Những bảo vật vô giá
Đến với trưng bày, công chúng có cơ hội khám phá kho báu quý giá từ những hiện vật được khai quật từ những con tàu đắm, mà phong phú, nổi bật nhất là những cổ vật làm từ gốm. Nếu hiện vật chủ đạo của tàu Hòn Dấm, khu vực biển gắn với đảo Phú Quốc (Kiên Giang), là gốm sứ Thái Lan thì trong tàu Hòn Cau (Vũng Tàu) lại chủ yếu là đồ gốm Trung Quốc sản xuất theo đơn đặt hàng của phương Tây.
Các hiện vật gốm sứ được khai quật từ tàu cổ Cà Mau và Bình Thuận phần nhiều là đồ gốm của Trung Quốc. Trong đó, ở tàu cổ Cà Mau chủ yếu là gốm sứ men trắng vẽ lam kết hợp với vẽ nhiều màu, sản xuất tại Trung Quốc vào đời Ung Chính (1723 - 1735). Còn ở tàu cổ Bình Thuận hiện vật là hàng hóa gốm sứ được sản xuất từ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến và Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.
Trong số những hiện vật được giới thiệu tại trưng bày, đáng chú ý là hiện vật của tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Đặc biệt nhất là bộ sưu tập về thủy thủ đoàn bao gồm cả di cốt người, đồ dùng, vật dụng trên tàu từ đồ gốm sứ, đồ đồng mỹ nghệ, dụng cụ nhà bếp bằng kim loại, chén bát, tiền đồng, cối, hương liệu, hạt giống, chiếc nhẫn vàng mặt đá đỏ…
Không ít công chúng say sưa bên chiếc bình gốm hoa lam vẽ hình thiên nga - hiện vật có kích thước lớn nhất và nguyên vẹn nhất được khai quật trong tàu cổ Cù Lao Chàm. Chiếc bình này đã được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2012 ngay trong đợt xét tặng đầu tiên. Chiếc bình được các nhà nghiên cứu yêu mến không chỉ vì độc bản, vẻ đẹp mà còn vì tinh thần Việt của tác phẩm. Nó có tạo hình khác hẳn những con thiên nga từ châu Âu hoặc Trung Hoa, cộng với những họa tiết cỏ cây, hoa lá rất Việt khác.
|
Phát lộ con đường gốm sứ
Việt Nam có vị thế đặc biệt quan trọng trong giao thương quốc tế trên biển, với đường bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam, dọc theo bờ biển phía Đông - Đông Nam và Tây Nam. Đây là vùng biển rộng lớn nằm ở vị trí chiến lược trong giao thương quốc tế vào thời hoàng kim của “con đường tơ lụa” trên biển. Bằng chứng là gần 30 năm qua, hàng chục con tàu cổ đã được phát hiện dưới lòng biển Đông thuộc vùng biển Việt Nam trong đó có 6 con tàu mà Bảo tàng Việt Nam đã trực tiếp tham gia và chủ trì nghiên cứu, khai quật, bổ sung nguồn tài liệu hiện vật vô cùng quý giá.
Theo Ban tổ chức triển lãm “Bí mật đại dương từ những con tàu cổ”, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội đã trực tiếp khai quật 6 tàu cổ. Đó là tàu Cù Lao Chàm, Hòn Cau, Hòn Dầm, Bình Thuận, Cà Mau và Châu Tân. Các hiện vật của triển lãm có nguồn gốc từ đây. Ông Nguyễn Quốc Bình, Trưởng phòng Trưng bày - Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội, cho biết một hiện vật khá nổi bật của triển lãm là bộ hài cốt được xác định của một phụ nữ khoảng 20 tuổi có đặc điểm chủng tộc Thái. Đây là 1 trong 11 bộ hài cốt của những thương nhân và thuyền viên trên tàu Cù Lao Chàm. Đây cũng là con tàu mà theo PGS. TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội, có nhiều hiện vật Việt nhất. Bên cạnh gốm lò Quan, còn có gốm Chu Đậu.
Theo PGS.TS Vũ Quốc Hiền, đằng sau những hiện vật thì những câu chuyện về giao thương hàng hóa trên biển cũng được tái hiện. Ví dụ, từ bộ hài cốt được cho là của người Thái, người ta cho rằng thuyền buôn này là thuyền buôn xuyên lục địa. Có nghĩa là người nước ngoài đến Việt Nam lấy hàng rồi bán đi nơi khác chứ không phải chỉ người Việt mang đi giao thương với nước ngoài. Đó chính là con đường gốm sứ trên biển. Nó cho thấy thế kỷ 15, thương mại đã phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, những hiện vật gốm tại trưng bày còn hé lộ nhiều câu chuyện về quan điểm mỹ học của người xưa.
Chẳng hạn, trên tàu cổ Cà Mau có chiếc ấm men trắng vẽ lam trang trí tích “Trực thượng thanh vân”. Tác phẩm từ thế kỷ 18 của Trung Quốc này vẽ mục đồng cưỡi trâu, tung mũ cỏ lên trời xanh. Hình ảnh này mang ngụ ý “sỹ đồ bình bộ thanh vân” (con đường làm quan một bước lên mây). Nó nhấn mạnh quan điểm mơ ước làm quan. Chiếc bình tỳ bà, gốm men trắng vẽ lam từ thế kỷ 15 tìm thấy trên tàu Cù Lao Chàm lại cho thấy dáng vóc của một mẫu thiết kế nổi bật của gốm Chu Đậu…
Hiện vật của những con tàu đắm cũng đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày một số lần ở trong và ngoài nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số hiện vật lẻ trưng bày ở Mỹ, Nhật… Tuy nhiên, điểm mới và đặc biệt của lần trưng bày này là diện tích trưng bày lớn nhất (600m2), khối lượng hiện vật nhiều.
Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia TS Nguyễn Văn Cường nhấn mạnh, với 4 chủ đề là Biển Việt Nam và thương mại đường biển, Đồ gốm thương mại Việt Nam, Con đường tơ lụa trên biển, Những con tàu được khai quật từ đáy biển Việt Nam, trưng bày “Bí mật đại dương từ những con tàu cổ” là cơ hội để công chúng trong và ngoài nước tiếp cận, thưởng lãm một cách đầy đủ về bộ sưu tập hiện vật đặc biệt được khai quật từ những con tàu đắm. Bộ sưu tập vốn bị chìm sâu dưới đáy đại dương từ nhiều thế kỷ trước đã hé lộ nhiều câu chuyện thú vị về con đường gốm sứ trên biển cũng như tài khéo léo của những người thợ thủ công xưa.