Một trong những hiện tượng kỳ bí này đến từ đất nước Nhật Bản, nơi từ lâu đã có nhiều truyền thuyết về những “linh hồn sống” lang thang.
Ikiryo được hình thành như thế nào?
Cổ tích và truyền thuyết Nhật Bản đầy rẫy các dạng quỷ, ma và thế giới linh hồn, nhưng thú vị hơn trong số này là những thực thể được gọi là Ikiryo, hay “linh hồn sống”.
Đây là linh hồn của người còn sống tạm thời rời khỏi cơ thể đi lang thang, thường rất xa, nhằm ám ảnh, nguyền rủa, hoặc nói chung là làm cho mọi người hoảng sợ, rồi sau đó quay lại cơ thể.
Nguyên nhân hình thành Ikiryō rất đa dạng, với nhiều hình thức, phổ biến nhất là thông qua các cơn cảm xúc mãnh liệt của con người, như nỗi buồn, tình yêu thương, niềm đam mê tràn ngập, sự hận thù hoặc cơn thịnh nộ.
Khi những điều này xảy ra, linh hồn sẽ tạm thời rời khỏi cơ thể để đi lang thang, trong khi chủ nhân của nó trong trạng thái xuất thần, không nhận thức những gì đang xảy ra.
Ikiryō còn hình thành thông qua các vết thương nghiêm trọng, hoặc từ một người nào đó sắp lìa đời. Một truyền thuyết phổ biến hồi Thế chiến thứ Hai kể rằng, Ikiryō của những binh lính, ngay cả khi họ chiến đấu ở nước ngoài, thường hiện ra với bạn bè, gia đình trong bộ quân phục vào lúc bị thương nặng và hấp hối trên chiến trường.
Đây được xem là cách để họ chào vĩnh biệt người thân. Linh hồn của những người sắp chết và mới qua đời đôi khi cũng được nhìn thấy đến thăm các ngôi đền gần đó và cầu nguyện vài ngày sau khi họ qua đời.
Ngoài ra, còn nhiều cách khác giúp hình thành Ikiryō. Một trong số đó là từ một tình trạng được gọi là rikonbyō, nghĩa đen là “bệnh phân tách linh hồn”, còn được gọi là kage no yamai, hay “bệnh bóng tối”, trong đó linh hồn của nạn nhân thường xuyên thoát khỏi cơ thể, rồi quay trở lại.
Căn bệnh lạ lùng này được cho là truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong vài trường hợp hiếm hoi, một cá nhân có thể có năng lực hình thành Ikiryō theo ý muốn và di chuyển dưới dạng một linh hồn, khả năng đặc biệt này được gọi là tobi-damashi.
Cũng có khi Ikiryō được hình thành thông qua một lời nguyền, hoặc phát sinh từ kẻ thù, cũng có khi với chủ ý của người sống nhằm trả thù một người nào đó, thông qua một nghi lễ gọi là “cuộc hành hương vào giờ Sửu” (ushi no koku mairi).
Trong trường hợp này, người đó dùng ma thuật đen để điều khiển Ikiryō nhằm ám ảnh, hành hạ, làm bị thương hoặc thậm chí giết kẻ thù. Tuy nhiên, ma thuật bất chính này có thể phản tác dụng, đôi khi khiến linh hồn không thể nhập trở vào thân xác.
Sức mạnh của Ikiryo
Sau khi rời khỏi cơ thể, Ikiryō được cho là có nhiều hình dạng khác nhau, tùy thuộc vào lý do nó hình thành. Phổ biến nhất là nó xuất hiện như một dạng doppelganger (song trùng) của người sống, đôi khi trong mờ hoặc như sương mù, không thể phân biệt được với con người.
Những Ikiryō khác có ngoại hình đáng sợ hơn, chẳng hạn như một cái đầu quái vật lơ lửng, hoặc một “ngọn lửa linh hồn”, trong tiếng Nhật được gọi là hitodama hoặc hidama, dạng quả cầu ánh sáng hoặc quả cầu lửa, mặc dù hiện tượng này rất hiếm với những “linh hồn sống”.
Sức mạnh của Ikiryō cũng khác nhau, phần lớn phụ thuộc vào lý do chúng hình thành và cường độ của cảm xúc thúc đẩy.
Những linh hồn được hình thành bởi cơn thịnh nộ được cho là mạnh mẽ nhất, có sức hủy diệt nhất và ảnh hưởng nhiều nhất đến thế giới vật chất, chẳng hạn như phá vỡ hoặc di chuyển đồ vật, nguyền rủa và tấn công người sống hoặc gây ra bệnh tật, cũng như kích động sự khủng bố không thể kiểm soát, thậm chí chiếm hữu cơ thể của người khác.
Những linh hồn hình thành từ tình yêu đơn phương sẽ ám ảnh đối tượng, có thể thì thầm vào tai, thậm chí vuốt ve họ. Ikiryō hình thành bởi sự đau buồn thường được cho là phát ra một luồng khí lạnh xung quanh, tạo cảm giác kinh sợ, ảnh hưởng đến người sống trong khu vực.
Ngoài ra, Ikiryō còn gây ra là những tiếng động bất thường, tiếng bước chân kỳ lạ, mùi hương phát xuất từ hư không. Nếu bị viếng thăm dai dẳng, nạn nhân của Ikiryō dần trở nên trầm cảm, thậm chí mất trí.
Một ít người mà Ikiryō thoát ra có thể biết họ đang làm gì trong những giai đoạn này, nhưng hầu hết khi tỉnh dậy sẽ không biết gì về những hành động của linh hồn, chỉ nghe về nó sau đó, bởi những người chứng kiến trong hãi hùng. Điều này có thể dẫn đến một số tình huống rất khó xử và hiểu lầm.
Truyền thuyết hay sự thực?
Ikiryō thường xuất hiện trong văn học cổ điển Nhật Bản, như Truyện Genji và nhiều truyện kinh dị cổ điển hư cấu, như tuyển tập truyện kinh dị (kaidan) Sorori Monogatari, thậm chí còn xuất hiện trong kinh Phật. Nhiều người ở Nhật Bản từ lâu nay xem đây là một hiện tượng có thật.
Những câu chuyện như vậy trong thời gian trước đây, được xem như là phương tiện để truyền bá nguyên tắc của các tôn giáo, với thông điệp mang khía cạnh đạo đức, nói về hậu quả của việc làm điều ác.
Có nhiều chuyện kể từ khắp Nhật Bản về những lần chứng kiến và trải nghiệm thực tế với Ikiryō thuộc mọi thể loại. Có những nơi người ta còn tìm đến một nhà sư hoặc linh mục thực hiện nghi lễ trừ tà, trục xuất Ikiryō do kẻ thù gửi đến.
Ikiryō được nhiều người Nhật từ bao đời nay tin tưởng. Chúng chỉ là truyền thuyết, hay ẩn chứa điều gì đó mà người ta không giải thích được? Dù sao đây cũng là một hiện tượng tâm linh đáng để xem xét.