Ngày cưới Thanh cũng là ngày mẹ đẻ cô khóc cạn nước mắt. Không ai dỗ được bà, cuối cùng, mẹ Long phải "ra tay": "Chị sui đừng buồn nha, chị thương cái Thanh bao nhiêu thì em cũng thương nó bấy nhiêu. Em sẽ coi nó như con đẻ...".
Khi đó Thanh mới ngoài đôi mươi, cái tuổi cô nghĩ đủ chín chắn để sẵn sàng đối mặt với một cuộc sống hoàn toàn xa lạ. Long là người đàn ông tốt, anh yêu chiều cô hết mực, nhưng anh không thể mang lại cho Thanh một cuộc sống hạnh phúc viên mãn vì 2 vợ chồng chưa từng có không gian riêng.
Khi mới yêu, Thanh cũng chưa bao giờ nghĩ đến viễn cảnh cô phải chung sống với bố mẹ chồng suốt đời. Long là con trai duy nhất trong gia đình, trên anh còn 2 người chị gái nhưng họ đều đi lấy chồng xa. Không biết mẹ Long nghĩ gì khi bà hứa ngon hứa ngọt với mẹ Thanh về chuyện sẽ hết mực thương cô, chỉ biết rằng, thực tế khác xa với "lý thuyết".
Từ khi bước chân về nhà chồng, Thanh chưa có được một ngày ngơi chân ngơi tay theo đúng nghĩa. Nói cách khác, Thanh chưa có một giờ được sống thoải mái. Căn bản, Long không nhận ra điều đó, vì trước mặt anh và bố mẹ, Thanh lúc nào cũng tỏ ra là mình chẳng hề có vấn đề gì. Hoặc là, Long nghĩ, những vấn đề mà cô mắc phải cũng chỉ là việc mâu thuẫn của mẹ chồng, nàng dâu, có thể giải quyết được. Chỉ cần một người nín nhịn là xong!
Mẹ chồng Thanh cả ngày chỉ ngồi vắt chân chữ ngũ, đợi con dâu về làm tất tần tật. Bà đã nghỉ hưu nhưng nhất định không chịu động chân động tay vào việc gì. Từ ngày có con dâu, bà thay đổi cách nghĩ, tuổi già phải được con cái báo hiếu chứ không phải chăm sóc chúng như trước nữa. Chuyện Thanh tất bật với công việc ngoài xã hội như thế nào bà cũng mặc kệ, việc duy nhất bà phải làm là... đợi con dâu về nấu cơm đun nước, phục vụ đến tận răng.
Lần nào nấu cơm xong Thanh cũng không muốn ăn vì quá mệt. Còn mẹ chồng thì cứ ngồi xem tivi, mặc con dâu thích làm gì thì làm… Mọi việc trong nhà đều là việc của con dâu. Tới quần áo chỉ bỏ vào máy giặt, rồi mang phơi nhưng chưa bao giờ bà làm. Sáng sớm, Thanh phải dậy giặt giũ rồi lên chuẩn bị đi làm. Lúc sắp đi làm thì lấy quần áo từ máy giặt ra phơi. Hôm nào vội quá hay quên không phơi được thì y rằng, tối về nguyên trạng.
Có hôm stress với việc ở cơ quan, về nhà lại nhìn thấy đống quần áo chưa phơi, Thanh không kiềm chế nổi, đành trút giận lên chồng: "Mẹ anh quá đáng lắm! Bà coi em không hơn một đứa giúp việc trong nhà". Hình như hôm sau Long nói gì đó với mẹ, thế là nhân lúc Thanh xuống dưới nhà chuẩn bị bữa sáng, bà nói ráo lên, cố ý để cô nghe thấy: "Việc nhà để mẹ chồng làm thì con dâu sẽ quen thói lười biếng chứ hay ho gì". Thanh nghe mà ức nghẹn họng.
Nếu mẹ chồng chỉ hành xác Thanh bằng việc nhà thì có lẽ Thanh vẫn cố nhịn cho êm chuyện, đằng này bà còn tra tấn cô về tinh thần. Trở thành con cái trong nhà bao năm nay mà chưa một lần bà tin tưởng Thanh. Hễ trong nhà cần sắm sửa cái gì, dù là thứ nhỏ nhất, bà cũng kén đứa cháu họ xa ở tận đâu về, đưa tiền cho nó, nhờ sắm hộ, chứ nhất định không nhờ con dâu.
Thanh nhận ra, mẹ chồng rất thoáng và đối đãi tử tế với ngay cả người ngoài, nhưng nhất định không "dễ dãi" với con dâu. Đợt cô bị ốm nghén, không ăn được gì, bác sĩ khuyên cô tránh vận động nhiều. Lúc đó mẹ chồng đành ngưng sai cô việc nhà, bà lại nhờ đứa cháu họ xa về nấu cháo cho Thanh. Một hôm, Thanh định xuống bếp để lấy vài thứ, cô thấy đứa cháu họ đang nấu cháo thịt, mẹ chồng từ đâu xông vào, phàn nàn: "Bỏ bớt thịt ra đi, phụ nữ ăn nhiều thịt không tốt đâu".
Vậy mà có lần, bạn bè của Thanh đến chơi, bà xởi lởi mời họ ở lại dùng bữa, đãi họ hết món này đến món kia, ai cũng bảo Thanh sướng vì có mẹ chồng vừa tốt bụng lại vừa tâm lý. Những câu như thế Thanh nghe mà thấy đắng lòng!