Bệnh tim mạch nguy hiểm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thiếu máu cơ tim và cơn đau thắt ngực là những bệnh lý tim mạch thường gặp nhất.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Điều đáng ngại là chúng có khuynh hướng ngày càng trở nên phổ biến và trẻ hóa người mắc bệnh. Hậu quả nặng nề của thiếu máu cơ tim và cơn đau thắt ngực là nhồi máu cơ tim...

Thiếu máu cơ tim

Thiếu máu cơ tim còn gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn. Đây là tình trạng bệnh lý xảy ra khi “khẩu phần” máu của tim bị giảm vì sự tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ các nhánh của động mạch vành.

Do lượng máu đến tim giảm, nên giảm nguồn cung cấp oxy cần thiết cho các tế bào cơ tim hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc giảm chức năng bơm máu của tim đến với các bộ phận khác trong toàn cơ thể. Việc thiếu máu cơ tim tái diễn và kéo dài gây tổn thương cơ tim và dẫn đến rối loạn nhịp tim hoặc nhồi máu cơ tim.

Nguyên nhân gây bệnh thiếu máu cơ tim thường gặp nhất là xơ vữa động mạch. Bệnh xơ vữa động mạch làm cho các mạch máu kém đàn hồi, các mãng xơ vữa lắng đọng gây hẹp lòng động mạch và cản trở sự lưu thông máu cung cấp cho tim.

Điều này xảy ra ở một hoặc nhiều nhánh của hệ thống động mạch vành bao quanh trái tim. Diễn biến của hẹp lòng động mạch tiến triển dần theo thời gian. Do đó, thiếu máu cơ tim cục bộ cũng tiến triển chầm chậm.

Tuy nhiên, có những trường hợp thiếu máu cơ tim diễn ra đột ngột do cục máu đông được hình thành từ nơi khác di chuyển đến động mạch vành gây hẹp cấp tính hay tắc nghẽn hoàn toàn tạo ra cơn đau ngực dữ dội và người bệnh có thể tử vong trong bệnh cảnh nhồi máu cơ tim.

Tuy không phổ biến, nhưng co thắt tạm thời động mạch vành vì một nguyên nhân nào đó như tác dụng phụ của thuốc điều trị, thời tiết đột ngột thay đổi hoặc stress tâm lý... cũng là nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim vì sự co thắt này làm hẹp lòng động mạch hạn chế dòng máu tuần hoàn qua tim.

Các yếu tố nguy cơ gây thiếu máu cơ tim: Nghiện thuốc lá, mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, cholessterol máu cao, mắc bệnh béo phì, những người ít vận động...

Một số trường hợp thiếu máu cơ tim cục bộ diễn ra nhẹ nhàng, gần như không có biểu hiện gì đáng lưu ý do cơ chế tự bù đắp của tim. Nhưng một khi các dấu hiệu xuất hiện rõ ràng, nghĩa là bệnh thiếu máu cơ tim đã âm thầm diễn biến từ lâu (hơn 70% bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn). Điển hình nhất là cơn đau vùng ngực ở bên trái tương ứng với vị trí của tim và vùng thiếu máu. Biểu hiện này được gọi là cơn đau thắt ngực.

Nhìn chung, ở người cao tuổi và người mắc các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường có các biểu hiện thường gặp sau đây: Mệt mỏi, toát mồ hôi, khó thở khi vận động, buồn nôn và nôn, hồi hộp mệt ngực, nhịp tim nhanh. Ngoài ra có thể đau vai, đau cánh tay, đau vùng cổ và vùng hàm mặt.

Người bệnh thiếu máu cơ tim thường được chỉ định dùng các thuốc sau đây: Aspirin (chống ngưng tập tiểu cầu) và các thuốc chuyên khoa nằm mục đích chống co thắt, làm giãn động mạch vành, tăng cường sự tưới máu cho tim như các thuốc nhóm nitrat, nhóm chẹn beta, nhóm chặn calci và nhóm ức chế men chuyển... Việc dùng thuốc cần tuân theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Việc nong động mạch vành, đặt stent hay phẫu thuật bắc cầu động mạch vành chỉ được đặt ra khi việc dùng thuốc uống không mang lại hiệu quả tốt cho người bệnh.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Cơn đau thắt ngực

Cơn đau thắt ngực xảy ra như là một “thông điệp” cảnh báo của tình trạng thiếu máu cơ tim không được “khắc phục” kịp thời. Nó xuất hiện tại thời điểm lưu lượng máu của động mạch vành không đáp ứng nhu cầu oxy tối thiểu cần thiết cho các hoạt động của tế bào cơ tim. Và điều này đã gây ra sự thương tổn cho cơ tim. Cơn đau ngực là một tín hiệu “cầu cứu”. Bệnh tập trung chủ yếu ở độ tuổi trung niên, nam nhiều hơn nữ.

Cơn đau thắt ngực thường diễn ra khi có các hoạt động gắng sức và giảm dần hoặc gần như biến mất khi được nghỉ ngơi. Trong các trường hợp nặng, cơn đau ngực diễn ra kể cả khi không có hoạt động nào gọi là gắng sức và thậm chí đau cả lúc nghỉ ngơi. Các nhà chuyên môn gọi đây là hội chứng động mạch vành cấp hoặc cơn đau thắt ngực không ổn định.

- Các biểu hiện thường gặp: Cảm giác nặng ngực hay đau nhói ở ngực. Cơn đau điển hình được người bệnh mô tả rất hình tượng là trái tim như bị bàn tay vô hình nào đó bóp nghẹt. Đưa tay ôm ngực gần như là phản ứng đầu tiên của người bệnh khi xảy ra cơn đau. Việc nín thở mang lại cảm giác dễ chịu hơn vì có tác dụng làm giảm cơn đau. Cơn đau tim thường có hướng lan ở mặt trong cánh tay, lên vai, cổ hoặc xuyên ra sau lưng. Các nhà chuyên môn chia cơn đau thắt ngực ra làm hai loại:

* Cơn đau thắt ngực ổn định: Là cơn đau diễn ra với các đặc điểm giống nhau. Cơn đau có thể dự đoán sẽ xuất hiện khi bị stress về mặt tinh thần, sau các hoạt động gắng sức như tập thể dục, vận động mạnh, khiêng vác nặng, lên cầu thang nhà nhiều tầng... Cơn đau sẽ biến mất khi dùng thuốc giãn mạch hoặc chỉ đơn thuần là nghỉ ngơi.

* Cơn đau thắt ngực không ổn định: Không thể dự báo trước như cơn đau thắt ngực ổn định. Nó xuất hiện bất cứ lúc nào, kể cả khi đang nghỉ ngơi. Đặc điểm cơn đau không giống nhau ở mỗi lần xuất hiện, như lần trước đau ít, lần này đau nhiều hơn, lần trước cơn ngắn hơn, lần này cơn đau xảy ra dài hơn...

Cơn đau cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng cục máu đông đang hình thành trong lòng động mạch vành. Do đó, nếu cơn đau kéo dài quá 5 phút được xem như là một ca cấp cứu khẩn cấp về tim mạch.

Trừ các yếu tố sau đây là không thể thay đổi được như tuổi tác, tiền sử gia đình, bệnh thiếu máu cơ tim và cơn đau thắt ngực có thể phòng tránh được nhờ hạn chế các yếu tố nguy cơ qua việc thay đổi lối sống như “nói không” với hút thuốc lá, siêng năng thể dục thể thao, chế độ ăn uống hợp lý, giàu dinh dưỡng, hạn chế chất béo bão hòa, ăn nhiều trái cây, rau quả. Kiểm soát cảm xúc, tránh sự căng thẳng và mỏi mệt. Điều trị có hiệu quả các bệnh lý liên quan như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì...

Cần đi khám chuyên khoa tim mạch khi có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ mắc bệnh thiếu máu cơ tim và cơn đau thắt ngực. Cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh lý động mạch vành và kiểm soát có hiệu quả các bệnh lý liên quan khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ