Mới chỉ nửa tháng của năm 2019 nhưng tại các khoa bệnh truyền nhiễm của bệnh viện nhi và bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TPHCM đã quá tải do tình trạng bệnh nhân ồ ạt nhập viện vì mắc bệnh sởi.
Bệnh nhân trong gia đình nếu mắc sởi mà không cách ly sẽ dễ lây lan. |
Trường hợp con trai chị Vũ Thị Hường, 2 tuổi đang được cách ly tại khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM. Bệnh nhi này là 1 trong 5 ca mắc sởi nặng, bị viêm phổi đang phải thở oxy nằm ở khoa Nhiễm điều trị hơn 1 tuần qua. Tại đây có nhiều trẻ chỉ mới 3, 4 tháng tuổi - lứa tuổi chưa đến thời điểm tiêm chủng vắc xin sởi nhưng lại bị mắc sởi, kèm theo bệnh tim bẩm sinh, phổi mãn tính khiến cho tình trạng bệnh tiến triển nhanh và kéo dài.
Chị Hường cho biết: "Em bé sốt từ cuối năm, đưa đi khám thì bác sĩ bảo có thể sốt siêu vi, về nhà nếu mà sốt nữa thì tái khám. 2 ngày sau quay lại thử máu thì bác sĩ bảo sốt siêu vi, lúc đó chưa có biểu hiện gì hết. Sau đó thì những hạt nhỏ lên mặt, quay lại thử máu thì bác sĩ bảo đó là sởi. Sau đó rồi thấy bé cứ lờ đờ, nên bác sĩ bảo là cho bé nhập viện".
Theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, hiện khoa có 61 ca sởi, tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là các trẻ có bệnh nền, những bệnh nhi nhỏ tuổi. Bác sĩ Việt cũng cho biết, các bệnh nhi nhập viện phần lớn là ở các tỉnh ngoài TPHCM, chiếm 70% tổng số các bệnh nhi điều trị nội trú.
Còn tại Khoa Nhiễm – Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM hiện đang điều trị nội trú trung bình mỗi ngày cho gần 40 ca mắc sởi, trong đó có khoảng 5 đến 7 ca phải chăm sóc đặc biệt. Các bác sĩ chỉ định nhập viện những trường hợp đã mắc biến chứng, số ca nhẹ được hướng dẫn chăm sóc tại nhà, khi có bệnh không thuyên giảm thì đưa vào tái khám và điều trị tại bệnh viện.
Không chỉ trẻ em mắc sởi gia tăng mà bệnh nhân là người lớn cũng nhập viện rất nhiều. Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, số bệnh nhân là người lớn nằm điều trị vì mắc bệnh sởi chiếm 50% số ca mắc.
Theo Bác sĩ chuyên khoa Huỳnh Thị Thúy Hoa – Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, hiện số bệnh nhân mắc sởi tăng đột biến so với cùng kỳ. Cụ thể, đỉnh điểm cao nhất trong năm 2018 là tháng 12, bệnh viện điều trị cho 269 ca mắc sởi; nhưng hiện nay, mỗi ngày đã có 65 – 70 trường hợp đến khám và điều trị.
Số bệnh nhân nhập viện vẫn đang trên đà tăng, mỗi ngày gần 20 ca. Hiện nay, số giường bệnh tại khoa đã kín, không còn giường trống.
Trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm phòng vắc xin sởi rất dễ bị lây bệnh. |
Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa – Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho rằng: "Không nhất thiết tất cả các bệnh nhân phải nhập viện, các bệnh nhân có thể đến khám tại các cơ sở y tế quận, huyện…Chỉ nên nhập viện đối với những cơ địa đặc biệt có nguy cơ biến chứng như những phụ nữ có thai, hoặc những trẻ em mà có biến chứng viêm tai giữa, hay viêm phổi. Còn những trường hợp khác có thể điều trị cách ly tại nhà."
Cũng theo bác sĩ Hoa, đáng lưu ý có nhiều bệnh nhân là thai phụ mắc sởi đã có biến chứng. Tháng 11/2018, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới có 1 thai phụ mắc bệnh khiến thai chết lưu, tháng 12 có 3 trường hợp mắc sởi phải sinh non, có bé mới chỉ 24 tuần tuổi. Các em bé sinh non được chăm sóc tại bệnh viện phụ sản, riêng sản phụ được theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Nhiều người lớn, đặc biệt là thai phụ mắc sởi. |
Chị Nguyễn Thị Ngọc Nhi, ngụ tỉnh Trà Vinh, một thai phụ vừa nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết: "Lúc đầu trước khi nhập viện thì bị sốt cao, rồi ho, sau đó thì nổi mẩn ở đầu, mặt, rồi xuống dưới chân. Nói chung sợ ảnh hưởng đến em bé, nhưng mà nó qua giai đoạn nguy hiểm rồi.
Theo các bác sĩ, cuối năm 2018 là thời điểm chu kỳ bệnh sởi 4 năm 1 lần, vì vậy mà hiện nay theo đà, bệnh sởi vẫn gia tăng. Đặc biệt là việc tiêm phòng hiện nay chưa được người dân thực hiện nghiêm túc nên bệnh dễ lây lan, phát tán trong cộng đồng. Gần đây bệnh sởi xuất hiện không theo mùa như trước đây, các trường hợp dễ mắc như trẻ em chưa đến tuổi chích ngừa, bị bệnh lý nên không tiêm phòng hoặc tiêm không đầy đủ… đều rất dễ mắc.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần Kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP. HCM khuyến cáo: "Chỉ có cách giải quyết là tiêm phòng vắc xin thôi, chứ không có cách nào khác đâu. Đa số những em bé mắc sởi đều là những trẻ chưa được tiêm ngừa, hoặc chích ngừa sai. Việc không chích ngừa hoặc chích ngừa sai thì do quan niệm, người ta sợ quá. Hoặc là người ta bỏ mũi 9 tháng đi, trong khi đó mũi này rất quan trọng để ngừa cho trẻ từ 9 tháng cho đến mười mấy tháng."
Các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh nên lưu ý những dấu hiệu để phát hiện bệnh sởi. Bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7 đến 21 ngày, sau đó có thể có các triệu chứng như: sốt cao trên 39°C, viêm hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, chảy nước mắt, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt… Ban sởi sẽ mọc từ đầu, mặt, cổ rồi xuống lưng, cánh tay. Khi chăm sóc trẻ, các bậc cha mẹ cần phải đảm bảo cách ly, không để nguồn bệnh lây lan và giúp trẻ không bị mắc thêm bệnh lây truyền từ người khác. Và biện pháp quan trọng nhất vẫn là tiêm phòng vắc xin sởi.