Trong tâm thư gửi lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, số giáo viên này mong muốn UBND tỉnh Đắk Lắk và UBND huyện Krông Pắk xử lý sự việc một cách hợp tình, hợp lý và nhân văn hơn.
Theo họ, những năm đầu bước vào nghề đời sống giáo viên còn gặp rất nhiều khó khăn về vật chất và tinh thần, nhưng họ vẫn bám trường, bám lớp với hy vọng một ngày nào đó sẽ được xét tuyển vào biên chế, để cống hiến hết tâm lực cho ngành Giáo dục huyện nhà. Vì vậy, việc UBND huyện Krông Pắk đang gấp rút triển khai việc chấm dứt hợp đồng với họ trước 30/10/2018 cần được xem xét lại.
Tâm thư của các giáo viên huyện Krông Pắk gửi tới Thủ tướng |
Được biết, trước đó, sau nhiều cuộc họp bàn tìm kiếm giải pháp, UBND huyện Krông Pắk bất ngờ yêu cầu các trường đã và đang có các giáo viên dôi dư dạng trên phải nhanh chóng chấm dứt hợp đồng lao động với nhóm các giáo viên này chậm nhất đến ngày 30/10.
Việc yêu cầu các trường thuộc huyện Krông Pắk phải nhanh chóng chấm dứt hợp đồng với số giáo viên hợp đồng dôi dư được UBND huyện Krông Pắk chính thức ra văn bản và triển khai xuống các trường từ giữa tháng 8/2018. Tuy nhiên, đối với các trường hợp nữ giáo viên đang mang thai, hay nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì cần tiến hành theo dõi, khi nào con đủ 12 tháng tuổi trở lên thì mới tiến hành chấm dứt hợp đồng lao động.
Chúng tôi đã liên hệ với bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk để nắm bắt thêm thông tin về tình hình thực hiện các phương án hỗ trợ giáo viên khi chấm dứt hợp đồng, nhưng không nhận được hồi âm.
Thực tế, ngay sau khi vụ việc hơn 500 giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk đối mặt nguy cơ mất việc vỡ lở, nhiều giải pháp sắp xếp, bố trí việc cho số giáo viên trên đã được UBND tỉnh Đắk Lắk bàn đến. Bộ GD&ĐT, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục của Bộ GD&ĐT cũng đã về huyện Krông Pắk làm việc, cũng như có công văn yêu cầu tỉnh Đắk Lắk phải đảm bảo quyền lợi chính đáng của giáo viên. Tuy nhiên, theo thông tin từ ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk thì việc bố trí cho số giáo viên trên là bất khả kháng.
Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đăng Khoa cũng cho biết: Trong tổng số 578 giáo viên được xác định là dôi dư, có 370 thầy cô đã có vị trí hợp đồng lao động, còn lại là các trường hợp không có vị trí tuyển dụng. Tuy nhiên, trong đợt thi tuyển viên chức hồi tháng 6/2018 chỉ có 28 người trong tổng số các nhân sự này đã trúng tuyển.
“Dù tỉnh Đắk Lắk có gần 2.000 chỉ tiêu biên chế cho giáo dục, y tế lên Bộ Nội vụ, nhưng trong tổng chỉ tiêu xin này, chỉ có chưa đến 60 chỉ tiêu là biên chế của ngành Giáo dục, còn lại là chủ yếu của ngành y tế nên rất khó để sắp xếp, bố trí cho họ” - ông Khoa thông tin.
Trong một phát ngôn hiếm hoi với báo chí vào tháng 8/2018, đại diện UBND huyện Krông Pắk cho biết: Các phương án hỗ trợ, đào tạo chuyển đổi nghề cho nhóm giáo viên này không thể thực hiện được. Do đây là nhóm giáo viên theo dạng hợp đồng, chứ không phải theo biên chế. UBND huyện Krông Pắk chỉ trích ra khoảng 1 tỉ đồng để chi trả cho các khoản tiền lương, phụ cấp, mà trước đây các trường không có đủ kinh phí để chi cho số giáo viên này.
UBND huyện Krông Pắk cũng đồng thời thực hiện cân đối ngân sách, qua đó chủ động xây dựng phương án hỗ trợ giáo viên, để chấm dứt hợp đồng lao động đúng theo quy định.
Trong tâm thư gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 20/9/2018 mong muốn duy nhất của số giáo viên trên là tiếp tục được đứng trên bục giảng. Còn nếu không thể thì cần phải có một giải pháp nhân văn để ổn định cuộc sống của giáo viên trong thời gian ngắn nhất.