu có thể luân phiên thay đổi tư thể để cơ thể được thoải mái. Nếu bị đau vùng thắt lưng bên trái, nên đến khám bác sĩ để kiểm tra về thận vì khi mang thai, thận của mẹ cũng hay bị chèn ép bởi tử cung lớn lên. Nếu có biểu hiện đau âm ỉ kéo dài, thai phụ cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa sản để khám và được tư vấn điều trị.
Bài tập giúp hạn chế đau lưng
Ngồi thẳng lưng: Ngồi ngay ngắn, khoanh chân trên thảm hoặc nền nhà, lưng thẳng. Sau 15-30 giây, thả lỏng cơ thể rồi lại tiếp tục giữ cho lưng thẳng. Mỗi ngày dành khoảng 10-15 phút để tập, triệu chứng đau lưng sẽ thuyên giảm.
Tư thế bò: Quỳ gối, chống tay trên sàn nhà, đầu hơi ngẩng. Từ từ hạ đầu xuống, nâng lưng lên. Giữ nguyên trong vài giây, sau đó, hạ lưng về tư thế ban đầu. Tập 2-3 lần/ngày.
Phương pháp giúp hạn chế đau lưng khi mang thai
Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh bị đau lưng khi mang thai, thai phụ nên tuân thủ một số nguyên tắc sau: Mang giày bệt khi mang thai; hạn chế đi giày cao gót vì sẽ làm gia tăng các triệu chứng đau lưng, đau xương khớp; hạn chế ngồi hoặc đứng quá lâu một chỗ; không mang vác vật nặng; không cúi gập bụng quá lâu; tắm nước ấm hoặc chườm nóng vùng lưng khi tắm; trước khi đi ngủ có thể ngâm chân trong nước ấm khoảng 15 phút để các cơ, xương khớp được thư giãn, giảm triệu chứng đau lưng; mặc quần áo rộng rãi, không bó sát, thít vào phần bụng và lưng gây nhức mỏi; tránh thức khuya, tập thói quen đi ngủ đúng giờ để có giấc ngủ sâu; không sử dụng các chất kích thích như rượu, cà phê gây mất ngủ.