TS Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam: Đảm bảo quyền lợi cho giáo viên từ hợp đồng lao động

GD&TĐ - Từ vụ việc của hàng trăm giáo viên hợp đồng ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) và của một số địa phương khác có nguy cơ bị chấm dứt hợp đồng lao động, TS Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề xuất, khi sắp xếp đội ngũ giáo viên, tinh giản biên chế cũng phải đảm bảo đủ số lượng giáo viên dạy học và không cắt giảm một cách cơ học 10% theo chỉ tiêu mà các địa phương đang thực hiện.

TS Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam
TS Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Xung quanh vấn đề này, TS Vũ Minh Đức đã có những chia sẻ trên báo Giáo dục & Thời đại.

Được biết, ông đã  trực tiếp xem các hợp đồng của một số giáo viên huyện Thanh Oai (Hà Nội). Vậy trong hợp đồng có điểm nào bất hợp lý hay không?

- Vừa rồi, trong chuyến công tác ở huyện Thanh Oai, chúng tôi có điều kiện xem xét một số hợp đồng lao động của giáo viên. Chúng tôi nhận thấy có 2 loại hợp đồng: Một là hợp đồng của giáo viên mầm non; hai là hợp đồng của giáo viên tiểu học và THCS. Tất cả hợp đồng đều ghi là không xác định thời hạn nhưng chế độ giữa giáo viên mầm non và giáo viên tiểu học, THCS có sự khác nhau. Cụ thể: Hợp đồng của giáo viên tiểu học và THCS  chỉ thể hiện hệ số lương cố định là 1,0. Tại thời điểm ký có những giáo viên chỉ được 390.000 đồng/tháng. Cho đến nay, sau khi điều chỉnh lương thì họ vẫn hưởng hệ số 1,0 theo lương cơ bản. Còn đối với giáo viên mầm non thì có điều chỉnh theo thang bậc lương.

Theo quy định của Luật lao động, thì hợp đồng lao động có 3 loại:

“Chúng tôi cũng sẽ báo cáo với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Luật Giáo dục (sửa đổi) sắp tới đây phải có những quy định chặt chẽ hơn, tránh tình trạng có những quy định trái với pháp luật khi tiến hành ký kết hợp đồng lao động với giáo viên. Qua đó nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho đội ngũ nhà giáo”.

TS Vũ Minh Đức

 

Thứ nhất là hợp đồng vụ việc, thứ hai là hợp đồng xác định thời hạn và thứ ba là hợp đồng không xác định thời hạn.

Trong hợp đồng của các thầy cô giáo đều ghi là không xác định thời hạn nhưng những nội dung quy định không phù hợp với pháp luật về hợp đồng không xác định thời hạn. Cụ thể: Đối với hợp đồng không xác định thời hạn thì phải thực hiện xếp lương, nâng bậc lương thường xuyên theo quy định của pháp luật. Nhưng có những thầy, cô giáo hợp đồng đến 21 năm vẫn không được tăng lương mà vẫn chỉ hưởng mức lương với hệ 1,0. Điều này là trái với quy định của pháp luật. Đấy là chưa nói đến sai sót về mặt thể thức và các nội dung khác được thể hiện trong hợp đồng.

Vậy Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có những động thái gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các thầy, cô giáo?

- Tôi cho rằng, việc chuyển chủ thể ký hợp đồng lao động của huyện Thanh Oai không có gì lớn và thuộc thẩm quyền của địa phương. Tuy nhiên, điều đáng nói là sẽ có khoảng hơn 100 giáo viên có nguy cơ phải chấm dứt hợp đồng lao động vì không có vị trí việc làm.

Chính vì vậy, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có buổi làm việc với lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Thanh Oai và lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của các thầy, cô giáo. Qua sự việc này, chúng tôi đề nghị: UBND huyện Thanh Oai chỉ đạo phòng Nội vụ, Phòng GD&ĐT xây dựng đề án vị trí việc làm theo hướng cố gắng tối đa, sắp xếp việc làm cho hơn 400 thầy, cô giáo đã được ký hợp đồng trước đó.

Đối với các thầy, cô giáo khi được tái ký hợp đồng lao động thì phải đảm bảo nội dung hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật. Còn với những thầy, cô giáo vì lý do tuổi tác hoặc một vài lý do khách quan khác mà không thể bố trí được việc làm thì cần đảm bảo các chế độ thôi việc theo quy định của pháp luật hiện hành và có sự hỗ trợ, giúp đỡ các thầy, cô giáo ổn định cuộc sống.

Được biết, Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ có báo cáo với lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về việc này. Vậy ông có thể cho biết cụ thể hơn về những nội dung mà Công đoàn sẽ báo cáo?

- Trước đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã ban hành văn bản số 270 gửi Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và UBND huyện Thanh Oai về việc đảm bảo quyền lợi cho các thầy, cô giáo. Cùng với đó, Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ báo cáo với Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ GD&ĐT để có ý kiến với UBND thành phố Hà Nội và huyện Thanh Oai nhằm đảm bảo quyền lợi cho các thầy, cô giáo.

Thực tế, không riêng gì huyện Thanh Oai mà một số địa phương khác cũng đang thực hiện tinh giản biên chế và chấm dứt hợp đồng lao động với một số lượng lớn thầy, giáo cô giáo, con số có thể lên đến với hàng nghìn giáo viên. Đây là vấn đề rất lớn và chúng tôi cũng đã có báo cáo với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị tổng kết năm học 2017-2018.

Chúng tôi sẽ kiến nghị với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bằng văn bản để Bộ trưởng có ý kiến với các địa phương: Khi sắp xếp đội ngũ giáo viên, tinh giản biên chế cũng phải quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ trong việc đảm bảo đủ số lượng giáo viên dạy học, không cắt giảm một cách cơ học 10% theo chỉ tiêu mà các địa phương đang thực hiện.

Cùng với đó, chúng tôi cũng đã trao đổi với tổ tư vấn pháp luật của Công đoàn Việt Nam về việc xem xét các hợp đồng lao động của các thầy, cô giáo. Qua đó có thể thấy những điểm bất cập mà các địa phương hiện nay đang thực hiện để có hướng giải quyết hợp lý.

Thực tế cho thấy, đội ngũ giáo viên vẫn còn thiếu kiến thức về pháp luật, trong đó có những quy định về hợp đồng lao động để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Vậy ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Tôi cho rằng việc quan trọng hơn là, sau khi Luật giáo dục (sửa đổi) được ban hành và các bộ luật khác có liên quan đến quyền lợi của người lao động thì tổ chức công đoàn cần có biện pháp tuyên truyền tới từng giáo viên. Qua đó để các giáo viên nắm được những quy định của pháp luật, từ đó có thể tự bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình. Tức là ngay từ khi người lao động ký hợp đồng thì họ đã phải biết tự bảo vệ quyền lợi cho mình. Đấy mới là điều quan trọng chứ không phải là sau mỗi vụ việc, chúng ta lại phải chạy theo và khi chúng ta phát hiện chúng ta mới xử lý.

Mặt tổ chức công đoàn địa phương, đặc biệt các công đoàn trong các trường học phải có tư vấn giúp người lao động, có thể xem xét hợp đồng lao động đã phù hợp với quy định của pháp luật hay chưa? Nếu chưa thì kiên quyết đề nghị người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.