Chuyển đổi kinh doanh hoặc bị di dời
Để xây dựng phương án bảo đảm môi trường xung quanh Bệnh viện Sản - Nhi, ngày 4/5, Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, Sở TN&MT, UBND huyện Tam Dương, UBND xã Hợp Thịnh mời đại diện 10 doanh nghiệp nằm gần bệnh viện đến làm việc, lấy ý kiến hướng dẫn các đơn vị có dự án sản xuất, đúc cán thép, sơ chế phế liệu chuyển đổi sang tính chất thương mại, dịch vụ.
Tại buổi làm việc này, Sở TN&MT khẳng định trong Cụm kinh tế - xã hội Hợp Thịnh, thực tế có 6 doanh nghiệp sản xuất có hồ sơ môi trường đầy đủ. Trong đó, có 4 doanh nghiệp sản xuất sắt thép; 1 doanh nghiệp gia công cơ khí; 1 doanh nghiệp sơ chế phế liệu. Tuy nhiên, việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường chưa được đầy đủ.
Sở Xây dựng đưa ra ý kiến, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho khu vực quanh Bệnh viện Sản - Nhi, đề nghị các doanh nghiệp sản xuất sắt thép, sơ chế phế liệu, gia công cơ khí có nguy cơ ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến bệnh viện, nghiên cứu từng bước chuyển đổi sang dự án ít gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 8/5, Sở KH&ĐT Vĩnh Phúc đã có văn bản gửi UBND tỉnh này về việc giải quyết vấn đề môi trường xung quanh Bệnh viện Sản - Nhi cũng như đề nghị UBND tỉnh có một số chỉ đạo đối với các cơ quan liên quan.
Cụ thể, Sở TN&MT phối hợp với UBND huyện Tam Dương và các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, quan trắc môi trường. Hướng dẫn các doanh nghiệp hạn chế tối thiểu tác động đến môi trường. Trường hợp không thực hiện, đề xuất tạm dừng theo quy định.
UBND huyện Tam Dương tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp có dự án sản xuất, gia công cơ khí, đúc cán thép, sơ chế phế liệu thuộc phạm vi Cụm kinh tế - xã hội Hợp Thịnh ủng hộ chủ trương của UBND tỉnh, nghiên cứu chuyển đổi mục tiêu dự án sang tính chất thương mại dịch vụ để bảo đảm môi trường quanh khu vực Bệnh viện Sản - Nhi.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, báo cáo UBND tỉnh về việc quy hoạch khu đất mới phù hợp với mục tiêu sản xuất của doanh nghiệp để họ có thể chuyển địa điểm thực hiện dự án theo lộ trình.
Về phía Sở KH&ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn nhà đầu tư về các thủ tục chuyển đổi mục tiêu dự án và tạo điều kiện giải quyết, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính trong quá trình các doanh nghiệp thực hiện thủ tục chuyển đổi mục tiêu dự án tại chỗ từ tính chất sản xuất sang tính chất thương mại dịch vụ.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc di dời để khuyến khích các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường di chuyển nhà máy sản xuất về địa điểm mới được quy hoạch phù hợp.
“Doanh nghiệp hay bệnh viện bị ảnh hưởng?”
Đáp lại những ý kiến từ phía cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các doanh nghiệp cũng đưa ra các lý lẽ để tiếp tục duy trì việc sản xuất và duy trì tại chỗ. Cụ thể, Công ty TNHH Việt Nga cho rằng, Bệnh viện Sản - Nhi đang nằm giữa khu vực có các dự án sản xuất sắt thép, gia công cơ khí, sơ chế phế liệu của Cụm kinh tế - xã hội Hợp Thịnh. Do vậy, phải tìm cách để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. “Các doanh nghiệp sản xuất bị ảnh hưởng hay Bệnh viện Sản - Nhi bị ảnh hưởng?” - Công ty Việt Nga đặt câu hỏi.
Doanh nghiệp tư nhân Thành Đạt đưa ra ý kiến, những doanh nghiệp tại Cụm kinh tế - xã hội Hợp Thịnh được UBND tỉnh cấp phép từ năm 2004. Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh lại quyết định đưa Bệnh viện Sản - Nhi vào giữa khu vực các nhà máy sản xuất sắt thép.
“Từ ngày bệnh viện được đầu tư ở đây, các doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, liên tục phải tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra của các sở, ban, ngành. Điều này gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tinh thần của doanh nghiệp. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh giảm các đoàn thanh tra, kiểm tra để doanh nghiệp có thể ổn định, tập trung sản xuất, kinh doanh” - Doanh nghiệp Thành Đạt nêu ý kiến.
Đồng quan điểm như 2 đơn vị nêu trên, một số doanh nghiệp cũng mong muốn tỉnh Vĩnh Phúc tạo điều kiện để họ hoạt động song song với Bệnh viện Sản - Nhi. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khác lại đồng ý với phương án của tỉnh là chuyển sang dự án có tính chất thương mại dịch vụ để bảo đảm môi trường cho bệnh viện hoạt động.
Như vậy, có thể thấy khi Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc đi vào hoạt động, các doanh nghiệp sản xuất nằm trong Cụm kinh tế - xã hội Hợp Thịnh sẽ phải lựa chọn một trong số các phương án hoặc di chuyển đến địa điểm mới hoặc chuyển đổi tính chất. Khó có thể có phương án hoạt động sản xuất song hành cùng bệnh viện, bởi điều này gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh bệnh viện.