Bí mật cuộc vượt ngục lớn nhất lịch sử nước Anh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhà tù Mê cung, nằm ở Bắc Ireland, từng được đánh giá là an toàn nhất châu Âu cho đến khi 38 tù nhân tẩu thoát thành công.

Toàn cảnh Nhà tù Mê cung nhìn từ trên cao.
Toàn cảnh Nhà tù Mê cung nhìn từ trên cao.

Sự việc gây chấn động nước Anh và trở thành vụ vượt ngục lớn nhất trong lịch sử nước này.

Kế hoạch đào tẩu

Nhà tù Mê cung đã chính thức đóng cửa vào năm 1998. 428 tù nhân được trả tự do, chấm dứt hàng thập kỷ bạo lực. Đến nay, địa điểm này bị bỏ hoang, một số khu vực giam giữ tù nhân bị phá hủy. Tuy nhiên, nó đã trở thành một di tích lịch sử và thu hút nhiều khách tham quan tìm đến với mong muốn thăm thú một địa danh từng làm nên lịch sử.

Được đánh giá là nhà tù an toàn nhất châu Âu, Mê cung (Prison Maze) nằm trong một căn cứ cũ của Không lực Hoàng gia Anh, cách thủ đô Belfast, Bắc Ireland, khoảng 16km về phía Bắc.

Nhà tù được thiết kế theo hình chữ H và được cho là hoàn toàn bất khả xâm phạm cho đến tháng 9/1983, khi các tù nhân thuộc tổ chức IRA vượt ngục thành công. Đây cũng là cuộc vượt ngục lớn nhất lịch sử nước Anh.

IRA là tên viết tắt của Quân đội Cộng hòa Ireland (Ireland Republic Army), được thành lập từ năm 1919 nhằm chống lại sự cai trị của người Anh tại Ireland. Trong những năm 1900, những tù nhân IRA bị quân đội Anh bắt giữ bị chuyển đến giam giữ tại Mê cung.

Suốt mùa Hè năm 1983, các thành viên IRA đã vạch kế hoạch trốn thoát khỏi nhà tù này. Một số người lân la làm thân với quản giáo để thu thập thông tin về nhà tù và xung phong nhận nhiệm vụ quét dọn để có thể tìm hiểu kỹ hơn về kiến trúc nhà tù.

Các tù nhân khác tình nguyện làm chân sai vặt cho lính canh, đôi khi ngồi nói chuyện phiếm. Trong những lúc tán gẫu, họ nghe lỏm những mẩu thông tin về nhà tù như thời gian thay đổi ca trực, hệ thống bảo mật, hệ thống canh gác ngoài nhà tù...

Theo đó, bao quanh nhà tù là một hàng rào cao 4,6m. Riêng mỗi khu nhà giam trong hình chữ H cao 5,6m, có dây thép gai bao quanh. Tất cả cánh cửa nối giữa các khu được làm bằng thép, đóng mở bằng điện.

Bên ngoài cùng là 120 lính canh vũ trang đến tận răng nhằm đảm bảo các tù nhân không thể trốn thoát. Dù vậy, bên trong nhà tù, lính canh chỉ mang dùi cui để tự vệ.

Từ các thông tin thu thập được, các tù nhân lập kế hoạch vượt ngục theo từng giai đoạn, xây dựng sơ đồ, điểm báo động... Hiện nay, tuy chưa rõ bằng cách nào nhưng kế hoạch được tuồn ra ngoài cho lãnh đạo IRA xem xét.

Chân dung các tù nhân lãnh đạo trong cuộc vượt ngục.

Chân dung các tù nhân lãnh đạo trong cuộc vượt ngục.

Sau khi kế hoạch được phê duyệt, các tù nhân bắt đầu vận chuyển ngầm súng vào nhà tù bởi đây là vũ khí cần thiết cho cuộc vượt ngục.

Đến cuối tháng 8, họ đã đưa trót lọt vào nhà tù 6 khẩu súng ngắn loại Browning 1954 cỡ nòng 6,35mm và 30 viên đạn. Toàn bộ số vũ khí được tháo rời thành từng mảnh, giấu trong vật dụng sinh hoạt hàng ngày như ống kem đánh răng, hộp thức ăn, sách khoét ruột...

Ngày 25/9/1983, kế hoạch được thực hiện. Tù nhân Brendan McFarlane nhớ lại: “Đó là một ngày Chủ nhật. Lý do chúng tôi chọn hôm đó vì Chủ nhật là ngày nhà tù đóng cửa. Không có thăm viếng, không có hoạt động nào bên trong nhà tù ngoài những chiếc xe chở thức ăn ra vào. Lượng lính canh gác vào Chủ nhật cũng ít hơn những ngày còn lại”.

Nhiệm vụ của McFarlane là thu thập tên của các sĩ quan trong ngày trực hôm đó. Các tù nhân cần đồng phục của sĩ quan nên cần biết thông tin về họ để đánh tráo quần áo vừa vặn với dáng người và không bị phát hiện. Ngay khi McFarlane hét lên mật mã “Bumper”, kế hoạch chính thức được khởi động.

6 tù nhân sử dụng 3 khẩu súng đã giành được quyền kiểm soát khu H7 bằng cách uy hiếp và bắt giữ 9 sĩ quan làm con tin để ngăn họ kích hoạt hệ thống báo động. Sau đó, họ khống chế thêm 12 sĩ quan và lính canh rồi đổi đồng phục cho nhau. Trong thời gian này, họ cũng cướp được một chiếc Land Rover của sĩ quan.

Đến 15 giờ 25 phút, chiếc xe tải chở thức ăn như thường lệ tiến vào bên trong nhà tù và bị các tù nhân khống chế. Do chiếc Land Rover chỉ chứa được tối đa 9 người còn mong muốn của các tù nhân là giải thoát tất thảy 38 người, nên họ quyết định cướp luôn chiếc xe tải. Để không làm kinh động đến các tầng bảo vệ khác, 12 tù nhân uy hiếp tài xế và bắt người này chở họ ra ngoài.

Người tài xế kể lại: “Một tù nhân chỉ sang đồng bọn của hắn rồi đe dọa tôi rằng người này đã bị kết án 30 năm. Hắn ta sẽ bắn tôi không do dự vì hắn không còn gì để mất. Suốt quãng đường hôm đó, hắn ta nằm dưới gầm xe và chĩa súng về phía tôi”.

Cuộc chiến cuối cùng

Bên trong một buồng giam dành cho tù nhân IRA.

Bên trong một buồng giam dành cho tù nhân IRA.

Chiếc xe bắt đầu lăn bánh rời khỏi khu H hướng về cổng ra của nhà tù. Các tù nhân còn cách thế giới bên ngoài ba lớp bảo vệ. Việc cần làm lúc này là chiếm lấy Phòng điều hành, nằm ở cổng chính của khu H.

Tại phòng điều khiển, các sĩ quan sẽ thay ca trực vào một vài khung giờ nhất định nên nhóm vượt ngục muốn lợi dụng thời điểm này để khống chế cai ngục, sau đó, cướp quyền điều khiển phòng giam và thả tự do cho các tù nhân IRA còn lại.

16 giờ, xe đến trước cổng chính. 12 tù nhân trong trang phục lính canh bước xuống khỏi xe rồi đột ngột xông vào tấn công các sĩ quan. Một sĩ quan nhớ lại: “Mọi thứ diễn ra quá nhanh nên tôi không kịp phản ánh.

Sau đó, tôi mới nhận ra đó là tù nhân IRA. Tôi quay sang nói với một sĩ quan khác hãy hết sức kiềm chế vì không biết những kẻ này có thể hành động đến đâu. Trái tim tôi đập như muốn vọt ra khỏi lồng ngực”.

Trong lúc hỗn loạn, một sĩ quan đã kịp nhấn chuông báo động. Ngay sau đó, sĩ quan từ Phòng điều hành trung tâm gọi điện đến hỏi xem chuyện gì đang diễn ra.

Dưới họng súng của các tù nhân, trưởng ca trực phải giải thích rằng một sĩ quan khác đã bấm nhầm. Còn một sĩ quan khác nhân cơ hội này lao ra khỏi cổng, chạy ngược về phía trong nhà tù để thông báo về vụ vượt ngục nhưng bị một tù nhân khác đuổi theo và đâm nhiều nhát.

Một lính canh trên tháp canh phát hiện điều bất thường nhưng do tù nhân mặc áo lính nên người này điện báo về cho Phòng điều hành là các sĩ quan đang đánh nhau. Đáp lại nghi vấn này, trưởng ca trực phải trả lời rằng mọi việc đều ổn, hệ thống báo động vô tình bị kích hoạt bởi hai sĩ quan xích mích với nhau.

Chỉ trong thời gian tương đối ngắn, 12 tù nhân đã áp đảo tình thế và bắt giữ 24 sĩ quan. Họ đồng thời mở cửa phòng giam cho hơn 20 người khác bỏ trốn. Tất cả tù nhân chạy thoát đợi ở trong xe chứa thức ăn. Đến 16 giờ 12 phút, toàn bộ 38 tù nhân đã yên vị trong xe tải.

Khi ra đến cổng nhà tù, các tù nhân vô tình bắt gặp một chiếc Land Rover chắn ngang là của một sĩ quan khác dừng lại để đi vệ sinh. Tuy nhiên, một số người tưởng chiếc xe bỏ không nên nhảy xuống và chiếm lấy chiếc xe. Sự việc bị phát hiện đẩy toàn bộ nhà tù trong tình trạng báo động đỏ.

Hai tù nhân nhảy lên chiếm hữu chiếc Land Rover bị đội tuần tra ở vòng ngoài nhà tù bắt được. Những tù nhân còn lại trong xe chở thức ăn bị bại lộ, phải chạy tán loạn ra bên ngoài trong tình thế phòng thủ.

Theo kế hoạch, 100 thành viên IRA có vũ trang sẽ phục kích ở bên ngoài để hỗ trợ cho nhóm vượt ngục nhưng do tính toán sai thời gian, khi nhóm tù nhân thoát khỏi nhà tù, không một ai xuất hiện yểm trợ cho họ. Vì vậy, họ buộc phải tháo chạy toán loạn.

Các tù nhân lao động cải tạo trong Nhà tù Mê cung.

Các tù nhân lao động cải tạo trong Nhà tù Mê cung.

Nước Anh chấn động

Đến 16 giờ 18 phút, nhà tù trở lại tầm kiểm soát của quân đội Anh. 3 tù nhân bị bắt giữ, 35 người khác tháo chạy. Trong vụ việc, 20 sĩ quan quản giáo và lính canh trong Nhà tù Mê cung bị thương gồm 13 người bị đánh, 4 người bị đâm, 2 người bị bắn. Một sĩ quan không may qua đời.

Mọi ngả đường ở Bắc Ireland bị phong tỏa. Anh gia tăng lực lượng bảo vệ nhà tù và truy đuổi các tù nhân. Đến 20 giờ tối, 15 người bị bắt. Có những người trốn dưới sông Lagan và ngậm ống sậy để thở nhưng vẫn không thoát khỏi sự lùng sục của quân đội Anh.

Những người còn lại trốn thoát thành công và được đưa về căn cứ chính của IRA ở Nam Armagh. Một số người tiếp tục chiến đấu trong hàng ngũ IRA.

Cuộc vượt ngục được đánh giá là vụ vượt ngục lớn nhất trong lịch sử Anh và Ireland, lớn thứ hai ở châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tin tức vụ vượt ngục gây chấn động Anh, Bắc Ireland và nhiều nơi trên thế giới.

Thủ tướng Anh Margaret Thatcher tuyên bố: “Đây là sự việc nghiêm trọng nhất trong lịch sử của chúng ta. Cần có một cuộc điều tra sâu rộng để xem nó đã được tổ chức như thế nào”.

Chiếc xe tải chở thức ăn được các tù nhân sử dụng để tẩu thoát.
Chiếc xe tải chở thức ăn được các tù nhân sử dụng để tẩu thoát.

Sau sự việc, Thống đốc Nhà tù Mê cung tuyên bố từ chức. Chính phủ Anh mở một cuộc điều tra sâu rộng về vụ vượt ngục. Họ nhận định điểm yếu chính nằm ở cổng chính của nhà tù. Nó được xây dựng bằng gỗ khá mỏng manh và chịu sự kiểm soát từ bên trong nhà tù nên bất cứ ai ở bên trong cũng có thể chiếm quyền kiểm soát.

Bên cạnh đó, Phòng điều hành đã không hoàn thành nhiệm vụ. Đây là nơi đặt tất cả thiết bị liên lạc, giám sát nên cần phải được thiết kế chống đạn, bảo mật tối đa nhưng nó chỉ ngăn cách với thế giới bên ngoài bằng một cánh cửa bằng kim loại.

Ngoài ra, mối quan hệ giữa các tù nhân và lính canh tại Nhà tù Mê cung khá thoải mái. Tâm lý này được cho là xuất hiện khi các sĩ quan chủ quan, cho rằng việc vượt ngục tại một trong những nhà tù an ninh bậc nhất nước Anh là điều không thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ