Bệnh “trầm cảm” được chọn làm chủ đề của dự án Nhà lãnh đạo tiềm năng

GD&TĐ -13.5 triệu người Việt Nam (tương đương 15% dân số) hiện đang có những vấn đề về sức khỏe tâm thần được chuẩn đoán, đây là con số đáng giật mình do Bộ LĐTB&XH báo cáo tháng 12/2016. Đáng chú ý là bệnh “trầm cảm”   

Sinh viên và giảng viên đang trao đổi về dự án của mình
Sinh viên và giảng viên đang trao đổi về dự án của mình

Thấy được sức ảnh hưởng của các bệnh về sức khỏe tâm thần đối với cộng đồng, tháng 11/2017, Emerging Leader Project 2017 (ELP 2017) – Dự án nhà lãnh đạo tiềm năng của đại học RMIT Việt Nam đã chọn "bệnh trầm cảm" làm chủ đề trong việc tập trung nâng cao nhận thức người dân.

Đặc biệt là những người trẻ về sức khỏe tâm thần, các bệnh liên quan tới rối loạn lo âu và trầm cảm. Dự án thu hút hơn 300 sinh viên và cán bộ làm việc trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần.  

ELP 2017 – Dự án nhà lãnh đạo tiềm năng của RMIT dành cho sinh viên năm 1 và năm 2. Trong khuôn khổ dự án, 5 nhóm sinh viên đã thuyết trình một cách sáng tạo về rối loạn tâm lý OCD (Rối loạn ám ảnh cưỡng chế), SAD (Rối loạn lo âu xã hội) và bệnh trầm cảm.

Bà Nguyễn Thanh Tâm- Giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe tâm thần và Phát triển cộng đồng MHCD, Trưởng đại diện kiêm giám đốc quốc gia của BasicNeeds Việt Nam, người tư vấn chuyên môn của dự án này cho biết: Có tới 25% dân số thế giới có thể mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời.

"Cuộc sống hiện đại ngày càng căng thẳng và áp lực là một nguyên nhân khiến số người mắc bệnh tăng cao. Hoàn toàn không có gì phải xấu hổ khi điều đó xảy ra.”- bà Tâm cho biết.

Sinh viên dự án với thông điệp truyền tải đầy tính biểu tượng
Sinh viên dự án với thông điệp truyền tải đầy tính biểu tượng

Thông qua dự án này, sinh viên RMIT Việt Nam đã “hóa giải” một số hiểu lầm phổ biến, ví dụ như nói tới sức khỏe tâm thần là nói tới những bệnh nhân nặng phải điều trị trong viện, trong khi có tới hơn 300 mặt bệnh về sức khỏe tâm thần, ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau; và mọi người chỉ biết tới một vài bệnh như trầm cảm hay tâm thần phân liệt.

Hiểu biết để không sợ hãi, có thái độ và kiến thức đúng chính là chìa khóa để lấy lại đời sống tinh thần khỏe mạnh và cân bằng. Đó là mục tiêu mà dự án muốn hướng đến. 

Một “khai sáng” nữa đó vì thiếu kiến thức, 90% những người có bệnh lo âu/trầm cảm lo sợ sẽ bị đánh giá là “thần kinh”/“điên”. Suy nghĩ này khiến họ tự xây bức tường để che giấu, họ dè dặt không muốn ai biết, càng không muốn gặp bác sĩ để được tư vấn hay điều trị.

Do đó, sự hiểu biết, quan tâm, chia sẻ của người thân và bạn bè mới chính là nguồn hỗ trợ đầu tiên và hiệu quả nhất, chứ không phải bác sĩ.

Thảo Anh, sinh viên RMIT Việt Nam cho biết : "Em học được cực kỳ nhiều kiến thức bổ ích khi làm dự án này. Hiện nay nhiều người nhầm lẫn triệu chứng của trầm cảm và rối loạn lo âu. Em nhận ra là kiến thức về sức khỏe tâm thần là dành cho tất cả mọi người. Người thân của chúng ta hay chính chúng ta có thể sẽ cần đến những kiến thức ấy một ngày nào đó.”

Nhìn nhận về hướng hoạt động và nghiên cứu của sinh viên trong dự án này, bà Nguyễn Thanh Tâm chia sẻ:  “Trong quá trình nghiên cứu, sinh viên RMIT rất năng động, chủ động tìm kiếm thông tin, chủ động đưa ra các câu hỏi khó cho tôi để khai thác kiến thức. Các em cũng không ngần ngại chia sẻ những lo âu của bản thân. Đó là điều tôi rất thích về sinh viên RMIT ”

Được biết, Chương trình lãnh đạo của RMIT nhằm mục đích xây dựng các yếu tố Lãnh đạo cho sinh viên như: sự chủ động, Cầu tiến và phát triển.... giúp sinh viên thể hiện tối đa tiềm năng, cũng như hoàn thiện kỹ năng lãnh đạo qua các buổi học, hướng dẫn chuyên đề có định hướng, các dự án cộng đồng và tự đánh giá cá nhân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ