Tuy vậy, sau 18 năm tưởng như đã hết cơ hội lều chõng, thì nhờ một bài thơ “Con cu gáy” mà Nguyễn Văn Giao được vua Tự Đức ban lệnh ân xá. Cơ hội đến, nhân tài trổ bút đỗ luôn Giải nguyên trường Nghệ, đoạt Tam khôi với danh vị Thám hoa.
“Con cu gáy” xóa án tích
Nguyễn Văn Giao (1811 – 1863), hiệu là Quất Lâm, tự Đạm Như, người làng Trung Cần, tổng Nam Hoa, huyện Thanh Chương, phủ Anh Sơn (nay thuộc xã Trung Phúc Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Thân phụ ông là Nguyễn Danh Học, một thầy thuốc và thầy địa lý, từng làm quan trong Trấn ty triều Gia Long, sang triều Minh Mạng. Nghỉ hưu, ông về nhà dạy con cháu học và đọc sách thánh hiền, được triều đình phong hàm Lục phẩm Hàn lâm viện Trước tác.
Thân mẫu là bà Trần Thị Khoan, người Thịnh Quả, được triều đình tặng hiệu “Quốc nhân vinh” và “Lục phẩm an nhân”. Anh trai ông là Nguyễn Hữu Dực (còn gọi Trọng Dực), đậu Cử nhân năm 1825, làm quan đến Ngự sử đài, cũng là một danh sĩ có tiếng đương thời.
Nguyễn Văn Giao đỗ Tú tài năm Tân Mão Minh Mạng thứ 12 (1831). Năm Giáp Ngọ Minh Mạng thứ 15 (1834), đỗ Cử nhân nhưng do cuối quyển có chữ viết phạm trường quy nên xét lại không chỉ bị đánh hỏng, mà còn bị án “chung thân bất đắc ứng thí” – cấm thi suốt đời.
Trong suốt 18 năm dằng dặc sau đó, ông về quê dạy học. Số sĩ tử theo học rất đông, nhiều người đỗ đạt thành danh. Tương truyền trong thời gian này, ông sáng tác nhiều thơ văn, trong đó có bài thơ Nôm “Con cu gáy” viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt: “Hay gù, hay gáy lại hay bay/ Lỡ bước sa cơ đến nỗi này/ Xin chúa thả lồng cho thử sức/ Rồi đây bay bổng chín tầng mây”.
Vua Tự Đức vốn yêu thơ, lại là thi sĩ đích thực nên khi nghe bài thơ này, đoán có sự uẩn khúc bên trong. Vua ban lệnh ân xá hủy bỏ án “chung thân bất đắc ứng thí” cho Nguyễn Văn Giao.
Năm Nhâm Tý niên hiệu Tự Đức thứ 5 (1852), Nguyễn Văn Giao tiếp tục lều chõng đi thi, hoàn thành ước nguyện khoa cử. Trong khoa thi này, ông đỗ Giải nguyên trường Nghệ An. Năm sau, dự thi hội khoa Quý Sửu, niên hiệu Tự Đức năm thứ 6 (1853), đỗ Hội nguyên. Vào thi đình, ông đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa) khi đã 42 tuổi.
Một khoa thi, hai Thám hoa
Trong khoa thi này, một số sử liệu cho biết có đến hai Thám hoa, không có Trạng nguyên hay Bảng nhãn. Người cùng đỗ Thám hoa với Nguyễn Văn Giao là Nguyễn Đức Đạt, người làng Hoành Sơn, xã Nam Hoa Thượng, tổng Trung Cần (nay là xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Đối chiếu với bản chữ hán tại Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Quý Sửu niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), thấy ghi: Ban đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (2 người). Trong đó, Nguyễn Đức Đạt xếp trên Nguyễn Văn Giao. Khoa thi này lấy tất cả 7 người, ngoài 2 Thám hoa, có Lê Tuấn đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) và 4 người khác đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Sau khi đỗ Thám hoa, Nguyễn Văn Giao được bổ làm Hàn lâm viện Trước tác, nhận chức vụ Hành tẩu ở Nội các. Tháng 8 năm Ất Sửu (1855), được thăng thụ Hàn lâm viện Thừa chỉ. Năm Mậu Ngọ (1858), ông được thăng nhiệm Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ kiêm chức Hành tẩu Nội các.
Tháng 6 năm sau ông được thăng thực thụ Thị giảng học sĩ. Tháng 1 năm Nhâm Tuất (1862), thăng Thị độc học sĩ vẫn kiêm chức Tham biện Nội các.
Giai thoại hiện còn lưu truyền ở làng Trung Cần quê hương ông kể rằng, Thám hoa Nguyễn Văn Giao có tài ứng biến phi thường, xuất khẩu thành thơ. Sau khi vinh quy bái tổ, Thám hoa Nguyễn Đức Đạt đến thăm nhà Nguyễn Văn Giao, thấy nhà ông bạn đồng khoa chỗ nào cũng có đậu (đúng mùa thu hoạch đậu) liền ra vế đối:
“Trong nhà đậu, ngoài sân đậu, cha thi đậu, con thi đậu. Thi vân: Đa đậu thử chi vi giã”. Nguyễn Văn Giao trông ra hàng rào cây dâm bụt đang trổ nhiều hoa, liền đối: “Trên cây hoa, dưới gốc hoa, Bác vinh hoa, tôi thám hoa. Thi viết: Trùng hoa bất diệc nghi hồ”.
Cấm thi vẫn phải học
Dù lịch sử không ghi chép nhiều về hành trạng quan trường của Thám hoa Nguyễn Văn Giao. Tuy nhiên, sự nghiệp văn chương của ông lại rất lẫy lừng, để lại số lượng tác phẩm đồ sộ. Hiện, một số trước tác của ông đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Trong số đó phải kể đến: Bắc sử lịch đại văn sách, Phụng tương vũ lược ẩn dật thần tiên liệt nữ thưởng lãm các sách soạn thành thi tập, Quất Lâm di thảo (3 bản), Sử lâm kỉ yếu, Khâm Định vịnh sử phú, Nguyễn Thám hoa Đạm Như phủ sử luận.
Tuy tác phẩm có nhiều, nhưng theo Viện Nghiên cứu Hán Nôm - thì hầu như chưa được khai thác, giới thiệu. Trong đó có tác phẩm “Đạm Như thi thảo” dày đến 78 trang. Chữ chép tay, nhiều chữ đá thảo, trang 8 dòng, mỗi dòng trung bình 27 đến 30 chữ. Tập thơ được làm theo nhiều thể loại như thất ngôn, ngũ ngôn, ngũ ngôn cổ phong, thất ngôn cổ phong, có bài ngũ ngôn cổ phong dài đến trăm vần.
Cũng như tên đặt cho tập thơ “Đạm Như thi thảo”, ẩn đằng sau những cảm xúc với thiên nhiên, là tình yêu quê hương đất nước, tình cảm với cha mẹ, anh em, tình vợ chồng, tình bè bạn sâu sắc và nồng đượm mà Thám hoa Nguyễn Văn Giao muốn truyền lại cho hậu thế.
Là người ham đọc sách, vậy nên đêm đông dài đã trở thành món quà quý giá đối với một nhà khoa bảng. Trong bài “Đông dạ họa môn nhân trình chính nguyên vận” (Đêm đông họa theo vần bài thơ của học trò đưa xin chỉ giáo), ông đã thốt lên: “Tối ái tiêu trường kham tá độc/ Tam đông văn sử tức tương như” (Thích nhất có đêm dài tha hồ đọc sách/ Ba tháng mùa đông cũng là ba tháng cùng văn sử).
Không chỉ là một Thám hoa lừng lẫy tiếng thơm, Nguyễn Văn Giao còn là một người đề cao giá trị tình cảm gia đình. Ông nổi tiếng là người con rất mực hiếu thảo, dẫu biết công danh như phù vân nhưng vẫn chăm chỉ học hành để an ủi cha mẹ.
Trong bài “Hương thí tiểu trúng thư trình hữu nhân” (Đậu thi hương viết thư gửi bạn): “Thế sự an năng tận như ý/ Quân tử bất dục đa thượng nhân/ Tối hạnh thử thân tài nhược quán/ Dĩ thao nhất đệ ủy ngô thân” (Sự đời đâu có thể hoàn toàn được như ý/ Người quân tử đâu có muốn trên nhiều người/ Chỉ vinh dự là tấm thân mới lớn này/ Đã giành được một giải để an ủi bố mẹ).
Thám hoa Nguyễn Văn Giao cũng khẳng định: “Giao tận cửu châu tài tuấn sĩ/ Bất như cốt nhục hữu thâm ân” (Làm bạn với tất thảy những người tài ba lỗi lạc trong thiên hạ/ Cũng không đâu bằng tình cốt nhục thâm ân).
Chí lớn của Nguyễn Văn Giao – ngay cả khi bị án “cấm thi suốt đời” vẫn chú tâm vào việc học. Ông khẳng định “học vô tha” - vốn là lời Mạnh Tử nói trong câu “Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi dĩ hĩ”, nghĩa là “Con đường học vấn chẳng phải là cái gì khác, chỉ là con đường dẫn dắt chúng ta đi tìm cái bản tâm vốn thiện đã bị đánh mất mà thôi”.
Với Thám hoa Nguyễn Văn Giao, người quân tử phải: “Miễn chi tai! Quân tử chi học đốc thực nhi quang hoa” (Phải gắng lên! Sự học của người quân tử là phải thực chất thì mới chói sáng).
Tráng chí còn thể hiện ở việc ngày ngày tự xét mình ba điều: Làm việc gì cho ai đã hết lòng chưa? Kết giao với bạn bè có giữ chữ tín hay không? Đạo lý thầy dạy cho mình có thực hành không? Và háo đức như háo sắc, lo đạo chẳng lo nghèo.
Chính sự hiếu học, xem học là một nghề đã làm cho dòng họ Nguyễn Văn ở làng Trung Cần tự hào “tam thế kế đại khoa” (3 đời đỗ đại khoa). Khi đang là Thị độc học sĩ kiêm chức Tham biện Nội các thì Thám hoa Nguyễn Văn Giao qua đời năm 1863.
Thi hài ông được đưa về quê an táng, triều đình truy tặng ông hàm Quan lộc Tự khanh, tòng Tam phẩm.