Đây là vụ “tai nạn” kỳ lạ, một trong những bí ẩn khó hiểu nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.
Thành công trong kinh doanh
Sinh ngày 11/3/1877, Alfred Léonard Loewenstein xuất thân từ một gia đình chủ ngân hàng thuộc giới thượng lưu ở Bỉ. Được dạy dỗ tốt bởi người cha mình là một nhà tài chính người Đức gốc Do Thái, đến tuổi trưởng thành, nhờ quan hệ tốt với giới ngân hàng, ông thành lập công ty thủy điện Société Internationale d'Énergie Hydro-Électrique nhắm mục tiêu vào các quốc gia đang phát triển trên toàn cầu.
Bằng cách cung cấp cho các nước thuộc thế giới thứ ba các cơ sở điện, Loewenstein đã kiếm được rất nhiều tiền. Ông cũng đầu tư vào các mặt hàng như lụa tổng hợp, trước khi chúng tăng giá chóng mặt. Với niềm đam mê hàng không và đã thực hiện hàng trăm chuyến bay, Loewenstein được mệnh danh là “nhà tài chính bay” của Bỉ.
Khi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất nổ ra, Loewenstein trở thành một trong những người đàn ông quyền lực nhất ở châu Âu. Điều này được thể hiện, khi Chính phủ trung lập Bỉ phải lưu vong sau cuộc xâm lược của Đức quốc xã, Loewenstein đề nghị cho chính phủ vay 50 triệu đô la không tính lãi, tự mình mua tất cả các khoản nợ của đất nước.
Khi lời đề nghị bị từ chối, ông chuyển đến Anh và lập Công ty đầu tư International Holdings and Investments vào năm 1926. Trong những năm 1920, chỉ riêng một khoản đầu tư đã mang về cho ông hơn 1 triệu USD. Từ lúc này, Loewenstein được các nguyên thủ quốc gia nể trọng, thường xuyên tham vấn, Chính phủ Anh đã tặng thưởng ông Huân chương Bath.
Alfred Loewenstein còn được gọi là “người đàn ông bí ẩn của châu Âu” và “ông già Noel của Bỉ”. Ông có đàn ngựa thuần chủng từng giành chiến thắng trong các giải đua lớn như Grande Steeple-Chase de Paris năm 1926 và 1928. Ngay trước khi qua đời, người đàn ông giàu thứ ba thế giới được cho là đã đặt mục tiêu vào các giao dịch sinh lời ở Mỹ.
Loewenstein nói: “Tôi luôn tận dụng những gì được gọi là phương pháp của Mỹ. Về nhiều mặt, quan điểm của tôi giống với quan điểm của các doanh nhân Mỹ. Đó là lý do tại sao tôi thích giao dịch với họ và cảm thấy ở Mỹ giống như ở nhà mình”.
Alfred Loewenstein chuẩn bị lên máy bay trong chuyến đi định mệnh. |
Cú ngã từ trên không?
Vào ngày 4/7/1928, Loewenstein lên máy bay riêng và khởi hành từ sân bay Croydon ở Anh để trở về Brussels. Đó là chuyến đi mà ông thực hiện thường xuyên với các nhân viên của mình.
Cùng đi với ông có phi công Donald Drew, thợ máy Robert Little, người hầu Fred Baxter, thư ký Arthur Hodgson, hai người ghi tốc ký Eileen Clarke và Paula Bidalon. Chiếc Fokker Trimotor cất cánh vào khoảng 6 giờ chiều.
Khi máy bay đang bay qua eo biển Anh ở độ cao trên 1.200m trong bầu trời quang đãng thì Loewenstein đứng lên đi về phía phòng vệ sinh và ông không bao giờ quay trở lại.
Trong máy bay của Loewenstein, phía sau khoang hành khách có một lối đi ngắn với hai cánh cửa: Cánh bên phải dẫn đến nhà vệ sinh, còn cánh bên trái là cửa ra máy bay có gắn biển “EXIT”. Người ta cho rằng lúc đó, nhà tỷ phú bị nhầm.
Thay vì mở cửa toilet, ông mở cửa sau của máy bay và rơi xuống từ trên không ngay sau đó. Phi công, thợ máy và 4 hành khách của Loewenstein không biết chuyện gì đã xảy ra, cho đến khi thư ký của ông là Arthur Hodgson phát hiện thấy cánh cửa sau bị đập tung trong gió.
Phát hiện sự mất tích của nhà tỷ phú, phi công đã hạ cánh khẩn cấp ngay lập tức xuống một bãi biển gần Dunkirk, lãnh thổ do Pháp kiểm soát. Quân đội Pháp đã bắt giữ tất cả sáu người trên máy bay và thẩm vấn họ.
Dựa trên lời khai của phi công Donald Drew và thợ máy Robert Little, rằng cửa thoát hiểm không khó để mở, cái chết của Loewenstein được kết luận là do tai nạn.
Thi thể của Loewenstein được một tàu đánh cá phát hiện gần Boulogne một tuần sau đó.
Được xác định bởi chiếc đồng hồ đeo tay, trên người ông không có dấu hiệu bị tấn công. Hộp sọ bị nứt và xương gãy được cho là do va chạm.
Những nghi vấn
Sau đó không lâu, Bộ Hàng không Anh đã kiểm tra chiếc máy bay và cho rằng cánh cửa máy bay không thể được mở ở độ cao 1.200m nếu không có trợ lực rất mạnh. Từ đây, rộ lên giả thuyết cho rằng tỷ phú Loewenstein đã bị giết theo lệnh của những người thừa kế, hoặc tự sát trước khi “đế chế” của ông sụp đổ.
Một người bạn của ông nói: “Ngay cả khi ông ta mất vài chục triệu franc, điều này cũng không ảnh hưởng đến mức ông phải bước vọt vào khoảng không”.
Đáng chú ý là vài năm sau đó, con trai ông, Robert, đã bắn chết một trong những người hầu của mình vì những lý do bí ẩn và ông ta cũng chết trong một tai nạn máy bay vào năm 1941.
Trước khi Alfred Loewenstein qua đời, nhà tài phiệt giàu có này đã kiểm soát nhiều đồn điền cao su ở Congo, sở hữu các mỏ than ở Đức và là cổ đông chính trong hệ thống đường sắt của Bỉ.
Mặc dù cho đến nay không có dấu hiệu chính thức nào về việc ông bị hãm hại, nhưng Loewenstein chắc chắn đã làm cho các kẻ thù của ông ta hưởng lợi rất nhiều từ cú ngã trên không này.
Năm 1987, nhà báo điều tra William Norris đã viết câu chuyện về Loewenstein trong một cuốn sách có tựa đề The Man Who Fell From the Sky (Người đàn ông rơi xuống từ bầu trời), cho rằng nếu cái chết của Loewenstein không phải là một âm mưu của các đối thủ kinh doanh và cộng sự, thì một chủ nghĩa cơ hội nhất định đã tồn tại liên quan đến cái chết và khoản bảo hiểm của ông ta.
Norris nêu giả thuyết, Loewenstein đã bị phi công Donald Drew ném khỏi máy bay theo lệnh của Madeleine Loewenstein, vợ nhà tỷ phú, động cơ là để giành quyền kiểm soát tài sản của ông.
Các tác giả chuyên về tội phạm Robert và Carol Bridgestock thì suy đoán Loewenstein đã dàn dựng cái chết của chính mình và biến mất vì những bất thường về tài chính trong hoạt động kinh doanh của ông.
Giả thuyết này được ủng hộ bởi thực tế thi thể ông được chôn trong một ngôi mộ không được đánh dấu, và vợ của ông đã không tham dự lễ tang.
Tuy nhiên cho đến nay, cú ngã trên không và cái chết của nhà tỷ phú vẫn còn chìm trong bí ẩn.