Bệnh trầm cảm ở học sinh: Cần phát hiện và can thiệp sớm

GD&TĐ - Bệnh lý về sức khỏe tâm thần ở lứa tuổi học sinh, sinh viên có xu hướng xuất hiện nhiều hơn. Nhưng vấn đề đáng lo ngại là người bệnh ít được tiếp xúc với việc điều trị. Điều này sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả học tập và làm việc, thậm chí có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.  

Bệnh trầm cảm có nguy cơ tái phát cao
Bệnh trầm cảm có nguy cơ tái phát cao

Trầm cảm gia tăng

Theo báo cáo về sức khỏe vị thành niên thế giới, trầm cảm là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tật và tàn tật ở độ tuổi vị thành niên (10 - 19 tuổi). Quá nửa các rối loạn tâm thần xuất hiện trước tuổi 14 nhưng thường bị bỏ sót. Theo Viện Hàn lâm tâm thần nhi khoa Mỹ, khoảng 2% trẻ nhỏ và 4 - 8% vị thành niên mắc chứng trầm cảm, nghĩa là khoảng 6 - 10% trẻ em nói chung mắc chứng bệnh này. Trung bình cứ 10 trẻ thì có một em bị trầm cảm khi 16 tuổi.

Tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu của Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) với trên 1.200 học sinh ở HN (bậc tiểu học và THCS) thì có hơn 19% học sinh có vấn đề sức khỏe tâm thần chung. Trong số các ca tự sát có 10% ở lứa tuổi từ 10 - 17. Nguyên nhân chủ yếu là do những tác động trong cuộc sống trong đó có học hành, thi cử. Chính những bức xúc không được giải tỏa đã khiến các em tìm đến cái chết. Đây thực sự là hiện tượng đáng báo động.

Các rối loạn tâm thần tuổi học đường với những yếu tố như áp lực học tập căng thẳng, hay sự thay đổi các mối quan hệ bạn bè cũng có thể khiến học sinh mắc các chứng bệnh về tâm thần. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, ở lứa tuổi học sinh có những biến đổi về tâm sinh lý, cộng thêm thay đổi về hormone trong giai đoạn dậy thì cũng ảnh hưởng tới tinh thần và hành vi của các em. Trẻ bị trầm cảm sẽ có những rối loạn về cảm xúc, dễ bị tổn thương, không tự điều chỉnh được hành vi, dễ bê trễ học hành…

Những thói quen xấu trong cuộc sống như uống rượu, hút thuốc, thức khuya, dậy quá trễ, không luyện tập thể dục, nghiện game… sẽ làm trẻ dễ rơi vào trạng thái tiêu cực, ở mức độ cao dễ dẫn tới bệnh lý trầm cảm. Điều nguy hiểm là, bệnh trầm cảm có nguy cơ tái phát rất cao, đợt sau nặng hơn đợt trước và có thể dẫn tới toan tính tự tử, tự tử thành công.

Cần chữa trị kịp thời

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết: Những năm trước đây, bệnh lý về trầm cảm cũng đã có, nhưng có thể do chúng ta chưa quan tâm, nên chưa phát hiện ra nhiều. Trầm cảm không phát sinh từ tâm lý đơn thuần, mà do một nhóm các vấn đề kết hợp và tác động tới từng cá nhân.

Trong đó, nguyên nhân khách quan do áp lực cuộc sống cũng như những đòi hỏi về sự sinh tồn ngày càng lớn. Và trẻ em cũng phải chịu chung những áp lực đó. Phụ huynh ngày nay dường như kỳ vọng vào con cái lớn hơn so với trước đây. Tuy nhiên, nếu bố mẹ kỳ vọng vào con cái thì càng phải quan tâm tới vấn đề học tập và sinh hoạt của con hơn, chứ không nên khoán trắng. Bởi nếu chỉ đặt kỳ vọng vào con mà không đồng hành cùng với chúng, thì sẽ chỉ mang đến áp lực cho con cái mà thôi.

Ở lứa tuổi học sinh, sinh viên, tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm cao hơn so với nhóm quần thể chung từ 4% - 6%, với tỉ lệ mắc bệnh có thể tới 16%. Trầm cảm thường xuất hiện với những biểu hiện sau: Cảm giác quá buồn chán hoặc thất vọng, tuyệt vọng; cảm thấy không còn sự hy vọng và luôn cho rằng mọi việc đối với mình sẽ không bao giờ có thể tốt lên được. Mất đi những sở thích tham gia vào các hoạt động mà trước kia mình hứng thú; giảm hoặc mất đi sự ngon miệng; gầy sút cân hoặc tăng cân trong một thời gian ngắn, mà không có một căn bệnh nào khác của cơ thể. Có những rối loạn về giấc ngủ, hay quên, kém tập trung vào công việc; có ý nghĩ muốn chết, có thể có hành vi tự sát hay hủy hoại bản thân. 

Nguyên nhân thứ hai, là yếu tố chủ quan xuất phát từ mỗi cá thể. Khả năng chống đỡ sang chấn về tâm lý cũng như kỹ năng đối phó về stress của mỗi cá thể là không giống nhau. Vì vậy mức độ ảnh hưởng do những sang chấn tâm lý cũng khác nhau. Và thứ ba, là yếu tố về bệnh lý gien di truyền trong gia đình. Những gia đình có bố mẹ từng mắc chứng trầm cảm thì con cái cũng có thể bị ảnh hưởng.

Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cũng đưa ra những cảnh báo: Những phản ứng chỉ stress nhất thời (dưới một tuần, còn gọi là phản ứng cấp) thì không phải điều trị bằng thuốc mà có thể điều trị bằng tâm lý. Nhưng nếu sự trầm cảm kéo dài từ hai tuần trở lên thì người bệnh cần phải điều trị bằng thuốc. Một người đã được bác sĩ chuyên khoa Tâm thần khám và kết luận mắc bệnh trầm cảm thì cần phải chữa trị ngay. Bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm phải được điều trị bằng hóa dược và tâm lý.

Không kỳ thị với các bệnh lý về tâm thần thì mới có thể chăm sóc sức khỏe tâm thần cho tốt được. Sức khỏe tâm thần cũng quan trọng không kém sức khỏe thể chất, song chúng ta không nhìn thấy được. Tuy nhiên, nó cũng ảnh hưởng tới hiệu suất lao động và học tập, mang đến sự mệt mỏi cho người mắc bệnh. Khi có những dấu hiệu bệnh lý về tâm thần, nên đi khám tại các bệnh viện tâm thần. Tùy theo hiện trạng thực tế mà các bác sĩ sẽ cho người bệnh lời khuyên phù hợp, hoặc đưa ra hướng điều trị cụ thể.

Điều này chỉ có bác sĩ tâm thần mới phân biệt được người này có bệnh hay không có bệnh và cần điều trị thuốc kết hợp với điều trị về tâm lý như thế nào. Những người trầm cảm nếu chỉ đi chữa chạy riêng bác sĩ tâm lý thì sẽ không phân biệt được được mức độ về bệnh lý và sẽ bỏ sót điều trị. Nếu bỏ qua điều trị hóa dược, mức độ trầm cảm nội sinh sẽ tăng lên và nhiều trường hợp dẫn tới tự sát. Vì vậy, cần phải kết hợp giữa việc điều trị tâm lý và điều trị tâm thần.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ