Bí ẩn ngôi chùa 1.000 năm tuổi không hòm công đức

Nhà chùa vắng vẻ thế này, nếu đặt tiền công đức, ai là người giữ hòm, ai quản lý số tiền đó? Nếu nhà chùa muốn tu sửa gì thì nhờ xã phát loa...

Bàn để sách kính tặng phật tử, du khách để mọi người tự đọc và chọn lựa
Bàn để sách kính tặng phật tử, du khách để mọi người tự đọc và chọn lựa

Ngôi chùa Tiêu hơn 1.000 năm tuổi ở xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh không nhận tiền công đức, cấm đặt tiền lễ, cũng không tổ chức bất cứ một hoạt động nào có thu tiền của phật tử như dâng sao giải hạn, thỉnh vong báo oán… Theo sư trụ trì chùa Tiêu, cụ Thích Đàm Chính, đó là những hoạt động “ngoại đạo”, nằm ngoài giáo lý nhà Phật…

Không nhận công đức, cấm đặt tiền lễ

Ngày 26/3, dù là ngày giữa tuần, nhưng chùa Tiêu vẫn nườm nượp phật tử, du khách tới thắp hương, vãn cảnh trong hương trầm ngan ngát. Bất cứ ai dừng chân mua nén hương, chai nước ở lối vào chùa, đều được người bán hàng nhắc khẽ: “Chùa không nhận tiền công đức, cấm đặt tiền lễ, cấm hóa vàng, không được cúng lễ mặn, chỉ cúng chay”.

Đúng như lời nhắc nhở, từ các điện thờ bên ngoài đến các gian thờ trong chùa Tiêu hoàn toàn không có hòm công đức. Trên các ban thờ, chỉ có các đĩa quả, bánh trái đơn sơ, không có tiền mặt, vàng mã. Trong khuôn viên chùa, có rất nhiều lời răn dạy sống tốt đẹp, hướng thiện. Ở một góc sân chùa còn có một tủ sách ghi rõ: Không lấy tiền, dành tặng phật tử. Khi PV ngỏ ý muốn được công đức cho nhà chùa, sư thầy liền khẽ lắc đầu, mỉm cười từ chối và cho biết, đây là quy định của nhà chùa.

Năm nay đã ngoài 90 tuổi, nhưng dáng vẻ vẫn rất nhanh nhẹn, minh mẫn, ni trưởng Thích Đàm Chính, trụ trì chùa Tiêu xác nhận điều này và cho hay, 52 năm trụ trì tại đây, bà vẫn giữ nguyên nếp chùa là không nhận tiền công đức, không đốt vàng mã trong chùa. “Nhà chùa vắng vẻ thế này, nếu đặt tiền công đức, ai là người giữ hòm? Ai là người quản lý số tiền đó. Nếu nhà chùa muốn tu sửa gì thì nhờ xã phát loa kêu gọi phật tử phát tâm, ai phát tâm như thế nào, chùa làm bảng ghi tên đầy đủ niêm yết ở chùa. Cứ phát tâm đủ tiền xây dựng là nhà chùa dừng luôn, ai có muốn công đức nhà chùa cũng nhất định không nhận”, vị trụ trì khẳng định.

Theo ni trưởng Thích Đàm Chính, không chỉ không nhận tiền công đức, nhà chùa còn chưa từng thu tiền của phật tử để tổ chức các hoạt động. Các hoạt động tu sửa chùa cũng không bao giờ tổ chức khởi công hay khánh thành. Nhà chùa cũng không tổ chức dâng sao giải hạn, thỉnh vong giải oan bao giờ. “Phật có dạy luật nhân quả, nhưng tu là tu tâm, chứ có phải tu vật chất đâu. Về với Phật, nếu có lỗi thì sám hối bằng hành động, lối sống thiện lương, chứ không phải là bỏ tiền ra là sám hối được tội lỗi của mình, hay cứ bỏ tiền ra là thỉnh vong, giải vong báo oán được đâu”, sư cụ giải thích và cho biết, những chuyện như ở chùa Ba Vàng, cụ cảm thấy buồn vì những ngôi chùa lớn, uy tín như vậy lại chạy theo hư vinh, tiền bạc của thế gian.

“Những chuyện lên đồng lên cốt, thầy bói thầy toán đều là tà ma, ngoại đạo, không nằm trong giáo lý nhà Phật”, sư cụ nhìn nhận.

Miệt mài cắt những cây cỏ dại, vun gọn lá rụng dưới các gốc cây, ông Phương (70 tuổi), người dân thôn Tiêu Thượng, xã Tiêu Giang cho hay, từ khi nghỉ hưu, ngày nào ông cũng tới chùa làm công quả, khi thì quét lá rụng, dọn cỏ vườn cây, lúc cắt tỉa cành... tại chùa. “Nhà chùa luôn cầu bình an, sự che chở cho người dân nơi này, nên nơi đây cũng như nhà của chúng tôi. Đã 10 năm nay, ngày nào tôi cũng đến đây làm công quả”, ông Phương chia sẻ.

Xách mấy củ sắn tươi vừa cuốc được từ vườn nhà vào biếu nhà chùa, ông Đức (75 tuổi), cũng ở thôn Tiêu Thượng tâm sự, những ngày đầu năm mới, nhà chùa viết sớ cầu một năm an lành cho phật tử, cũng không hề lấy tiền công. Nhà chùa sống giản dị, tiết kiệm, người dân nơi đây cứ có chút rau quả, cây lá vườn nhà, đấu gạo mới xay xát thì mang tới biếu nhà chùa...

“Đúng là đã nhiều năm nay, nhà chùa không còn phải đi chợ, gạo muối, đậu phụ... đều của người dân đem đến biếu chùa, rau thì nhà chùa tự trồng được. Như này so với nhiều năm trước đã là tốt lắm rồi, thế nên, ngoại trừ những lần phải tu sửa, nhà chùa lấy tiền để làm gì đâu”, sư cụ Đàm Chính vui vẻ nói.

Keyword đầu tiên có dấu

Khắp ngôi chùa không có hòm công đức

“Nhẫn nhục tu hành thế mới hay”

Chùa Tiêu có tên chữ là “Thiên tâm tự”, nằm trên sườn núi Tiêu nổi giữa cánh đồng lúa mênh mông xứ Kinh Bắc, mặt chùa hướng về dòng sông Tiêu Tương nổi tiếng đã đi vào thơ ca Việt Nam với mối thiên tình sử giữa chàng Trương Chi và Mỵ Nương. Nay, dòng Tiêu Tương chỉ còn là một hồ sen nhỏ. Đứng từ xa, trông rõ pho tượng thiền sư Vạn Hạnh màu trắng ngồi trên đỉnh núi. Chuyện xưa kể lại, Lý Vạn Hạnh là người đã có công nuôi dạy vị vua đầu tiên lập nên triều Lý - vua Lý Công Uẩn. Không chỉ là nơi gắn bó suốt thời thơ ấu của người đã mở mang và lập nên kinh đô Thăng Long, ngôi chùa cổ này còn được biết đến là trung tâm Phật giáo của Việt Nam, chốn tu thiền huyền bí.

Nhưng để có ngôi chùa khang trang như ngày hôm nay, ít ai biết được, hơn 50 năm trước, chùa Tiêu gần 1.000 năm tuổi này hoang tàn như thế nào. Sư cụ Đàm Chính kể, ngày đầu tiên được giao phó trông coi ngôi chùa này, nhìn quanh chùa, cỏ dại được người dân cắt lấy phơi khô để đun nấu, nên sườn núi hoang toàn đất đá, ngẩng lên có vài cái cây xơ xác, lo lắm. Nhưng nghĩ phận mình 16 tuổi đã rời nhà nương nhờ cửa Phật, nay Phật hộ nơi này, thì phải cố làm tròn trách nhiệm được giao phó.

Keyword đầu tiên có dấu

10 năm nay, ngày nào ông Phương cũng lên làm công quả tại chùa, ông coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình

Việc đầu tiên, sư cụ vào làng xin 5 sào ruộng để cấy lúa lấy cái ăn, vạt đất trên sườn núi để trồng rau, trồng các cây ăn quả, rồi còn trồng cả bụi tre để tính chuyện xây sửa ngôi chùa. Chỉ một thân một mình giữa núi Tiêu cách xa khu dân cư, sư cụ vẫn nhớ, cứ gà gáy canh đầu tiên là vùng dậy, gõ mõ tụng kinh đến khi trời hé sáng, nhìn vạn vật được lờ mờ là lại lao ra vườn, ra ruộng để làm cho đến khi trời tối đen không còn nhìn thấy gì nữa, mới về đọc tiếp kinh kệ, rồi ghé mình xuống nền đất để nghỉ ngơi. Để có thời gian làm việc và cũng là để tiết kiệm củi đốt, sư cụ nấu ăn một lần cho ba bữa ăn trong ngày bằng một cái nồi đi mượn. Hôm nào người dân đòi nồi, sư cụ lại gửi gạo cho chốt bộ đội đóng quân gần đó nấu hộ.

“Do nhiều năm chùa không có người trụ trì, nên khi về, tôi phải đi bộ cả chục cây sang chùa khác xin hương về thắp. Sau mấy tháng đầu vỡ đất trồng cây trái, tôi hái quả các cây, hái rau vườn chùa đem bán, tích cóp từng đồng để mua từng đôi lục bình, từng cái bát đĩa thờ trong chùa. Ngày ấy, dân làng ai cũng nghĩ, nhiều người đến chùa rồi lại bỏ đi, tôi chắc cũng thế thôi, nên cũng chẳng ai đoái hoài…”, sư cụ cho hay.

Dần dà, nhìn thấy những mảng xanh dần phủ kín sườn núi Tiêu, ngôi chùa ngày càng thoảng mùi hương trầm, thấy sư cụ kiên trì bám trụ, cần mẫn làm việc từ sáng sớm đến đêm khuya để gây dựng cho chùa, hương khói thờ Phật, cầu cho quốc thái dân an, người dân nơi đây bắt đầu lên chùa. Từ đấy, có sự chung sức của dân, với sự tảo tần của sư trụ trì, ngôi chùa cứ được xây dựng khang trang dần dần.

“Nhớ những ngày đến hương thắp Phật cũng không có, cơm ăn cũng chẳng bữa nào no, mãi mới sắm được cái chõng tre mà nằm… cực khổ vô cùng. Nhưng người tu hành là vậy, nhẫn nhục tu hành thế mới vui”, sư cụ dí dỏm nói.

Theo Baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ