Theo thần tích kể lại, vào năm Nhâm Dần 1782, vùng đất Cửa Hội (thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) xuất hiện bệnh dịch tả, các thầy lang trong vùng đều bất lực. Khi đó, bỗng có một vị thầy lang đi qua, cứu chữa cho nhân dân. Sau khi bệnh dịch được dập tắt, người này cũng biến mất.
Để tưởng nhớ công lao to lớn, nhân dân đã tôn ngài làm bản cảnh Thành Hoàng và dựng đền Làng Hiếu (tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò) để thờ phụng.
Ông Võ Văn Hạ - người trông coi đền Làng Hiếu cho biết, xưa kia khu vực Cửa Hội còn có 5 ngôi đền chùa thờ thần phật. Trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, 4 ngôi đền bị phá hủy, riêng đền Làng Hiếu được giữ lại, trở thành nơi thờ phụng chung.
Hiện đền thờ Tam Thế Phật, Cao Sơn Cao Các, Đức Thánh Mẫu, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn. Đặc biệt, trong khuôn viên đền còn có khu lặng mộ thờ cá Ông.
Theo quan niệm của ngư dân vùng biển, cá voi thường đến cứu giúp các thuyền bè khi gặp nạn. Do đó, người dân vùng biển Cửa Hội, đặc biệt là những người sống bằng nghề đánh cá rất tôn sùng cá voi. Họ xem cá voi như một vị thần cứu tinh, vị thần bảo vệ và suy tôn cá voi với nhiều tên hiệu cao quý như cá Ông, ngư Ông, ông Nam Hải, ông Lộng, ông Khơi…
Thần tích thờ cá Ông được các cụ cao niên trong vùng kể rằng, xưa kia biển Cửa Hội thường xuất hiện một cá Ông to như chiếc tàu. Trong những lần biển động, ghe thuyền đánh cá gặp nguy hiểm, ông đều đến cứu giúp.
Cá Ông chống lưng đỡ thuyền lướt qua sóng gió hãi hùng, cứu vớt được nhiều ngư dân gặp nạn. Khi ông mất, xác trôi vào bờ, ngư dân phải dùng 60 chiếc chiếu vẫn không đủ đắp di hài.
Tục lệ của ngư dân đi biển, ai phát hiện ra xác cá Ông thì người đó có bổn phận chôn cất và để tang như để tang chính cha mẹ mình. Người đầu tiên phát hiện ra xác cá Ông thì gọi là trưởng nam và phải tổ chức đám tang.
Toàn bộ những nghi lễ liên quan đều phải được thực hiện dưới quy mô của làng vạn. Nếu cá Ông nhỏ chết, người dân gọi là “thai sẩy” và gọi là thần cô, thần cậu để tỏ sự tôn kính.
Sau khi làm lễ chôn cất, ngư dân sẽ để tang cá ông 3 năm, sau 3 năm sẽ làm lễ cất mồ, mang hài cốt ông về đền Làng Hiếu thờ phụng. Hàng năm, những gia đình thờ cá Ông phải tổ chức làm giỗ, trước ngày giỗ phải đến đền thắp hương, khấn mời ngài về thụ.
Ngày xưa, mộ của cá Ông được chôn và thờ tại đền cá Ông (nay là khối Hải Đăng, phường Nghi Hòa). Sau khi đền Làng Hiếu được tôn tạo lại, nhân dân địa phương đã rước ngài và đưa các ngôi mộ về đền Làng Hiếu thờ phụng như ngày nay.
Anh Nguyễn Văn Lộc (trú tại xã Phúc Thọ, huyện Nghi Lộc) cho biết, gia đình anh có 4 đời làm nghề đi biển, đánh cá. Trong những chuyến đi biển, anh từng bắt gặp 2 cá Ông bị chết, trôi dạt trên biển vào các năm 1989 và 1994.
Sau 2 lần đưa cá Ông về chôn cất tại đền Làng Hiếu, gia đình anh Lộc lập 2 bàn thờ, làm giỗ, thờ phụng như ông bà của mình đã mất. Cứ mỗi lần có giỗ ngài, anh lại làm vài mâm cỗ, sau khi cúng xong thì mời bà con hàng xóm đến hưởng lộc.
Theo anh Lộc, những người đi biển như gia đình anh xem cá Ông là vị thần, trong mỗi chuyến đi biển, nhờ ngài mà sóng yên biển lặng, ngư dân được bình an vô sự.
Ngư dân còn quan niệm, tuyệt đối không săn bắt và ăn thịt cá Ông. Mỗi lần gặp cá mắc cạn đều ra sức cứu giúp và đưa cá ra biển. Khi đã ra biển, ngư dân còn tung gạo, muối xuống để cá Ông có lương thực trở về biển an toàn.
Để thể hiện lòng tôn kính đối với cá Ông và các vị thần linh, cứ 2 năm 1 lần, nhân dân phường Nghi Hải lại tổ chức lễ hội Cầu Ngư, cầu cho mưa thuận gió hòa, người dân bình yêu trở về, đánh bắt được nhiều tôm cá.