Ám ảnh ký ức nồng mùi rượu
Mới sáng ra, Hùng đã thấy chú xóm trên chạy tấp cập rồi hổn hển mà đánh tiếng: “Hùng, mày đi cùng chú, khiêng bố mày về. Chú thấy nằm dưới ruộng, chắc bố mày lại nốc rượu rồi”.
Không vội vã, không hoảng hốt vì với Hùng chuyện này như cơm bữa. Mặt vô cảm, Hùng lững thững đi vào nhà lấy xe kiến an (một loại xe kéo) đi kéo bố về. Những ánh nhìn tọc mạch suốt quãng đường về khiến Hùng cảm thấy tâm can uất nghẹn. Hùng căm ghét bố, vì lẽ gì, bố Hùng khiến cho gia đình cậu trở thành câu chuyện làm quà từ làng trên xuống xóm dưới.
Hùng thả tay xe kéo ầm một cái trước cổng rồi lẳng lặng vào trong. Cô Thu (mẹ của Hùng) chạy ra nhìn chồng rồi khóc nức nở, thương xót dẫu cho người đàn ông này đã khiến cuộc đời cô không khác gì địa ngục trần gian.
Hùng là đứa bạn bằng tuổi, ở gần nhà tôi. Lớn lên trong hoàn cảnh bố nghiện rượu nặng, cậu lầm lì, ít nói. Hùng hận bố, nỗi đau chồng chất khi nhìn bố năm lần bảy lượt cầm đòn gánh phang thẳng vào đầu mẹ mỗi khi mê man cơn say. Mẹ Hùng chẳng thể béo nổi, người quắt lại chắc chỉ khoảng 40 kg. Đôi mắt sâu hoắm và luôn lộ vẻ u buồn.
Một vòng bi kịch luẩn quẩn, mẹ Hùng nấu rượu để bán còn bố Hùng nghiện rượu. Cô Thu vốn là một cô hàng xáo nổi tiếng tháo vát. Tận dụng nghề hàng xáo, cô mua được gạo ngon, thêm nghề nấu rượu kiếm kế sinh nhai và nuôi hai con ăn học. Nhưng cứ như một trò đùa của số phận, bi kịch lại nối dài từ đó, đã nghiện rượu lại có của nhà làm được.
Mỗi lần nấu xong mẻ rượu, mẹ sai Hùng “tẩu tán” rượu khắp nơi nếu chưa giao được cho khách. Khi giấu gầm giường, lúc giấu ngoài vườn. Mỗi lần như thế, lại nghe xé tai: “Giấu rượu của tao đâu, tao đập nát mặt bọn mày bây giờ. Đưa rượu cho tao ngay!” – Ký ức về những lời chửi rủa, mạt sát của bố mỗi khi lên cơn thèm rượu là một phần tuổi thơ u ám, không trọn vẹn mà Hùng không bao giờ muốn nhớ.
Rượu vui hay đời tàn
Rồi tâm tính, sức khỏe của bố Hùng ngày một trầm trọng. Cứ uống rượu vào chú mất hẳn khả năng kiểm soát hành vi. Uống ở đâu nằm vệ sinh ngay ở đó, nhẹ là tiểu tiện nặng là đại tiện. Người ta không hình dung ra trên người bố Hùng còn chút thịt nào, rặt một nhúm xương.
Hôm đó, 3h sáng như thường lệ, mẹ Hùng dậy sớm nấu rượu, đến lúc gọi chồng mãi không thấy thưa, cô vào lay người thấy người bố Hùng lạnh ngắt. Bố Hùng mất rồi, mất đột ngột, ngay trong lúc ngủ. Rượu đã mang đến những cái chết không báo trước.
Đám tang vắng người, trong căn nhà cấp 4 ẩm mốc, trống độc mỗi chiếc bàn thờ, 2 chiếc giường sắp long chân, đứa con gái nhỏ (em gái Hùng) tuy ngày thường thu mình khép kín nhưng khi vĩnh biệt bố, cô bé khóc nấc lên. Hùng - người đã lì đòn hứng chịu những cơn say của bố, thì vẫn ngồi bên giường mắt ráo hoảnh nhìn mẹ vật vã: “Khóc gì, đời mẹ bớt khổ rồi!”.
Tôi lớn lên, làm báo, tiếp xúc với bao đứa trẻ lớn lên trong gia đình có bố mẹ nghiện rượu. Chúng cũng tổn thương tinh thần đến tàn tệ, lớn lên không “dám” kết giao bạn bè vì xấu hổ, giống như Hùng ngày xưa vậy. Họ đang "mắc kẹt" trong các cuộc nhậu nhẹt. Vui nhậu, buồn nhậu vì rượu vui. Nhưng rượu vui một khắc mà một đời tàn.
Hùng bây giờ đang làm công nhân mỏ than Quảng Ninh, nghe nói cũng gom góp thêm tiền cho mẹ xây được căn nhà rộng rãi, khang trang. Cậu cũng không còn hận bố nữa, chỉ tâm sự rằng ngày xưa điều cậu thèm nhất là một ngày bố tỉnh rượu!