Phiên bản gốc bằng tiếng Pháp của cuốn tiểu thuyết viết năm 1831 một lần nữa được quan tâm đặc biệt trở lại. Xin giới thiệu một số bí ẩn và tình tiết của cuốn tiểu thuyết mà độc giả thường bỏ quên.
Những tình tiết không có trong tiểu thuyết
Esméralda đối với nhiều độc giả là cô gái Di gan, mặc dù trong sách, tác giả nói rất rõ rằng nàng là người Pháp, bị bắt cóc từ nhỏ. Người đương thời cảm thấy điều đó không quan trọng, bởi dù sao trong hoàn cảnh tương tự, nàng cũng được giáo dục như một cô gái Di gan. Nhưng đầu thế kỷ XIX, ở châu Âu người ta tin vào những phẩm chất bẩm sinh vốn có của các chủng tộc và dân tộc khác nhau. Vì vậy đối với Hugo có một mối liên hệ trực tiếp giữa sự ứng xử cao thượng của Esméralda và việc cô là người Pháp đích thực.
“Nhà thờ Đức Bà Paris” thường được gọi là tiểu thuyết về tình yêu. Nhưng nếu đọc kỹ thấy rất ít nhân vật có khả năng bộc lộ tình yêu. Thực ra, chỉ hai người: Esméralda và Quasimodo. Tất cả những người đàn ông khác xung quanh nàng chỉ nghĩ về nhu cầu xác thịt của mình. Thậm chí thi sĩ lang thang Gringoire lạc vào vương quốc ăn mày, suýt bị treo cổ, nhưng nhờ Esméralda nhận làm chồng trên danh nghĩa theo luật lệ thời ấy nên thoát chết. Thay cho việc bày tỏ lòng biết ơn rất con người của mình đối với cô gái, ngay lập tức Gringoire đòi thực hiện “quyền làm chồng”. May thay, anh ta không trở thành kẻ cưỡng hiếp.
Những ý nghĩ ám ảnh lão phó giám mục nhà thờ Claude Frollo cũng ít có cái chung với tình yêu. Với đại úy Phoebus mọi chuyện cũng dễ hiểu. Nói chung, thật khó hình dung anh chàng này đã từng yêu ai đó trong đời. Anh ta không hề bộc lộ một giọt tình cảm nào với Fleur-de -Lys, vị hôn thê của mình, và trong một phút buồn chán nào đó thậm chí định cưỡng hiếp cô, nhưng vì đoán trước được ý nghĩ của anh ta, Fleur-de -Lys đã kịp thời chạy trốn.
Không phải ai cũng nhớ Quasimodo đến với lão phó giám mục nhà thờ Frollo như thế nào. Đầu tiên cậu bé người lùn dị dạng bị những người Di gan để lại cho mẹ của Esméralda, sau khi bắt cóc con gái bà. Sau đó, chính bà đã đem đứa trẻ dị dạng đó để trước thềm nhà thờ Đức Bà, Frollo đã đem đứa trẻ về nuôi. Thời trung cổ, ở các làng quê châu Âu, người ta thường mang những đứa trẻ tàn tật bẩm sinh ra khỏi làng và bỏ chết. Việc những người Di gan đặt cậu bé trên một chiếc giường trẻ con khác mãi mãi là một bí ẩn.
Claude Frollo nuôi Quasimodo không phải xuất phát từ lòng nhân ái, mà vì muốn xin Chúa xá tội cho đứa em út lười biếng, dốt nát, trụy lạc của mình.
Theo phong tục của người Di gan, số năm những đôi vợ chồng người Di gan chung sống với nhau bằng số mảnh vỡ của chiếc hũ bị ném xuống đất trong lễ cưới của họ thực ra chưa chắc đã tồn tại. Ngay từ thời Byzantine, người Di gan đã theo đạo Cơ đốc và họ làm phép cưới suốt đời (hoặc làm lễ kết hôn trước sự chứng kiến của công xã).
Người Di gan trong cốt truyện của tiểu thuyết
Victor Hugo viết cuốn tiểu thuyết để thu hút sự chú ý của người Pháp tới giá trị lịch sử của nhà thờ Đức Bà Paris. Hiện nay hầu như không thể hình dung được, nhưng đã có những ý định phá bỏ hoặc ít ra là hiện đại hóa nhà thờ Đức Bà. Là một người rất hâm mộ kiến trúc và lịch sử, Hugo quyết định thuyết phục độc giả yêu mến ngôi nhà thờ này như chính ông. Và ông bắt tay vào viết cuốn sách.
Tại sao nhà văn lại chọn thời điểm diễn ra sự kiện là cuối thế kỷ XV? Tại sao ông không mô tả lịch sử thành lập nhà thờ?
Vấn đề ở chỗ vào thế kỷ XIX, người châu Âu bắt đầu thay đổi thái độ đối với các dân tộc thiểu số từ vụ lợi sang nhân đạo.
Tiếc rằng, điều này ít liên quan tới đường lối chính sách của các chính phủ lúc đó. Hiện nay, nền văn hóa và quyền tự hào về lịch sử của những người dân bản xứ thuộc địa đã được thừa nhận. Bước ngoặt này có ảnh hưởng tới thái độ của người châu Âu đối với người dân Di gan. Nếu như ở chính nước Pháp, những bộ luật chống người Di gan được ban hành vào thời trung cổ và sau đó được thực thi hăng hái đến mức tất cả những người Di gan bản địa đều bị tiêu diệt, thì hiện nay những người Di gan đến từ Tây Ban Nha, Ý, Bohemia lại được quan tâm.Tại các trang trại, người ta bắt đầu thuê người Di gan làm các công việc thời vụ.
Quay trở lại lịch sử, chúng ta thấy, tất cả những tác phẩm văn học nổi tiếng nhất về người Di gan đều được sáng tác vào thế kỷ XIX: “Nhà thờ Đức Bà Paris”, “Những người Di gan” của A. Pushkin, “Carmen” của Prosper Mérimée. Họ bắt đầu được mô tả nhiều, được sử dụng như một hình tượng trong thơ ca và âm nhạc. Người châu Âu cảm thấy người Di gan rất gần gũi với thiên nhiên và tràn đầy sức mạnh nguyên sơ của nó.
Vì thế, viết về người Di gan là một cách hoàn toàn chắc chắn để thu hút công chúng. Và từ toàn bộ lịch sử trung cổ, nhà văn Hugo đã chọn thời điểm khi người Di gan vừa mới xuất hiện ở châu Âu.
Cuộc diễu hành của đoàn Di gan do một quận công dẫn đầu được nhà văn chép từ các tài liệu biên niên sử. Cho đến nay vẫn không rõ ai là những người tự xưng quận công Di gan. Họ biết nhiều ngôn ngữ và mang phong thái triều đình. Rất có thể, họ là đại diện của giới quý tộc Byzantine. Nhưng làm thế nào họ lại đứng đầu đoàn người Di gan? Đây là điều bí ẩn.
Hơn nữa, thời bấy giờ người Di gan không có những mối liên hệ chặt chẽ với giới tội phạm Pháp và họ không sống trong các khu nhà ổ chuột mà ở ngoại vi thành phố, trên những cánh đồng. Ở đấy thuận tiện hơn cho việc dựng lều trại. Trước khi ban hành các bộ luật chống những người lang thang và du mục, người Di gan không cần chạy trốn. Ngược lại, họ rất muốn thu hút sự chú ý của công chúng - vì họ kiếm sống bằng các tiết mục biểu diễn của mình.