Bí ẩn chiếc máy tìm về quá khứ

GD&TĐ - Một tu sĩ Công giáo tuyên bố có thể nhìn thấy quá khứ bằng cỗ máy phát minh từ chính ý tưởng của mình.

Linh mục Pellegrino Ernetti và bài báo viết về cỗ máy Chronovisor.
Linh mục Pellegrino Ernetti và bài báo viết về cỗ máy Chronovisor.

Một tu sĩ Công giáo tuyên bố có thể nhìn thấy quá khứ bằng cỗ máy phát minh từ chính ý tưởng của mình. Mặc dù sự tồn tại của thiết bị kỳ lạ này chưa từng được chứng minh, nhưng những tiết lộ về nó trong một quyển sách xuất bản năm 2002 đã cho thấy nhiều điều bất ngờ.

Cánh cửa dẫn vào quá khứ

Theo linh mục François Brune ở Vatican, cỗ máy đặc biệt tìm về quá khứ mang tên Chronovisor được tiết lộ bởi một tu sĩ dòng Benedictine, Pellegrino Ernetti. Trong suốt một thời gian dài, vị này đã giữ bí mật hoàn toàn về thiết bị này.

Mãi đến đầu những năm 1960, ông mới tâm sự với Brune rằng, 12 nhà khoa học nổi tiếng - gồm cả nhà vật lý người Italy, Enrico Fermi, từng đoạt giải Nobel Vật lý năm 1938 và Wernher von Braun, cựu khoa học gia Đức Quốc xã có công trình tại NASA góp phần đưa người Mỹ lên Mặt trăng - đã giúp ông hoàn thành cỗ máy.

Được làm bằng các tia âm cực, ăng-ten và kim loại nhận tín hiệu âm thanh - ánh sáng trên mọi bước sóng, Chronovisor có khả năng tái hiện các sự kiện trong quá khứ, bằng cách nắm bắt và ghi lại các địa điểm, thời gian cụ thể, các sự kiện quan trọng, cùng hoạt động của những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong lịch sử.

Các chi tiết xung quanh cuộc đời của Ernetti và cỗ máy Chronovisor khá ít ỏi, hầu hết những gì còn lưu lại trong lịch sử đều đến từ quyển sách xuất bản năm 2002 của linh mục François Brune, Le Nouveau Mystère du Vatican (Bí ẩn mới của Vatican).

Trong đó, Brune cho biết ông đã gặp Cha Ernetti trong chuyến đi thuyền qua kênh Grand Canal của Venice vào đầu những năm 1960. Cũng như Brune, linh mục Ernetti rất thông thạo lịch sử các ngôn ngữ cổ, do đó cuộc trò chuyện giữa hai người diễn ra rất tự nhiên và chẳng mấy chốc, họ chuyển sang chủ đề khoa học. Trong khi Brune đã giải thích nhiều điều về Kinh thánh thì Cha Ernetti gợi ý, ông có thể tiếp cận sự thật trong đó thông qua một thiết bị đặc biệt.

Sau đó, Ernetti tiết lộ, vào những năm 1950, ông và một nhóm các nhà khoa học nổi tiếng đã cùng nhau thực hiện một nhiệm vụ nhằm khám phá quá khứ, đó là phát triển cỗ máy Chronovisor.

Thiết bị này có một số ăng-ten, ba trong số đó bằng kim loại “bí ẩn” thu được âm thanh và sóng ánh sáng trên toàn bộ quang phổ tương ứng của chúng. Một “công cụ tìm hướng” trên thiết bị có chức năng điều chỉnh thời đại cụ thể mà người sử dụng muốn xem, sau đó hiển thị lên một màn hình các quang cảnh, sự kiện mà nó “nhìn” thấy.

Chronovisor giống như một cánh cửa dẫn vào quá khứ hơn là một cỗ máy thời gian. Nó hoạt động như một chiếc tivi, thu lại tiếng vang từ những ngày xa xưa vốn “lơ lửng” trong không gian. Ernetti tuyên bố đã nhìn thấy một số điều đáng kinh ngạc.

Chẳng hạn, ông đã chứng kiến triết gia Marcus Tullius Cicero phát biểu trước Viện Nguyên lão La Mã vào năm 63 trước Công nguyên. “Cử chỉ, ngữ điệu của ông ấy mạnh mẽ biết bao. Thật là một nhà đại hùng biện!”, Ernetti bộc bạch.

Những tiết lộ của Ernetti ngày càng táo bạo hơn, chẳng hạn như qua cỗ máy, ông và nhóm các nhà khoa học đã quan sát được các sự kiện nổi tiếng, bao gồm sự thành lập nhà nước La Mã, cuộc hủy diệt Sodom và Gomorrah, “Bữa Tiệc Ly” và đặc biệt nhất là khoảnh khắc Chúa Jesus Christ bị đóng đinh trên cây thập tự.

Quyển sách của linh mục François Brune và minh họa về cỗ máy tìm về quá khứ.

Quyển sách của linh mục François Brune và minh họa về cỗ máy tìm về quá khứ.

Sự thật hay huyền thoại?

Cho đến khi qua đời vào năm 1994, Ernetti vẫn khẳng định cỗ máy này đã được Vatican cất giấu để nó khỏi rơi vào tay kẻ xấu, và ông đã thề sẽ giữ bí mật tất cả mọi thứ liên quan đến nó. Điều đáng chú ý là vào năm 1988, Vatican đã ra sắc lệnh, rằng “bất kỳ ai sử dụng một công cụ có đặc điểm như vậy sẽ bị rút phép thông công”.

Không lâu trước khi chết, Ernetti đã viết một bức thư ngỏ tái khẳng định thiết bị này là có thật.

Cỗ máy Chronovisor nghe có vẻ rất hấp dẫn nhưng nhiều tuyên bố của Ernetti về nó đã bị bác bỏ. Những người hoài nghi cho rằng, bức ảnh Chúa Jesus được cho là do máy chụp chỉ là sự sao chép vụng về từ bức tượng đặt trong một nhà thờ ở Umbria.

Năm 1996, tạp chí Paracelsus đưa ra những chỉ trích mạnh mẽ hơn về những tuyên bố của Ernetti. Một bài báo đặt câu hỏi, tại sao Ernetti không công bố hướng dẫn chi tiết về cách chế tạo thiết bị để hợp pháp hóa các tuyên bố của mình. Hơn nữa, tác giả còn tiết lộ Chronovisor rất giống với một thiết bị tương tự được mô tả trong một cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng năm 1947.

Một số người nói rằng, Cha Pellegrino Ernetti thú nhận đã bịa đặt toàn bộ câu chuyện trước khi qua đời vào ngày 8/4/1994, nhưng điều này vẫn còn tranh cãi gay gắt.

Với việc von Braun, Fermi, Ernetti và Brune giờ đây không còn nữa, cỗ máy tìm về quá khứ hiện vẫn là một bí ẩn đầy hấp dẫn.

Dù đã được giữ bí mật, nhưng câu chuyện về cỗ máy bằng cách nào đó đã bị lộ ra ngoài, thậm chí được đăng báo. Vào ngày 2/5/1972, một tạp chí của Italy có tên La Domenica del Corriere đã công khai những tuyên bố của Ernetti. Với tiêu đề “Một cỗ máy chụp ảnh quá khứ cuối cùng đã được phát minh”, bài báo đã cho công chúng biết về những gì mà vị linh mục này tiết lộ. Ngoài ra, tạp chí cũng đã đăng một bức ảnh mà Ernetti cho rằng do Chronovisor chụp được cảnh khổ nạn của Chúa Jesus Christ.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ