Từ trước đến nay, có biết bao nhiêu hiện tượng tự nhiên bí ẩn mà con người chưa giải thích được và khi không có lời giải đáp, người ta lại đổ hết cho các thế lực siêu nhiên như quái vật hay người ngoài hành tinh.
Thế nhưng cũng có những hiện tượng kỳ bí tưởng chừng như "khó nhằn" mà lại được lý giải cực kỳ đơn giản, làm dập tắt niềm tin của bao người thích các "thuyết âm mưu".
1. Âm thanh The Bloop
Thủy quái thức giấc sau bao nhiêu năm ngủ yên chăng?
Vào năm 1997, thông tin hai chiếc micrô đặt cách xa nhau hơn 4.800 km nhưng cùng thu được một âm thanh bí ẩn từ biển Thái Bình Dương đã gây bão Internet.
Lúc bấy giờ, các nhà khoa học chưa biết chuyện gì đã xảy ra nên tạm gọi âm thanh này là The Bloop (vốn là tên gọi chỉ các âm thanh dưới nước có tần số cực thấp và tiếng ồn cực lớn).
Họ đặt ra giả thuyết rằng, đó là tiếng của một con… thủy quái khổng lồ.
Thực ra, đó chỉ là tiếng các tảng băng ở Nam Cực… nứt ra và rớt xuống biển.
Nó giống như khi ta thả một cục đá vào ly nước vậy nhưng trong trường hợp của "The Bloop" thì âm thanh lại bị khuếch đại đi toàn lục địa vì trọng lượng của băng rất lớn.
2. Hố thiên thạch phát sáng
Hố thiên thạch phát sáng trên Ceres
Vào năm 2015, tàu vũ trụ thăm dò Dawn của NASA đã hạ cánh xuống hành tinh lùn Ceres nằm giữa Sao Hỏa và Sao Mộc, sau đó gửi về hình chụp một hố thiên thạch trông như đang phát sáng.
Khung cảnh giống như được lấy ra từ series phim Star Wars này đã được nhiều người quy về giả thuyết muôn thuở: Là do người ngoài hành tinh.
Các nhà khoa học đã đau đầu đi tìm lời lý giải cho hiện tượng này. Cuối cùng, sau vài tháng, họ mới căng mắt nhòm thật kỹ vào các tấm hình và nhìn thấy… muối.
Đúng thế, chỉ là muối thông thường mà thôi. Vì đống muối này phản chiếu ánh Mặt trời mạnh hơn đám đất tối xung quanh nên nhìn nổi bật hơn rất nhiều.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc Ceres trước đây đã từng có nước biển.
Còn những tấm ảnh có cảnh đồng muối phát sáng cả một mặt của hành tinh như bóng đèn khổng lồ này thì sao nhỉ? Nhờ Photoshop cả đấy.
3. Những bức tượng "đổ máu"
Từ thời xa xưa, con người đã luôn kính sợ các bức tượng tôn giáo không biết bỗng dưng "chảy máu". Giống như bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh dưới đây.
Thực ra, đó không phải là máu mà chỉ là… vi khuẩn mà thôi. Cụ thể là vi khuẩn Serratia marcescens, một loại khuẩn phổ biến hay sinh sôi nảy nở ở những nơi ẩm ướt.
Chúng tiết ra một loại sắc tố màu đỏ mà ta dễ nhầm lẫn với máu.
Chính là những vết ổ trong nhà vệ sinh đó
Ở một nơi tôn nghiêm như nhà thờ, người ta sẽ xôn xao bàn tán, van xin hay lạy lục những bức tượng "chảy máu".
Thế nhưng trong... các toilet bẩn thì đó chỉ là thứ nước màu đỏ chảy trên tường hay vành bồn cầu mà thôi.
4. Ánh sáng bí ẩn ở Marfa
Các đốm sáng bí ẩn ở đường chân trời
Trong gần nửa thế kỷ, thị trấn Marfa ở bang Texas (Mỹ) đã là nơi tụ tập của những đốm sáng kỳ lạ thường xuyên nhảy múa ở đường chân trời.
Cũng nhờ đó mà nó trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng với hoạt động ngắm "đĩa bay của người ngoài hành tinh".
Các sinh viên ngành Vật lý của ĐH Texas đã đến Marfa trong 4 đêm để tìm hiểu cặn kẽ sự việc và kết luận rằng, những đốm sáng đó chính là kết quả của… đèn pha xe cộ.
Đây là một hiện tượng ảo ảnh. Trong môi trường sa mạc như ở Marfa, điều kiện khí quyển có khả năng bẻ cong ánh sáng đến độ các tia đèn pha có thể "bay vọt" lên đường chân trời, nhảy múa rồi lại mờ dần đi như UFO vậy.
Các chuyên gia gọi hiện tượng này là Mirage.