Từ nghịch lý “to, đẹp”...…
Là một công trình được xây dựng chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Bảo tàng Hà Nội được đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng và được xây dựng trong một khuôn viên rộng hơn 50.000m2. Kiến trúc công trình có dạng kim tự tháp ngược, với cầu thang xoáy ốc đưa khách đến các khu trưng bày. Bảo tàng Hà Nội từng được tờ Business Insider, bình chọn là một trong những bảo tàng có kiến trúc đẹp nhất thế giới. Thế nhưng, khánh thành đã hơn 8 năm, đến nay, Bảo tàng Hà Nội có rất ít người tới thăm, kể cả vào ngày cuối tuần, bảo tàng cũng hầu như không có khách, bởi trưng bày kém hấp dẫn, hiện vật cũng không nhiều.
Trong khi đó, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TPHCM) được xây dựng trong khuôn viên 5.400m2, nhưng trong nhiều năm liền, liên tục nằm trong top những bảo tàng thu hút đông du khách nhất ở Việt Nam và trong khu vực. Đặc biệt, cuối năm 2018 vừa qua, trang web du lịch quốc tế nổi tiếng TripAdvisor đã vinh danh Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là 1 trong 10 bảo tàng tốt nhất thế giới.
|
Bà Huỳnh Ngọc Vân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh chia sẻ, có được thành công đó, là nhờ bảo tàng đã xây dựng theo hướng hiện đại. Bên cạnh việc đầu tư, tổ chức các hoạt động để thu hút khách, chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ hướng dẫn viên trình độ cao, bảo tàng luôn xem khách hàng là thượng đế, thường xuyên kết nối với đội ngũ cộng tác viên, những nhân chứng của các sự kiện để tổ chức các hoạt động cho thêm sinh động, hấp dẫn… Không chỉ có thế, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh còn có mối quan hệ chặt chẽ với các công ty du lịch, để tạo nguồn khách thường xuyên đến tham quan…
Một số bảo tàng khác như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ (Hà Nội)… tuy diện tích không lớn, kiến trúc cũng không quá đẹp, quá độc đáo… nhưng nhờ có phần trưng bày đẹp, hiện đại và khoa học, mà luôn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm. Từ những dẫn chứng kể trên, có thể thấy, bảo tàng dù rất to, đẹp nhưng trưng bày kém thì không hút khách. Trong khi đó, bảo tàng nhỏ, nhưng biết cách trưng bày, biết tổ chức các sự kiện, thì lại hấp dẫn du khách.
Đến nghệ thuật trưng bày
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, một trong những “nhà cách mạng” trong trưng bày bảo tàng thừa nhận, Việt Nam có nhiều bảo tàng, nhưng số bảo tàng có đông khách lại đếm chưa hết… 5 ngón tay. Để thay đổi thực tế đáng buồn này, những người làm bảo tàng cần phải quan tâm đến việc xây dựng bảo tàng hiện đại để mang lại sức sống mới, hiệu quả xã hội cao nhằm thu hút du khách đến tham quan.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ, khi bàn đến việc xây bảo tàng, các địa phương đều muốn xây bảo tàng khủng, quy mô to lớn… nhưng theo ông quan trọng nhất là chất lượng trưng bày. Nếu đầu tư không tốt, bảo tàng càng lớn càng gây lãng phí. Trong khi đó, các bảo tàng nhỏ, nếu được đầu tư tốt sẽ đáp ứng được nhu cầu của xã hội. “Đừng nghĩ bảo tàng không gian lớn mới phát huy được tác dụng, mà các bảo tàng nhỏ cũng phát huy rất tốt. Tôi rất tâm đắc đối với quan điểm, bảo tàng là nơi tập hợp đa ngành, đa nghề. Nó không chỉ có bảo tàng học, mà nó có các ngành khoa học, lịch sử, địa chất… Để có bảo tàng hiện đại, phải quan niệm bảo tàng là một đơn vị đa ngành, đa nghề”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nói.
|
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, bảo tàng phải có 3 trụ cột: Khoa học, nghệ thuật và công nghệ. Cụ thể là kể những câu chuyện tiếp cận lịch sử Việt Nam một cách khoa học với công chúng. Việc sắp xếp, trưng bày hiện vật phải đạt tầm nghệ thuật cao và sử dụng một cách hợp lý công nghệ vào trong trưng bày bảo tàng. Ba vấn đề này phải như kiềng 3 chân và phải song hành với nhau để đạt được hiệu quả cao nhất.
Một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng bảo tàng hiện đại, là phải lấy con người làm trung tâm hoạt động. Trước đây, các bảo tàng chủ yếu trưng bày những hiện vật mà họ có, chứ không quan tâm đến việc khách muốn xem gì, quan tâm đến điều gì... đó là một quan niệm sai lầm. Các bảo tàng phải biết, khách tham quan thích xem, muốn xem cái gì… và phải thỏa mãn nhu cầu ấy.
Đương nhiên, một bảo tàng hiện đại, không thể bỏ qua vấn đề tương tác. Trong các trưng bày, bảo tàng phải cố gắng tạo ra những hoạt động tương tác để lôi kéo du khách tham gia các hoạt động của bảo tàng, đặc biệt, là các tương tác khám phá dành riêng cho thế hệ trẻ… Bảo tàng là để dành cho con người. Hiện tại và tương lai của các bảo tàng phụ thuộc vào công chúng. Do đó, các bảo tàng hiện đại phải tự nâng cấp, phát triển và tự đổi mới để thích nghi, đáp ứng nhu cầu của xã hội.