Bị bệnh thủy đậu có kiêng tắm không?

GD&TĐ - Khi bị thủy đậu, bạn cần vệ sinh sạch sẽ tránh nhiễm trùng nốt mụn trên da, có thể sử dụng thêm thuốc bôi ngoài da, uống thuốc giảm đau.

Bị bệnh thủy đậu có kiêng tắm không?

Tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đang ghi nhận nhiều ca mắc thủy đậu. Đây là bệnh truyền nhiễm có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo – Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc, thời điểm này số ca mắc thủy đậu có xu hướng tăng. Đây là bệnh dễ lây lan nhưng nhiều bà mẹ vẫn còn chưa biết cách chăm sóc con khi bị thủy đậu dẫn tới biến chứng.

Trẻ mắc thủy đậu có tắm được không?

Bác sĩ Thảo khuyến cáo cách điều trị và chăm sóc trẻ bị thủy đậu cha mẹ cần ghi nhớ:

Nếu trẻ bị sốt cao hoặc đau nhức do thủy đậu, cho trẻ sử dụng thuốc giảm đau chứa paracetamol theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ. Thuốc này giúp trẻ giảm đau, đặc biệt vết loét phát triển trên da hoặc trong miệng.

Trẻ bị thủy đậu cần tắm rửa, chăm sóc vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.

Trẻ bị thủy đậu cần tắm rửa, chăm sóc vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.

Việc bôi thuốc tại chỗ, bác sĩ Thảo cho rằng mục đích để chống bội nhiễm da, nếu phụ huynh giữ gìn vệ sinh da tốt thì không phải bôi.

Các chế phẩm bôi có thể dùng su bạc nano, xanhmethylen bôi lên vết phỏng do thủy đậu.

Lưu ý, tuyệt đối không gãi. Dù ban thủy đậu rất ngứa nhưng gãi khiến mụn nước vỡ sẽ gây nhiễm trùng da do vi khuẩn. Cắt móng tay tránh gãi để sẹo sâu, vệ sinh da sạch sẽ.

Khi bị thủy đậu không cần kiêng tắm. Trẻ cần tắm rửa hàng ngày đảm bảo sạch sẽ, tránh nhiễm trùng da. Mặc quần áo thoáng mát, tránh ra mồ hôi làm cảm giác khó chịu và tăng mức độ ngứa.

Trẻ bị thủy đậu nên ăn gì?

Theo bác sĩ Thảo, khi mắc thủy đậu, người bệnh cần uống nhiều nước giúp cơ thể loại bỏ virus nhanh hơn, đỡ mệt mỏi vì khi sốt sẽ mất nước. Đảm bảo dinh dưỡng tốt như các ăn đồ lỏng mát như canh, cháo, súp,sinh tố,… đặc biệt khi trẻ bị mụn nước thủy đậu trong miệng.

Điều trị bệnh thủy đậu thế nào?

Việc dùng thuốc kháng virus, hiện nay Viện Hàn Lâm Nhi khoa Hoa Kỳ(AAP), khuyến cáo rằng một số nhóm có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu trung bình đến nặng nên được xem xét điều trị bằng Acyclovir.

Nhóm rủi ro cao này bao gồm: Trẻ em trên 12 tuổi, người lớn; những người có hệ thống miễn dịch yếu như bị HIV, ung thư, điều trị hóa chất, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, tiền căn bệnh về da hoặc bệnh lý mạn tính về tim, phổi.

Sử dụng thuốc Acyclovir càng sớm càng tốt, tốt nhất nên dùng trong vòng 24h khi có phát ban đầu tiên.

Để phòng thủy đậu, bác sĩ Thảo khuyến cáo trẻ em nghỉ học trong thời gian bị bệnh, đến khi mụn thủy đậu đóng hết vảy, không đến nơi đông người khi bản thân bị thủy đậu

Tiêm vắc xin là cách phòng bệnh là tốt nhất. Nếu tiêm 2 mũi vắc xin thủy đậu sẽ phòng đến 90% bệnh, trường hợp mắc bệnh thì bệnh rất nhẹ. Mũi thứ nhất tiêm 12-15 tháng sau sinh, mũi nhắc lại 4-6 tuổi, những người trên 13 tuổi chưa được tiêm vắc xin thủy đậu nên tiêm 2 mũi, mũi sau cách mũi trước ít nhất 28 ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ