Mặc dù đây là một giải pháp ít được các chuyên gia tâm lý khuyến khích, bởi nó vừa gây ức chế tâm lý cho đôi bên vừa không thể giải quyết triệt để vấn đề. Song, nếu biết sử dụng đúng cách, sự im lặng lại là một giải pháp tuyệt vời.
Im lặng kéo dài bao lâu là đủ?
Hầu hết các cuộc “chiến tranh lạnh” đều kéo dài trong nhiều ngày. Đặc biệt là khi bạn đang cố tình chờ đợi người ấy xin lỗi trước. Nhưng bạn nên im lặng trong bao lâu nếu ai cũng nghĩ nửa kia mới là người sai?
Nếu hai bạn ở cùng nhau: Đừng bao giờ giữ mặt lạnh quá vài giờ. Ngay cả khi bạn thật sự nổi nóng trong lòng, hãy giữ bình tĩnh và tìm cách nói chuyện với người ấy.
Nếu hai bạn ở cách xa nhau: Đừng giữ im lặng kéo dài hơn một ngày. Nếu quá một ngày mà chưa thấy nửa kia có dấu hiệu "làm lành", bạn hãy "xuống nước" nhé.
Nếu bạn thật sự cần thời gian để bình tâm: Hãy nói chuyện rõ ràng với người ấy. Hãy cho họ biết bạn đang bị tổn thương thế nào và cần thời gian để lấy lại tinh thần.
Điều bạn tuyệt đối nên tránh là giữ im lặng trong... nhiều ngày. Vì như thế chỉ khiến cho cả hai buồn phiền, đau khổ và hoang mang nhiều hơn.
Nếu biết sử dụng đúng cách, sự im lặng sẽ là một giải pháp tuyệt vời để giải quyết mâu thuẫn trong tình yêu (Ảnh minh họa). |
Những điều cần làm khi “chiến tranh lạnh”
Đừng thật sự phớt lờ: Bạn không nên tự giam mình trong phòng và tuyệt giao với tất cả mọi người. Và cũng đừng làm ra vẻ thân tình với người khác trước mặt “nạn nhân”. Nếu người ấy tìm đến gặp bạn, chỉ cần từ chối một cách lịch thiệp là bạn cần thời gian, bạn muốn ở một mình...
Đừng thật sự im lặng: Chìa khóa của bí kíp "chiến tranh lạnh" là sự im lặng có “thông báo”. Do đó, trước khi làm mặt lạnh, hãy nói cho họ điều gì khiến bạn tổn thương đến mức phải cần thời gian một mình như vậy. Điều này sẽ khiến nửa kia có cơ hội suy ngẫm lại những điều sai trái của mình và sửa đổi.
Đừng ngoảnh mặt quay lưng: Bạn sẽ hoàn toàn sai lầm nếu giữ im lặng bằng cách đóng sập cửa và bỏ đi trước khi người ấy nói hết những điều cần được hiểu. Vì đây thường là hành động đẩy mâu thuẫn giữa đôi bên lên đến đỉnh điểm. Trước hết, hãy lắng nghe họ rồi sau đó mới nói rằng bạn cần thời gian để tự hàn gắn.
Đừng hành động mất kiểm soát: Một trong những "tối kỵ" khi xảy ra cãi vã là người trong cuộc không nên nóng giận đến mức sỉ nhục hoặc sử dụng bạo lực với nửa kia trước khi hiểu rõ ngọn ngành mọi chuyện.
Để kết thúc "chiến tranh lạnh" trong hòa bình
Sau khi bình tâm trở lại, hãy nói chuyện với nửa kia của mình. Ngay cả khi bạn chưa hết giận dỗi cũng đừng từ chối lời xin lỗi và lại ngoảnh mặt làm ngơ.
Hãy cùng ngồi xuống và nói cho nhau nghe mọi suy nghĩ, cảm giác của bạn.
Nếu người ấy đã phạm phải lỗi lầm nghiêm trọng, hãy yêu cầu được nghe lời giải thích.
Đi thẳng vào cốt lõi vấn đề bởi đôi khi chính bạn mới thật sự là người có lỗi.
Hãy nhớ rằng, tất cả mọi chuyện thường không xuất phát từ một phía. Làm được điều này, cả hai sẽ hiểu nhau hơn.
Cuối cùng, học cách xin lỗi cho dù bạn tự thấy mình không cần phải làm thế. Bởi trên hết, đó là hành động thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau và trân trọng những gì đang có cùng nhau.
Tại sao không nên sử dụng “chiến tranh lạnh” quá thường xuyên?
Thứ nhất, chính bạn đang đe dọa tình yêu của mình. Vì im lặng không giải quyết được vấn đề. Người ấy sẽ không biết lỗi lầm thật sự của họ nếu bạn không nói ra. Và quan trọng nhất, nếu bạn cứ khiến nửa kia phải luôn phập phồng lo lắng, hoang mang, tình yêu sẽ nhanh chóng ra đi.
Thứ hai, im lặng sẽ tạo cơ hội cho sự dối trá. Bạn ảo tưởng im lặng là tốt, vì nó thể hiện sức mạnh cái tôi của bạn. Nhưng bạn đời của bạn lại đang rối bời vì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Do đó, thay vì chấm dứt nguyên nhân thực sự đang khiến bạn nổi giận, họ sẽ nói dối về tất cả mọi chuyện để đề phòng.
Thứ ba, im lặng dễ đánh mất niềm tin. Sự im lặng của phụ nữ thật sự rất đáng sợ. Do đó đàn ông thường nói dối để tránh làm bạn nổi giận. Ngược lại, điều đó lại càng khiến bạn nảy sinh tâm lý nghi ngờ. Và cuối cùng, cả hai bạn sẽ dần đánh mất niềm tin ở nhau.