(GD&TĐ) - Theo các chuyên gia y tế, thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho bệnh viêm não mô cầu phát triển. Vi khuẩn nhân lên nhiều ở vùng hầu họng, nên khi bệnh nhân ho, hắt hơi mầm bệnh dễ phát tán ra ngoài, tốc độ lây lan cao, gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Điều trị bệnh nhân viêm não mô cầu (Ảnh: Internet) |
Viêm não mô cầu thường thấy ở trẻ em, nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh. Sau khi xâm nhập vào tế bào đường hô hấp trên, gây ra tình trạng viêm mũi họng, thường có ho, sốt cao, đau cơ, đau đầu, buồn nôn, có thể bị co giật, giảm trương lực cơ, biểu hiện của liệt chi, mặt, tri giác giảm. Tùy vị trí xâm nhập, độc lực của vi khuẩn cũng như sức đề kháng của cơ thể, có thể viêm mũi, họng nhẹ, nhiễm khuẩn huyết đơn thuần hoặc kịch phát gây tử vong. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 2 ngày đến 10 ngày.
Viêm não mô cầu có thể để lại những biến chứng rất nguy hiểm nếu điều trị muộn. Bệnh nhân có nguy cơ bị di chứng về thần kinh, ảnh hưởng các dây thần kinh cảm giác, gây tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề tâm lý. Nếu biến chứng nghiêm trọng, có khi phải cắt bỏ các chi.
Cách phòng tránh tốt nhất là hạn chế tiếp xúc về đường hô hấp như không nên tập trung nơi đông người, thường xuyên vệ sinh răng miệng. Khi hắt hơi hay ho cần lấy khăn che miệng, hoặc đeo khẩu trang khi bị viêm đường hô hấp. Trẻ cần được giữ ấm trong những ngày du xuân, chú ý vùng cổ, ngực, gan bàn tay, bàn chân. Cách phòng tránh đặc hiệu là rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để ngừa vi khuẩn.
Đây là bệnh đã có vaccine. Vì thế, có thể tiêm phòng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Một mũi vaccine có khả năng ngừa bệnh trong vòng ba năm.
Để biết có phải mình hoặc ai đó mắc viêm màng não hay không, cần để ý các triệu chứng như sốt cao, đau gáy, co giật, nôn vọt, đau đầu dữ dội, cổ cứng, mắt nhạy cảm với ánh sáng và có thể xuất huyết chấm hồng hoặc mụn nước. Nếu có, phải đến cơ sở y tế khám và điều trị, tổ chức cách ly.
TS Nguyễn Nhật Cảm – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Các năm trước đây Hà Nội có từ 3-5 ca viêm não mô cầu/năm. Bệnh này không phải bệnh mới, xuất hiện không rầm rộ (do tác nhân gây bệnh là vi khuẩn chứ không phải virus) nhưng tỉ lệ tử vong cao, diễn biến bệnh nhanh.
Năm 2011, Hà Nội có 3 trường hợp bị viêm não mô cầu nhưng có 2 người tử vong.
Với các vết ban đỏ nổi ngoài da đối với viêm não mô cầu, thường có tím thẫm, hoặc to bằng đầu đũa, hoặc là mảng lớn hơn. Các nốt tử ban xuất hiện trong 1-2 ngày có biểu hiện bệnh, trong khi đó sốt phát ban hay sốt xuất huyết, nốt ban thường có màu nhạt hơn và nhỏ hơn và trổ ban từ sau 3-4 ngày.
Ở thể nhẹ, bệnh nhân có thể qua khỏi nếu được nhập viện và điều trị bằng kháng sinh. Tại Việt Nam cho thấy, có đến 50% người mang vi trùng não mô cầu nhưng không có biểu hiện bệnh và vẫn sống khỏe.
Viêm não mô cầu lại nguy hiểm trong trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết cấp hoặc viêm màng não. Khả năng bị nhiễm trùng huyết cấp rất ít gặp, một số trường hợp được y văn ghi nhận bệnh nhân có thể tử vong trong vòng 2 ngày sau khi phát bệnh.
Vi khuẩn não mô cầu gây nên các tổn thương ở não, làm mất khả năng nghe và khả năng học tập, nặng hơn là nhiễm trùng máu. Cần điều trị sớm bệnh viêm màng não do não mô cầu bằng các nhóm kháng sinh như penicillin, ampicillin, chloramphenicol và ceftriaxone.
Khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) để đề phòng bệnh lây lan trong cộng đồng: 1. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. 2. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở: thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. 3. Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh. 4. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. 5. Khi phát hiện người nghi ngờ mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu cần thông báo theo đường dây nóng của y tế địa phương để được điều tra giám sát xử lý kịp thời. |
Lộc Hà