Berlin nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân Iran

GD&TĐ - Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas đã đến Tehran với nhiệm vụ cứu vãn thỏa thuận hạt nhân và giảm bớt căng thẳng ở Vịnh Ba Tư. Hôm thứ Hai (10/6), ông Maas đã gặp người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif và Tổng thống Hassan Rouhani. 

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hội đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas hội đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani

“Chúng tôi muốn thực hiện các cam kết của mình - ông Maas nói trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Zarif - Chúng tôi không thể có phép lạ, nhưng sẽ cố gắng ngăn chặn sự thất bại của một thỏa thuận hạt nhân”.

Khi tối hậu thư phát huy tác dụng

Sau khi Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran (ký kết vào mùa hè năm 2015), lệnh trừng phạt trong các lĩnh vực tài chính và dầu mỏ của Iran đã được tái áp đặt vào tháng 11, căng thẳng giữa Washington và Tehran không ngừng leo thang.

Gần đây, Washington đã gửi thêm tàu chiến và máy bay đến Vịnh Ba Tư đe dọa Tehran, khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng.

Ngày 8/5, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố sẽ rút một phần khỏi thoả thuận hạt nhân Iran mà nước này ký với nhóm các cường quốc P5+1 vào năm 2015. Song song với đó, Tehran ra tối hậu thư trong 60 ngày, nếu không được đáp ứng yêu cầu sẽ tăng mức độ làm giàu uranium. Như vậy, thời hạn tối hậu thư do Tehran đưa ra cho các đối tác của mình sẽ hết hạn vào ngày 7/ 7.

Trước chuyến thăm của người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đức tới Cộng hòa Hồi giáo, Tehran vẫn mong các bên tham gia ký kết thỏa thuận sẽ thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm bảo đảm lợi ích của Iran trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tehran kêu gọi họ nên có hành động cụ thể chứ không thể chỉ ủng hộ suông. Đáp lại, các nước EU tuyên bố rằng họ cam kết ủng hộ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) nhưng từ chối bất kỳ tối hậu thư nào từ Tehran.

Tại Tehran, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại với Iran.

Tình hình trong khu vực rất nghiêm trọng, có nguy cơ bùng nổ - ông Maas khẳng định và bày tỏ lo ngại - nếu tiếp tục leo thang căng thẳng, có thể dẫn đến chiến tranh.

Về phần mình, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định: “Ông Trump tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã phát động một cuộc chiến kinh tế chống lại Iran. Giải pháp duy nhất để giảm căng thẳng ở khu vực này là ngăn chặn cuộc chiến kinh tế”; Và cảnh báo: “Người bắt đầu cuộc chiến với chúng tôi sẽ không phải là người kết thúc nó”.

“Cho đến nay, các đối tác đã không đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi”- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nhắc lại vào hôm thứ Hai (10/6). Chúng tôi đang chờ đợi châu Âu thể hiện ý định tốt cho việc duy trì JCPOA. Ông Abbas Mousavi cũng lưu ý rằng giờ đây, Tehran không đặt hy vọng vào cơ chế INSTEX (một công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại giữa EU và Iran bỏ qua các lệnh trừng phạt của Mỹ).

Heiko Maas cam kết với Zarif rằng người châu Âu đang cố gắng hết sức để ra mắt INSTEX. Theo ông, giao dịch đầu tiên sẽ được thực hiện vào một ngày sớm nhất.

Cơ hội mới đang đến với Iran

Chuyến thăm Iran của Ngoại trưởng Đức mang lại ý nghĩa hết sức to lớn cho Tehran nói chung và Tổng thống Hassan Rouhani nói riêng. Nhà lãnh đạo Iran đã xem thỏa thuận này là một chiến thắng của riêng ông và ông đang bị tấn công bởi những người bảo thủ - những người cáo buộc ông đã bị thất bại trong thỏa thuận.

Đối với nhà ngoại giao Đức Heiko Maas, chuyến đi này là một nỗ lực để chứng minh sự thống nhất của EU đối với Iran, bất chấp áp lực của Mỹ. Tuy nhiên, để làm được điều này trong điều kiện hiện tại là hết sức khó khăn. Trong cuộc hội thảo “Primakov Readings” vào ngày 10/6, tại Moscow, cựu thư ký nhà nước Pháp về các vấn đề châu Âu, ông Pierre Lellouche cho rằng: EU sẽ không có chủ quyền nếu phải đến Hoa Kỳ và hỏi liệu họ có thể làm ăn với Iran hay không.

Theo Giám đốc Khoa học của Diễn đàn Đức - Nga, chuyên gia Câu lạc bộ Valdai Alexander Rahr thì Ngoại trưởng Đức “không đạt được bất cứ điều gì” trong chuyến thăm Iran của mình. Iran mong đợi một điều đơn giản từ châu Âu - đề nghị hợp tác kinh tế, nhưng các chính trị gia không thể đảm bảo điều này.

Các công ty của châu Âu rất sợ mất vị thế tại thị trường Mỹ. Do đó, họ không thể tuân theo chính phủ của mình vì sợ rơi vào các lệnh trừng phạt của Mỹ - Alexander Rahr chia sẻ với Gazety.Ru. Chính vì vậy, Alexander Rahr cho rằng, Tehran không “xem người châu Âu là trung gian quan trọng”.

Không phải ngẫu nhiên mà chuyến thăm của Bộ trưởng Đức diễn ra đúng một tuần sau chuyến thăm của ông Trump tới Nhật Bản. Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ tuyên bố rằng ông sẵn sàng đối thoại với Tehran để đổi lấy việc quốc gia này từ chối hoàn toàn chương trình hạt nhân.

Theo nhận định của The National Interest, ở Washington có những tình huống đã ảnh hưởng mạnh đến việc làm mềm lập trường của Hoa Kỳ đối với Iran. Đầu tiên là do những bất đồng giữa tổng thống Mỹ và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton. Chính Bolton được coi là nhạc trưởng của đường lối chống Iran cứng rắn nhất. Tình huống thứ hai nằm ở quan điểm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, người đã công khai bác bỏ những tuyên bố của mình rằng Washington sẽ bắt đầu đàm phán chỉ khi Teheran hoàn thành các điều kiện sơ bộ.

Bây giờ phía Mỹ đã sẵn sàng tương tác với Iran mà không cần điều kiện sơ bộ. Một cơ hội mới lại đến với Iran.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Leicester City bị sa thải

HLV Leicester City bị sa thải

GD&TĐ - Leicester City vừa ra thông báo về quyết định sa thải đối với huấn luyện viên Steve Cooper sau chuỗi thành tích kém cỏi ở Ngoại hạng Anh

Họa sĩ Ngô Xuân Bính trình bày về tác phẩm chủ đạo trong triển lãm gốm 'Hiện linh'.

Gốm của 'kỳ nhân'

GD&TĐ - Triển lãm gốm nghệ thuật 'Hiện linh' của tác giả Ngô Xuân Bính đã thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước.