Nằm ở lưng chừng của dãy núi Andes thuộc đất nước Ecuador, Vilcabamba là một ngôi làng nhỏ yên tĩnh và đẹp như tranh vẽ. Đây chính là địa danh nổi tiếng với tên gọi “Thung lũng Trường Sinh”. Nhiều người còn gọi vui là “thung lũng bất tử”.
Không phải bỗng dưng mà cái xứ “khỉ ho cò gáy” này lại có sức hút phi thường đối với những người phương Tây giàu có, thậm chí rất nhiều trong số đó là các nhà khoa học danh tiếng, những chuyên gia y tế hàng đầu.
Vilcabamba được biết đến là nơi có tỷ lệ những người sống thọ trên trăm tuổi cao nhất trên thế giới, thậm chí có một số người được cho là đã sống khỏe mạnh đến 140 năm(?!).
Vilcabamba là một thung lũng nhỏ nằm ở lưng chừng dãy Andes
Cái tên “Vilcabamba” xuất phát từ chữ “huilco pampa” trong tiếng Quichua bản địa, có nghĩa là “thung lũng linh thiêng”. Khu vực này ban đầu vốn là nơi “nghỉ dưỡng” của hoàng gia Inca, nơi những con người quyền lực nhất Nam Mỹ trước đây thường đến để thư giãn và cải thiện sức khỏe.
Cũng không có gì ngạc nhiên khi người Inca chọn Vilcabamba, một vùng đất “được ban phước” với nguồn nước nguyên sơ, không khí trong lành, đất đai màu mỡ và khí hậu “mùa xuân vĩnh cửu” – nơi trái cây và dược liệu phát triển mạnh suốt quanh năm.
Trong ngôn ngữ của dân địa phương, từ “huilco” cũng dùng để chỉ một loài cây thiêng trong thung lũng. Cây Anadenanthera colubrina (còn gọi là cây Willka, Vilca hay Huilca), được coi là một kho báu ở Ecuador, và là cây thánh đối với người Quichuan.
Loài cây “huilco”, cây thánh đối với người dân địa phương
Lá của nó được sử dụng để điều trị bệnh hô hấp và hen suyễn. Ngoài ra cây cũng có khả năng ngăn chặn các chất ô nhiễm trong không khi và cung cấp nguồn oxy tinh khiết, điều được tin là có tác dụng rất lớn đến sức khỏe và tuổi thọ của con người.
Vilcabamba được che chắn và gần như tách biệt bởi một ngọn núi có tên là El Mandango. Truyền thuyết địa phương kể rằng chính linh hồn của ngọn núi đã bảo vệ nơi đây khỏi động đất, núi lửa và các thiên tai khác.
Thung lũng linh thiêng đã được sống bình yên suốt nhiều thế kỷ với rất ít sự tiếp xúc từ thế giới bên ngoài. Tuy nhiên vào năm 1973, Tiến sĩ Alexander Leaf thuộc Trường Y Harvard đã thu hút sự quan tâm quốc tế tới Vilcabamba, sau khi đăng tải trên tờ National Geographic Magazine một bài viết về tuổi thọ cao bất thường của người dân nơi đây.
Leaf chân đến Vilcabamba vào năm 1973 cùng với Tiến sĩ Harold Elrick từ Đại học California và một nhóm các nhà nghiên cứu khác. Họ đã ngỡ ngàng khi rất nhiều người dân địa phương cho biết đã sống trên trăm tuổi, một số còn khẳng định rằng đã thọ đến 140 năm! Và người ta không nói suông, bằng chứng vẫn còn ghi rõ trong các hồ sơ khai sinh và rửa tội.
Chân dung một người đàn ông trên trăm tuổi ở Vilcabamba
Một cuộc điều tra dân số của chính quyền địa phương được tiến hành ngay vào năm kế tiếp đã cho kết quả kinh ngạc. Trong tổng số 819 người dân Vilcabamba vào thời điểm đó, 9 người đã trên 100 tuổi, một người đàn ông tên là Miguel Carpio – 123 tuổi, và một người đàn ông khác – Jose David – thì được xác định là đã sống đến 142 năm(?!).
Điều này có nghĩa là Vilcabamba có tỉ lệ người sống thọ trên trăm tuổi là 1.100 người trên 100.000 dân, so với chỉ 3 người trên 100.000 dân ở Mỹ.
Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Leaf cũng phát hiện ra rằng cư dân của Vilcabamba có lượng cholesterol rất thấp và gần như không ai có vấn đề về tim mạch hay các bệnh mãn tính. Nghiên cứu sau đó cho thấy võng mạc của người cao tuổi nhất ở đây cũng (khỏe) tương đương với võng mạc của một người 45 tuổi nơi khác.
Kể từ đó, tin tức (và cả tin đồn) về tuổi thọ và sức khỏe đáng kinh ngạc của “Los Viejos” – “những người già” theo ngôn ngữ địa phương, đã lan rộng khắp nơi. Những câu chuyện về người Vilcabamba “miễn nhiễm với cái chết” được đính kèm các báo cáo khoa học về sức khỏe và tuổi thọ của họ.
Người ta nói răng Tử Thần đi qua thung lũng nhưng không bao giờ bước vào. Các tạp chí du lịch bắt đầu gọi nơi đây là “Shangri La” – thiên đường hạ giới, là vùng đất của “Tuổi Xuân Vĩnh Cửu”, là “Vườn địa đàng của Eden”...
Những nhà khoa học nổi tiếng, các phóng viên của những tạp chí hàng đầu trên thế giới... bắt đầu đổ xô tới ngôi làng nhỏ kỳ lạ.
Năm 1981, chính phủ Ecuador đã thuê một nhà báo chuyên về y tế tên là Morton Walker tiến hành điều tra về dân cư ở Vilcabamba. Walker đã nghiên cứu sâu về đời sống của những người già trong làng, ông tin rằng chính nguồn nước giàu khoáng chất ở đây đã tác động tích cực đến sức khỏe và tuổi thọ của họ.
Nhà sinh học người Anh Richard Laurence Millington Synge, người từng đoạt giải Nobel Hóa học nhờ phát hiện ra axit amin, cũng tiến hành nhiều nghiên cứu ở Vilcabamba. Ông cho biết có những phẩm chất rất kỳ lạ trong đời sống thực vật ở đây, đặc biệt là về tính chất chống oxi hóa của chúng.
Rõ ràng Vilcabamba có rất nhiều yếu tố giúp tăng cường sức khỏe và tuổi thọ của con người. Tuy nhiên việc người dân ở đây sống lâu đến mức... đột biến, cũng không khỏi khiến nhiều người hoài nghi và gây ra nhiều tranh cãi.
Những người hoài nghi cũng có lý lẽ riêng. Truyền thống địa phương rất coi trọng người già, tuổi càng cao thì càng được trọng vọng, điều này dễ khiến cho người ta đều muốn thổi phồng tuổi thọ của mình và những người thân thích.
Ngay cả bằng chứng “giấy trắng mực đen” là cuốn sổ ghi chép về khai sinh và rửa tội của địa phương cũng bị nghi ngờ, khi một nhóm các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các thành viên trong cùng một gia đình có thể trùng tên họ.
Điều này có nghĩa là một người hoàn toàn có thể sử dụng hồ sơ khai sinh của chú hoặc bố anh ta (người có cùng họ tên) để khai man về tuổi thọ của mình(?!).
Những tranh cãi (cho đến tận ngày nay) vẫn chưa bao giờ kết thúc. Tuy nhiên, mặc dù người dân Vilcabamba có thể không sống lâu hơn phần còn lại của thế giới, nhưng chắc chắn họ sống tốt hơn.
Không khí trong lành, thực phẩm tinh khiết, nguồn nước tốt, nhiều ánh mặt trời và ít ảnh hưởng bởi cuộc sống bên ngoài... tất cả đã giữ cho các thế hệ người Vilcabamba hạnh phúc và khỏe mạnh.
Vilcabamba ngày nay vẫn là điểm đến ưa thích dành cho những người muốn thoát khỏi căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, để nghỉ ngơi thư giãn, để tái sinh nguồn năng lượng bản thân... giống như những gì mà giới cai trị Inca vẫn làm từ nhiều trăm năm trước.