Bị người dân săn lùng ăn thịt, rồng đất có nguy cơ tuyệt chủng

Rồng đất là loài bò sát nhưng do thịt ngon, màu sắc đẹp nên con to người dân bắt để ăn thịt, con nhỏ bị bán làm thú cảnh.

Môi trường sống của rồng đất (ảnh A và B), rồng đất trưởng thành (ảnh C, D). Ảnh: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.
Môi trường sống của rồng đất (ảnh A và B), rồng đất trưởng thành (ảnh C, D). Ảnh: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật.

Ở khu vực miền núi như A Lưới, Phong Điền và Nam Đông (Thừa Thiên Huế) là nơi có nhiều rồng đất sinh trưởng và phát triển nhưng hoạt động săn bắt ngày càng sôi động khiến số lượng ngoài tự nhiên giảm nhanh chóng.

Để đánh giá hiện trạng quần thể loài rồng đất tại tỉnh Thừa Thiên Huế, các nhà khoa học của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Vườn thú Cologne, Cộng hòa Liên Bang Đức đã nghiên cứu trong ba năm (2016-2018).

Đã có 5 đợt khảo sát ở 14 tuyến suối, trong đó có 11 tuyến ghi nhận rồng đất tại các huyện A Lưới, Nam Đông và Phong Điền, chỉ còn vài trăm con. Tại đây hoạt động săn bắt diễn ra từ tháng 2 đến tháng 10 hàng năm, cao điểm tháng 4 đến tháng 7, trùng mùa sinh sản của chúng.

Riêng ba huyện trên, tổng sản lượng săn bắt rồng đất trung bình ước tính khoảng 989 kg/năm.

PGS Nguyễn Quảng Trường, Trưởng nhóm nhiên cứu cho biết, năm 2018 khảo sát ở 14 tuyến suối số lượng tổng có 425 con, trong đó con chưa trưởng thành là 346, trưởng thành là 79.

"Trong năm 2018, số lượng bắt gặp nhiều hơn nhưng chủ yếu là con non, tỉ lệ cá thể trưởng thành thấp do hoạt động săn bắt ngày càng gia tăng", PGS Trường cho biết.

Ở Việt Nam, quần thể của loài rồng đất trong tự nhiên bị suy giảm mạnh do mất sinh cảnh sống và bị săn bắt quá mức phục vụ nhu cầu của con người.

Rồng đất loại to được các nhà hàng thu mua, còn loại nhỏ thường được bày bán ở các chợ địa phương. Nhóm nghiên cứu cũng điều tra tình hình buôn bán rồng đất tại thành phố Huế cho thấy giá bán cao nhất là 450.000 đồng/kg.

Thống kê của CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) từ năm 2010 -2017 có hơn 55.700 con rồng đất được xuất khẩu từ các nước châu Á vào thị trường châu Âu (Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Anh) và Hoa Kỳ, hầu hết để nuôi làm cảnh và một phần làm sản phẩm da. Trong số đó, có gần 49.000 cá thể được xuất khẩu từ Việt Nam.

Ngoài việc bị giảm số lượng rồng đất do săn bắt, hoạt động khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ (song mây, tre nứa, măng...) làm suy giảm diện tích rừng tự nhiên, tác động tiêu cực đến sinh cảnh sống của loài rồng đất.

Trước thực tế này nhóm nghiên cứu đề xuất nhiều giải pháp kiểm soát săn bắt và phục hồi quần thể rồng đất nhằm ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng. Trong đó có việc đưa loài rồng đất vào Danh lục Đỏ IUCN và danh sách các loài hạn chế khai thác vì mục đích thương mại.

Hiện rồng đất có tên trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) nhưng không phải là loài động vật được ưu tiên bảo vệ theo các Nghị định của Chính phủ, vì vậy, chưa có chế tài xử phạt các đối tượng vi phạm.

Với các nhà hàng, cơ sở mua bán cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật. Nếu động vật không có nguồn gốc hợp pháp có thể tịch thu hoặc xử phạt hành chính theo quy định, đồng thời thông tin về chế tài, các hình phạt khi có hoạt động săn bắt và buôn bán động vật hoang dã.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất nhân nuôi loài rồng đất tạo nguồn thay thế khai thác từ tự nhiên. Hiện các nghiên cứu nhân nuôi sinh sản loài rồng đất đã thành công. Trong môi trường nuôi nhốt, rồng đất sinh trưởng, phát triển và sinh sản tốt, tỷ lệ trứng nở cao, các con non sinh ra phát triển tốt.

Mô hình nhân nuôi rồng đất trên quy mô hộ gia đình nếu được phát triển phù hợp sẽ giúp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương (nếu nuôi trong thời gian từ 3 năm trở lên và tìm nguồn đầu ra có giá trị cao), có sản phẩm cung cấp cho thị trường và giảm áp lực săn bắt từ tự nhiên.

Mặt khác cũng cần bảo tồn và phát triển sinh cảnh sống của rồng đất bằng việc trồng bổ sung các loại cây bản địa để tạo hành lang xanh kết nối giữa các khoảnh rừng, tạo không gian rộng lớn hơn cho các quần thể động vật hoang dã, trong đó có rồng đất.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ