Tình trạng này kéo dài dẫn đến không ít giáo viên mắc phải chứng suy nhược thần kinh và stress.
Những tác động tới thần kinh
Suy nhược thần kinh được coi là nguyên nhân gây ra chứng mất tập trung. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại hệ lụy nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần cho người bệnh, đặc biệt là giáo viên.
Suy nhược thần kinh, được biết đến là kiệt quệ thần kinh là tình trạng rối loạn chức năng của vỏ não và một số trung khu dưới vỏ do tế bào não phải làm việc quá căng thẳng, dẫn tới tình trạng quá tải và suy nhược, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình hồi phục và tái tạo toàn bộ các cơ quan trong cơ thể.
Một cô giáo ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ, ít có nghề nào mà mỗi ngày lại phải đối mặt, giao tiếp với cả trăm con người như nhà giáo. Cứ mỗi tiết học là có cả 40 - 50 cặp mắt luôn dõi theo từng cử chỉ, lời nói. Có ngày giáo viên phải liên tục đứng lớp. Nói học sinh vất vả một thì giáo viên vất vả gấp mười.
Ngày ngày lên lớp giảng bài, đêm về lại cặm cụi chấm bài thi, chuẩn bị bài giảng cho ngày mới. Mỗi khi đến kỳ kiểm tra cuối năm là biết bao nhiêu công việc dồn xuống đầu các thầy cô. Lo việc ra đề thi, rồi lên kế hoạch ôn thi cho các học sinh, trông thi, chấm bài, vào điểm, dự giờ, các phong trào của trường…
Chưa kể, giữa hàng trăm, hàng nghìn học sinh, nhiều em rất ngoan, chăm chỉ, nghe lời. Nhưng số em bướng bỉnh, bất trị, luôn muốn nổi loạn cũng không ít. Thầy cô đau đầu vì học sinh ngủ gật trong giờ, nói chuyện, làm việc riêng, nghe điện thoại hay không chịu làm bài tập về nhà… Nhiều em có thái độ thách thức, hoặc ngầm thực hiện sai các quy định khiến thầy cô còn phải dạy về lối sống, kỹ năng, rèn tính cách con người.
Theo chia sẻ của nhiều giáo viên mầm non, hầu như cả ngày chỉ có khoảng thời gian nghỉ trưa của các bé là được nghỉ một chút. Tuy nhiên, nhiều trường hợp trong giờ ngủ của các bé thì cô giáo lại phải chuẩn bị những việc khác như làm đồ chơi hoặc dọn dẹp cho giờ học tiếp theo.
Sự hy sinh thầm lặng của các thầy, cô giáo không phải ai cũng biết, rất nhiều áp lực, stress. Bởi mỗi cấp học, mỗi độ tuổi lại có những đặc điểm tính cách riêng đòi hỏi giáo viên phải nắm bắt, hiểu từng em để không chỉ “dạy” mà còn phải “dỗ”. Thế nhưng, với mức lương còn thấp, cường độ làm việc nhiều và thời gian nghỉ ngơi, ăn uống chưa hợp lý khiến không ít nhà giáo mắc chứng suy nhược và stress.
Theo bác sĩ Lê Thị Phương - Bệnh viện Bạch Mai đây cũng là chứng bệnh được liệt kê vào một trong số những bệnh nghề giáo có nguy cơ cao mắc phải bên cạnh các bệnh về mắt, thanh quản, đau mỏi vai gáy… Nguyên nhân phổ biến dẫn tới suy nhược thần kinh bắt nguồn từ những yếu tố gây chấn thương tâm thần tác động tới người bệnh. Chúng thường xảy ra liền kề nhau hoặc kết hợp với nhau, về lâu dài có thể trở thành tâm bệnh khó chữa.
Đối với giáo viên, sự căng thẳng quá mức dẫn tới rối loạn các hoạt động thần kinh và gây ra suy nhược thần kinh. Chứng bệnh này hầu hết được phát sinh do các yếu tố bên ngoài tác động vào, cũng có thể đến từ sự mệt mỏi quá mức của cơ thể hoặc quá căng thẳng về tâm thần. Bệnh sẽ xuất hiện dần sau một khoảng thời gian sang chấn tâm lý và ngày một biểu hiện rõ rệt khi có các nhân tố thúc đẩy.
Những nhân tố này bao gồm: Thần kinh yếu, cuộc sống quá mệt mỏi, lao động trí óc căng thẳng, môi trường sống và làm việc có nhiều nhân tố kích thích, tiếng ồn, mắc các bệnh viêm nhiễm mạn tính như viêm loét dạ dày, viêm xoang, viêm túi mật, người nghiện rượu nặng, thiếu dinh dưỡng, mất ngủ lâu ngày hoặc kiệt sức.
Ngoài giáo viên, suy nhược thần kinh xảy ra ở hầu hết mọi lứa tuổi và không phân biệt giới tính. Nếu không được điều trị bệnh sớm, người bệnh có thể gặp các nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe. Những đối tượng dễ mắc bệnh suy nhược thần kinh, bao gồm: Người thường xuyên căng thẳng hoặc bị trầm cảm, nghiện rượu, hút thuốc lá nhiều, người lao động trí óc hoặc làm trong môi trường phức tạp, ồn ào.
“Suy nhược thần kinh không gây ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, nhưng nó thường gây ra các rối loạn trên cơ thể và làm giảm chất lượng cuộc sống của người mắc phải. Nếu chứng bệnh này về lâu dài không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả thể chất lẫn tinh thần của người bệnh”, bác sĩ Lê Thị Phương nhấn mạnh.
Giáo viên, giảng viên đại học tham gia Hội thảo 'Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho giáo viên hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc'. Ảnh: ITN |
Nhà giáo cũng phải là “bác sĩ”
Nghiên cứu chỉ ra rằng, nguyên nhân dẫn tới trầm cảm là do suy nhược thần kinh. Trầm cảm thường thể hiện tình trạng chán nản, buồn rầu, ăn uống kém, khó ngủ, không có hứng thú với công việc và mọi thứ xung quanh, mặc cảm thua kém và rầu rĩ lâu ngày.
Trầm cảm cũng có thể dẫn tới những rối loạn về nhận thức, trí nhớ và bị ức chế hoặc kích thích tăng vận động. Lâu ngày, chứng trầm cảm sẽ ngày càng tồi tệ hơn, dẫn tới giảm chất lượng cuộc sống, khả năng làm việc cũng như sinh hoạt hàng ngày bị hạn chế, các bệnh đa khoa khác cũng tiến triển nặng hơn.
Thực tế, nhiều giáo viên căng thẳng lâu ngày nhưng khó nhận biết mình đang ở tình trạng nào của suy nhược thần kinh và stress. Theo bác sĩ Lê Thị Phương, nếu có dấu hiệu cần đến sớm các cơ sở y tế, các chuyên gia để thăm khám và chẩn đoán bệnh.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể dựa vào triệu chứng thường thấy của suy nhược thần kinh, bao gồm: Thay đổi tâm trạng, dễ khóc, dễ xúc động và đôi khi trầm lặng tuyệt đối; tự cô lập bản thân, có xu hướng tự xa lánh mọi người xung quanh và thích ở một mình; rối loạn cảm giác, hoa mắt, chóng mặt, người tê mỏi, chán nản, buồn bã; rối loạn giấc ngủ, có thể bị mất ngủ hoặc tỉnh giấc nhiều lần trong đêm, ngủ quá ít hoặc quá nhiều so với bình thường.
Bên cạnh đó là biểu hiện lo âu quá độ, dễ sinh ra những cảm xúc hay suy nghĩ tiêu cực, luôn thấy các vấn đề xảy ra là trầm trọng và bế tắc, không thể giải quyết. Điều này có thể khiến tim đập nhanh hơn, họng bị nghẹn lại và có cảm giác co thắt ở ngực.
Người bị suy nhược thần kinh cũng thường cảm thấy cổ bị đau mỏi, đau thắt lưng, cột sống, chóng mặt, hoa mắt, các cơ bị đau nhức và cảm giác khó chịu ở ngoài da như kim châm, kiến bò, nóng lạnh thất thường, run chân tay, lưỡi, bị rối loạn cảm xúc...
Do vậy, để đẩy lùi suy nhược thần kinh, nhà giáo cần thay đổi thói quen sống hàng ngày. Mỗi người hãy lên kế hoạch cho mình tuân theo một lối sống tích cực và lành mạnh hơn, giúp những cảm xúc căng thẳng, stress của bản thân được giải tỏa. Ăn uống khoa học, đủ chất kết hợp với nghỉ ngơi đầy đủ để nạp thêm năng lượng sau một ngày dài mệt mỏi với công việc.
Không lạm dụng rượu bia, thuốc lá. Cố gắng giảm thiểu hoặc tránh các đầu mối gây ra căng thẳng như xung đột gia đình, mâu thuẫn nơi làm việc… bằng cách thường xuyên chia sẻ, tâm sự với bạn bè và người thân những vấn đề trong công việc cũng như trong cuộc sống mà bạn đang mắc phải. Điều này giúp giảm được sự mệt mỏi và dồn nén trong cảm xúc.
Luôn phải đảm bảo thư giãn đầu óc và nâng cao thể chất bằng các hoạt động thể dục thể thao thường xuyên. Các thầy cô nên dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày để tập thể dục.
Đặc biệt, các bài tập thiền, hay thái cực quyền đều là những liệu pháp rất hữu ích cho những người thường xuyên bị áp lực căng thẳng. Khi nghi ngờ bản thân bị suy nhược thần kinh, thầy cô không nên tự ý sử dụng thuốc để đối phó với chứng bệnh mà nên đi khám bác sĩ để được tư vấn phương pháp chữa trị cụ thể.
Chuyên gia cũng khuyên rằng, thầy cô không nên bắt ép bản thân phải đạt được những mục tiêu quá cao. Điều này chỉ khiến tự tạo áp lực cho bản thân, dẫn tới thất vọng, buồn phiền. Chán nản khi không đạt được mục tiêu là nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới suy nhược thần kinh.
Đồng thời, cần hạn chế những nỗi lo lắng, muộn phiền xảy ra trong lớp học để giảm tình trạng stress, tăng cường chế độ ăn uống hợp lý, dinh dưỡng, đúng giờ và nghỉ ngơi khoa học. Thầy cô có hạnh phúc thì mới có học sinh, trường học hạnh phúc.
Tại Hội thảo “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho giáo viên hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc” được Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức vào tháng 1/2023, kết quả khảo sát tại Quảng Trị, Huế và TPHCM, được công bố cho thấy có 41,1% số giáo viên bắt đầu có những dấu hiệu đáng lưu ý, 22% giáo viên có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần cao và khoảng 6,1% giáo viên có sức khỏe tâm thần không tốt.
Đáng chú ý, tại hội thảo, báo cáo về vấn đề: “Tổn thương sức khỏe tâm thần sau đại dịch và những thách thức của hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần”, PGS.TS Trần Thành Nam, Trường ĐH Giáo dục đã nêu bức tranh thực trạng tổn thương sức khỏe tâm thần của giáo viên trong các nghiên cứu khảo sát trên thế giới và Việt Nam.
Trong đó, PGS Trần Thành Nam chia sẻ số liệu nghiên cứu tại Việt Nam trong cộng đồng, cho thấy cứ 8 người thì có 1 người bị tổn thương sức khỏe tâm thần, trong đó các vấn đề trầm cảm và lo âu đang là phổ biến nhất (trầm cảm tăng lên 28% và lo âu tăng lên 26%).
Và cũng giống như các nghiên cứu trên thế giới, hầu hết mọi người không nghĩ đến việc tìm kiếm sự giúp đỡ, và một số người muốn tìm kiếm sự giúp đỡ thì lại không tiếp cận được các dịch vụ cần thiết.