Linh hoạt nguồn thực phẩm
Giá thịt lợn tăng cao và chưa có xu hướng giảm khiến các trường học có tổ chức cho học sinh ăn bán trú gặp phải nhiều khó khăn. Trong bối cảnh “bão” giá thịt lợn, tại Hải Phòng, vấn đề mà các nhà trường quan tâm là làm thế nào để duy trì bữa ăn bán trú bảo đảm chất lượng dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
Trường mầm non Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo) có 400 trẻ, mức thu tiền ăn với mỗi trẻ trong ngày là 15.000 đồng. Với mức thu này, nhóm nhà trẻ được ăn 1 bữa chính, 2 bữa phụ; mẫu giáo được ăn 1 bữa chính và 1 bữa phụ. Để đảm bảo định lượng trong bữa ăn cho trẻ thịt lợn được coi là món chính.
Tuy nhiên, khi giá thịt lợn tăng quá cao, nhà trường đã phải linh hoạt thay đổi món cho trẻ để đảm bảo không tăng giá mỗi bữa ăn hàng ngày.
Trong tình trạng giá thịt lợn tăng cao, nhiều trường học linh hoạt thay đổi thực đơn (ảnh ITN) |
Cô giáo Phạm Thị Thu, Hiệu trưởng trường mầm non Tân Liên chia sẻ: Trong bối cảnh hiện nay, việc tính toán khẩu phần ăn đảm bảo đủ lượng dinh dưỡng cho trẻ là vấn đề khó với nhà trường.
Cô Thu cho hay, giá thịt lợn hiện nay nhà trường nhập từ đơn vị cung cấp là 140.000/1kg thịt mông, tăng gấp đôi so với 5 tháng trước. Dù giá thịt lợn tăng nhưng giá tiền cho mỗi bữa ăn của các cháu không tăng, nhà trường cũng không dám thu thêm bất kỳ khoản gì từ phụ huynh nên rất vất vả để duy trì.
Giải pháp mà trường mầm non Tân Liên thực hiện là tích cực tận thu những sản phẩm rau xanh nhà trường trồng được, để giảm tối đa vấn đề nhập rau từ bên ngoài, hạn chế kinh phí phát sinh, dồn tiền vào giá thịt lợn.
Còn với trường mầm non Vĩnh Tiến, cô giáo Đỗ Thị Xuyến chia sẻ: Nhà trường có 208 học sinh, mức thu chung cho bữa ăn của các con một ngày là 15.000 đồng. Trong khi giá thịt lợn tăng cao, nhà trường cũng phải gồng mình lo từng bữa ăn với việc lên thực đơn, chia lượng dinh dưỡng cho đủ chất, đảm bảo theo đúng quy định. Cái lợi của trường là có vườn trồng rau xanh, hạn chế mua bên ngoài nên lấy cái nọ bù cái kia. Đặc biệt, với đơn vị cung cấp thịt lợn nhà trường yêu cầu giá thịt phải thấp hơn 5.000 đồng so với ngoài thị trường, nếu có tăng giá thì tăng theo tuần và phải có sự báo trước.
Bà Phạm Thị Hoan, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo cho hay, các trường mầm non trên địa bàn huyện đều khắc phục khó khăn trong việc điều chỉnh bữa ăn cho trẻ bằng cách tăng cường cải tạo vườn trường để trồng rau xanh. Ngoài ra, một số trường có ao, vườn chăn nuôi được như: Nhân Hòa, Dũng Tiến, Thắng Thủy… thì lấy nguồn thực phẩm tự cấp để bù cho giá thịt lợn tăng cao.
Loay hoay điều chỉnh thực đơn
Điều chỉnh thực đơn trong tuần là giải pháp của hầu hết các nhà trường thực hiện khi giá thịt lợn tăng. Trường có 650 học sinh ăn bán trú, mức thu là 12.000 đồng/ bữa chính và 4.000 đồng/ bữa phụ. Khi giá thịt lợn tăng cao, trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Bảo đã điều chỉnh thực đơn theo hướng sử dụng nhiều thực phẩm thay thế thịt lợn như thịt gà, thịt bò, cá, tôm… Tùy theo tình hình cụ thể, mỗi tuần học sinh có thể được ăn 2-3 bữa có món chính được chế biến từ thịt lợn, 1 bữa thịt bò.
Tuy nhiên, cô giáo Đào Thị Hương, Hiệu trưởng trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Bảo cho hay, mặc dù nhà trường rất cố gắng đổi món cho học trò để đảm bảo dinh dưỡng nhưng món ăn học sinh ưa thích vẫn là thịt lợn. Nên dù đổi món khác như : tôm, chả cá các con đều không thích.
Bếp ăn tại trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Bảo |
Theo chia sẻ của cô Hương, trong khi giá thịt lợn tăng cao, việc đảm bảo dinh dưỡng cho học trò trong khi không tăng giá tiền ăn hàng ngày là một khó khăn lớn. Tuy nhiên, vấn đề mà nhà trường lo lắng nhất đó là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi, trường tiểu học, nhiệm vụ chính là giáo dục, việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú là theo yêu cầu của phụ huynh. Trong khi đó, tình trạng chung ở Vĩnh Bảo là các đơn vị cung cấp thực phẩm vào trường học hiện nay không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo) là trường cấp 2 duy nhất trên địa bàn huyện có tổ chức ăn bán trú cho học sinh với đặc thù có nhiều học sinh ở xa đến theo học.
Năm học này nhà trường có 300 học sinh ăn bán trú. Mức thu mỗi bữa ăn với 1 học sinh là 12.000 đồng. Theo thầy giáo Đặng Minh Tuấn, Chủ tịch công Đoàn trường, mức thu đó với một học sinh ở địa bàn huyện ngoại thành là hợp lý và đảm bảo dinh dưỡng. Tuy nhiên, gần 3 tháng nay, giá thịt lợn tăng cao, nhà trường xoay sở rất khó khăn. Đành rằng, giảm thịt lợn và tăng cường thịt gà, trứng nhưng cũng phải đảm bảo dinh dưỡng đồng thời 1 tuần các con vẫn được ăn 2-3 bữa thịt lợn.