Người lớn mắc thủy đậu có nguy hiểm không?

GD&TĐ - Không chỉ trẻ em, người lớn cũng có thể nhập viện vì thủy đậu, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh này đang có xu hướng gia tăng.

Bệnh nhân mắc thủy đậu được điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Minh Ngọc.
Bệnh nhân mắc thủy đậu được điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Minh Ngọc.

Thông tin từ Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, những ngày gần đây, cơ sở y tế này liên tiếp tiếp nhận 9 trường hợp người trưởng thành nhập viện vì thủy đậu.

Một trường hợp cụ thể, bệnh nhân Tẩn A Giàng (27 tuổi, Yên Minh, Hà Giang) cho biết, anh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng ban đầu cách đây 2 tuần sau khi một người bạn cùng phòng trọ có biểu hiện mẩn ngứa. Vài ngày sau, một số người sống chung tập thể cũng có những triệu chứng tương tự nên bệnh nhân cùng đồng nghiệp tới bệnh viện Thanh Nhàn để được thăm khám và điều trị

Theo bệnh nhân, các triệu chứng bắt đầu khởi phát cách đây 2 tuần do một người cùng phòng có biểu hiện nổi mẩn ngứa. Cùng thời điểm này có thêm một số người cùng phòng cũng với triệu chứng tương tự nên đến bệnh viện thăm khám.

BS. Nguyễn Ngọc Trung, Khoa Bệnh Nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn nhận định: "Thời gian gần đây ghi nhận số ca mắc bệnh thủy đậu tăng cao so với trước. Đáng nói, thời gian bệnh thủy đậu bùng phát hàng năm là vào dịp Đông Xuân (từ tháng 11) và thường gặp ở trẻ nhỏ. Thế nhưng, đợt này tại Bệnh viện Thanh Nhàn đa phần tiếp nhận người trưởng thành mắc bệnh. Đó là những bất thường".

Thăm khám bệnh nhân mắc thủy đậu tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Minh Ngọc.

Thăm khám bệnh nhân mắc thủy đậu tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Ảnh: Minh Ngọc.

Trước đó, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng thông tin, thời gian gần đây, tại khoa Bệnh lây đường tiêu hóa – Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện 108 liên tiếp tiếp nhận các ca bệnh với chẩn đoán thủy đậu.

Bệnh nhân vào viện với các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau nhức cơ, có những nốt đỏ tròn nhỏ mọc nhanh khắp cơ thể hoặc mọc rải rác trong vòng 12 giờ đến 24 giờ. Sau đó, các nốt này tiến triển thành những mụn nước, bọng nước, mưng mủ, bệnh nhân có ho và đi ngoài phân lỏng.

Các chuyên gia lý giải, thủy đậu là bệnh rất dễ lây lan, lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.

Trẻ em trong độ tuổi từ 2-8 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, ngoài ra người lớn vẫn có thể nhiễm bệnh nếu không được phòng ngừa đầy đủ. Người lớn, đặc biệt là phụ nữ mang thai, mắc thủy đậu có khả năng biến chứng và nặng hơn trẻ em.

Biến chứng thường gặp nhất của thủy đậu là chứng nhiễm trùng da. Điều này xảy ra do tình trạng ngứa ngáy, khó chịu, dẫn đến bệnh nhân thường xuyên gãi nhiều và làm vỡ các nốt phỏng. Khi đó, các nốt này sẽ lan ra nhiều vùng da lành khác, gây ra nhiễm trùng, lở loét hoặc mưng mủ. Cùng với đó, nhiễm trùng da có thể dẫn đến bệnh nhiễm trùng máu.

Không chỉ vậy, ở một số người, thủy đậu còn có thể đi đến nhiều hệ quả nặng nề hơn như viêm tai ngoài, viêm tai giữa, viêm thanh quản..., thậm chí vô cùng nguy hiểm như viêm thận cấp.

Một số khác gây ra biến chứng liên quan đến não bộ như viêm não hoặc viêm màng não. Điều này có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân. Điều đáng chú ý là biến chứng này dễ gặp ở người trưởng thành bị thủy đậu hơn là trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, đối tượng khác khi mắc thủy đậu người lớn cũng có nhiều nguy hiểm không kém là phụ nữ mang thai. Khi bị thủy đậu, phụ nữ mang thai dễ gặp phải biến chứng nặng, đặc biệt là bệnh viêm phổi. Nếu mắc thủy đậu ở 3 tháng đầu thai kỳ, virus cũng sẽ gây sảy thai hoặc gây thủy đậu bẩm sinh ở trẻ, dẫn đến các dị tật như co gồng tay chân, bại não, đầu nhỏ...

Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường. Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ